Bạn đang xem bài viết Bộ câu hỏi Tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 86 câu hỏi tình huống Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Có đáp án) tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bộ câu hỏi Tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình gồm 86 tình huống, câu hỏi đáp pháp luật về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Qua đó, giúp các bạn tham khảo, có thêm nhiều kiến thức để tham gia cuộc thi Tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2023.
Với 86 câu hỏi tình huống Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có đáp án kèm theo, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều. Vậy mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Thcslytutrongst.edu.vn:
Câu hỏi đáp về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
1. Tôi được biết Nhà nước vừa thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 với nhiều điểm mới, dựa trên phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Thông qua đó, Luật đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Vậy theo quy định của Luật này, bạo lực gia đình được hiểu là gì? Đặc biệt, thế nào là cấm tiếp xúc và giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi đối với hành vi bạo lực gia đình vì đây là khái niệm mới, lần đầu tiên tôi được biết đến?
Ngày 14/11/2022, Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 4 đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia dình nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Theo Điều 2 Luật này thì:
– Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
– Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
– Nơi tạm lánh là địa điểm để bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình.
– Giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình là quá trình cung cấp kiến thức, kỹ năng ứng xử, kiềm chế cảm xúc tiêu cực, kiểm soát hành vi, giải quyết mâu thuẫn giúp người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt bạo lực gia đình.
2. Qua đọc báo chí, tôi thấy hiện nay có thông tin cứ 03 phụ nữ thì có gần 01 người (chiếm tỷ lệ đến 32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Trong đó, có nhiều vụ bạo hành gia đình có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi và khó lường nên tôi muốn biết rõ hơn về hành vi bạo lực gia đình gồm những hành vi như thế nào?
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, tại Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, thì hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;
b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
d) Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
đ) Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình;
e) Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
g) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
h) Tiết lộ hoặc phát tán thông tin thuộc đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
i) Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng;
k) Cưỡng ép trình diễn hành vi khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực;
l) Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp;
m) Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi;
n) Chiếm đoạt, hủy hoại tài sản chung của gia đình hoặc tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình;
o) Cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng lệ thuộc về mặt vật chất, tinh thần hoặc các mặt khác;
p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;
q) Cưỡng ép thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp trái pháp luật.
3. Có một số ý kiến cho rằng có 04 loại hành vi về bạo lực gia đình gồm bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực kinh tế? Vậy xin hỏi cách hiểu cụ thể về mỗi loại hành vi bạo lực này được hiểu như thế nào?
Gia đình là tế bào của xã hội, là hình thức thu nhỏ của xã hội nên bạo lực gia đình có thể coi là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội với nhiều dạng khác nhau. Bạo lực gia đình là một dạng của bạo lực xã hội. Theo Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Như vậy, cách hiểu về bạo lực gia đình gồm 04 dạng nêu trên là hoàn toàn chính xác. Có thể nhận diện bạo lực gia đình ở những hình thức chủ yếu sau:
– Bạo lực về thể chất: là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ.
– Bạo lực về tinh thần: là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình.
– Bạo lực về kinh tế: là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…).
– Bạo lực về tình dục: là bất kỳ hành vi nào mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
Mỗi hình thức bạo lực có thể được biểu hiện dưới nhiều hành vi khác nhau. Bạo lực gia đình đã được Luật hóa nên có được xem như một tệ nạn trong xã hội. Tuy nhiên những năm qua, bạo lực gia đình có sự phát triển phức tạp trong một xã hội hiện đại tạo nên những vấn đề nhức nhối, đau lòng trong xã hội. Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, vậy nên mỗi gia đình cần xây dựng và duy trì hạnh phúc để góp phần tạo nên một xã hội phát triển.
4. Anh Nguyễn Văn T lấy chị H sinh được 3 người con gái liên tiếp. Mãi đến khi chị H hơn 40 tuổi mới sinh được một đứa con trai nên anh T rất yêu chiều đứa con trai út. Từ khi sinh được con trai, đối với 03 cô con gái, anh T thường xuyên bỏ mặc, không quan tâm mà còn thường xuyên nói là lũ vịt trời, “bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”… rồi không chăm sóc, cho các con ăn học đầy đủ. Mặc cho vợ thường xuyên khuyên bảo hành vi của anh là vi phạm pháp luật, có yếu tố bạo lực gia đình. Ý kiến này đúng hay không?
Hành vi của anh T là hành vi bạo lực gia đình về tinh thần. Vì theo điểm d và đ khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có các hành vi bao gồm:
– Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em;
– Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình.
5. Sau 05 năm lấy nhau, do anh P có tính trăng hoa, thường xuyên bồ bịch lại keo kiệt, bủn xỉn nên chị G làm đơn ly hôn. Mặc dù chị có mong muốn được nuôi cả 02 con song Tòa án lại xử anh P được nuôi con trai út. Song từ khi ly hôn được gần 01 năm nay, anh P cố tình ngăn cản không cho chị G đến thăm nuôi con, cũng như không nhận đồ chơi, quần áo chị mua gửi tặng cho con trai mình… Xin hỏi hành vi của anh P có vi phạm pháp luật hay không?
Hành vi của anh P vi phạm điểm e và g khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã quy định rõ hành vi bạo lực gia đình gồm:
– Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý;
– Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
6. Để giải quyết vấn nạn bạo lực gia đình, hướng tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và hạnh phúc thì pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đã hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của nạn nhân bạo lực gia đình. Vậy xin hỏi, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
Theo Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
– Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.
– Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.
– Chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình phải được kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì trong quá trình xử lý phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em hoặc người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em.
– Nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và người đứng đầu; chú trọng phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng.
– Thực hiện trách nhiệm nêu gương trong phòng, chống bạo lực gia đình đối với cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
7. Xin hỏi các hành vi nào bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022?
Theo Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì các hành vị bị nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:
– Hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Luật.
– Kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
– Sử dụng, truyền bá thông tin, tài liệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích động bạo lực gia đình.
– Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
– Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
– Lợi dụng hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình để thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Dung túng, bao che, không xử lý, xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi bạo lực gia đình.
8. Xóm A nằm bên con sông đục ngầu của thành phố với dân cư thuộc nhiều tầng lớp, thành phần lao động khác nhau, trong đó có không ít lao động tự do. Gia đình anh K ở mãi tận cuối xóm thuộc hộ gia đình khó khăn bởi anh làm nghề tự do, chị vợ ở nhà trông 3 con nheo nhóc. Mỗi tối uống rượu say, anh K thường xuyên mắng chửi con cái thậm chí có hành động vũ phu đánh vợ con… Bà H là hàng xóm gần nhà thường xuyên giúp đỡ, tâm sự và hỗ trợ chị vợ anh K. Biết chuyện, Anh K có hành vi đe dọa, thậm chí còn có lần suýt đánh bà H. Xin hỏi hành vi của anh K đối với bà H có thuộc hành vi bị nghiêm cấm theo luật hay không?
Hành vi của anh K đã vi phạm khoản 4 và 5 Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
– Trả thù, đe dọa trả thù người giúp đỡ người bị bạo lực gia đình, người phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình.
– Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực gia đình.
9. Để phòng, chống bạo lực gia đình, nhà nước có các chính sách như thế nào?
Theo Điều 6 Luật Phòng, chống gia đình về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
– Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình; ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân viện trợ, tài trợ, tặng cho, đóng góp, hỗ trợ, ủng hộ, đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; phát triển các mô hình tư vấn xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng ngừa bạo lực gia đình và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số tham gia công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
– Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
– Hỗ trợ việc bồi dưỡng nâng cao năng lực người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
10. Cơ quan tôi phát động mọi người tích cực tham gia cuộc thi trực tuyến sáng tác các tiểu phẩm/câu chuyện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Để tạo khí thế, phấn khởi động việc mọi người nên giải nhất cuộc thi trị giá rất cao. Xin hỏi việc tổ chức cuộc thi nêu trên có ý nghĩa gì?
Việc tổ chức sáng tác văn học, nghệ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình là một trong những chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác này đã được quy định tại khoản 3 và 4 Điều 6 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể:
– Khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về phòng, chống bạo lực gia đình; ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Biểu dương, khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình; có chế độ hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản cho cá nhân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình.
11. Đề nghị cho biết pháp luật quy định tháng nào là tháng hành động
Theo Điều 7 Luật Phòng, chống gia đình năm 2022 thì tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình.
12. Tôi được biết, pháp luật Việt Nam đã tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, khả thi, phù hợp giữa các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Vậy xin hỏi, hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình gồm những nội dung như thế nào?
Theo Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
– Hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
– Nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm:
a) Tham gia tổ chức quốc tế; ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình;
b) Xây dựng và thực hiện chương trình, dự án, hoạt động về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống bạo lực gia đình;
d) Nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực về phòng, chống bạo lực gia đình.
13. Xin hỏi, người bị bạo lực gia đình có các quyền như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người bị bạo lực gia đình có các quyền sau:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến hành vi bạo lực gia đình;
b) Yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ theo quy định của Luật này;
c) Được bố trí nơi tạm lánh, giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
d) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và dịch vụ trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật;
đ) Yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình khắc phục hậu quả, bồi thường tổn hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tài sản;
e) Được thông tin về quyền và nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, xử lý hành vi bạo lực gia đình;
g) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
h) Quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
14. Sau khi ra trường, Phạm Thị H xin vào làm tại công ty X. Với bằng cấp giỏi, trình độ chuyên môn tốt, lại thêm vẻ ngoài xinh xắn nên H nhanh chóng được thăng chức Trợ lý cho Giám đốc L. Sau đó, giữa hai người phát sinh tình cảm nên dọn về chung sống với nhau và đăng ký kết hôn song không tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận thấy L là người trăng hoa, lại vũ phu, nên H đã chủ động xin nghỉ việc, cắt đứt tình cảm với L. Tuy nhiên, L không buông tha H mà thường xuyên đe dọa uy hiếp, chặn đường chửi bới, thậm chí có lần có hành động vũ phu với H. Xin hỏi trong trường hợp này, H phải làm gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Như vậy trong trường hợp này H là nạn nhân của bạo lực gia đình có thể nhờ sự giúp đỡ của người khác tố cáo hành vi bạo lực gia đình hoặc trực tiếp tố cáo hành vi bạo lực gia đình cho cơ quan có thẩm quyền.
15. Đề nghị cho biết pháp luật quy định về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình như thế nào?
Theo Khoản 1 Điều 10 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Chấm dứt hành vi bạo lực gia đình;
b) Chấp hành yêu cầu, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
c) Kịp thời đưa người bị bạo lực gia đình đi cấp cứu, điều trị. Chăm sóc người bị bạo lực gia đình, trừ trường hợp người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình từ chối;
d) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức, cá nhân khác.
16. Bà D là người giám hộ theo pháp luật chăm sóc em G là cháu ruột của mình sau khi bố G mất, mẹ đi lấy chồng khác. Tuy G mới 10 tuổi, song bà D bắt G nghỉ học. Hàng ngày, G phải dậy từ 4h sáng phụ giúp nấu nướng và bưng bê quán phở của bà G. Rất nhiều lần, quán vắng khách khiến bà D bực bội và có hành vi chửi bới, thậm chí dùng đũa cán dài đánh em G, thậm chí dẫn đến bị thương nhẹ. Xin hỏi trong trường hợp này, bà D có được thực hiện quyền của người đại diện theo pháp luật hay không?
Hành vi của bà G là hành vi bạo lực gia đình vì bà đã lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm em G và bắt em lao động quá sức. Trong trường hợp này, bà G không được thực hiện quyền của người giám hộ cho em G trong vụ việc này. Theo khoản 2 Điều 10 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 thì người có hành vi bạo lực gia đình là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình thì không được thực hiện quyền của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật quy định đối với vụ việc bạo lực gia đình do mình thực hiện.
17. Đề nghị cho biết trách nhiệm của các thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình
Theo quy định tại Điều 11 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình gồm:
– Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
– Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.
– Thực hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và quy định khác của pháp luật có liên quan.
18. Biết con trai thường xuyên mắng chửi , thậm chí nhiều lần còn đánh đập vợ con khi vợ sau khi sinh con do sức khỏe yếu không đi làm, nhưng bà H là mẹ chồng lại giữ thái độ im lặng, không có ý kiến gì. Thậm chí, có lần trong bữa cơm gia đình, do trái ý kiến chồng mà cô con dâu còn bị chồng bê cả mâm cơm ném vào đầu. Bà P là hàng xóm đã khuyên bà H phải nhắc nhở con trai mình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và phải đứng ra hòa giải các mâu thuẫn, vì đây là trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Xin hỏi, ý kiến của bà P có chính xác hay không?
Ý kiến của bà P là chính xác vì theo Điều 11 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 về trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình gồm:
– Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
Như vậy, bà P phải có trách nhiệm can ngăn con trai mình đối xử tệ bạc với vợ và hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong gia đình.
19. Mỗi cá nhân trong cộng đồng có quyền như thế nào trong phòng, chống bạo lực gia đình?
Theo Điều 12 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định về quyền của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
– Được khen thưởng khi có thành tích trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; được bảo vệ, giữ bí mật về thông tin cá nhân khi báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình; được Nhà nước hỗ trợ để bù đắp tổn hại về sức khỏe, tính mạng và thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
20. Biết nhà hàng xóm người vợ thường xuyên bị chồng đánh, nên chị A hay giúp đỡ, bảo vệ và hỗ trợ chị vợ khi họ cần. Chồng chị A không hài lòng về việc làm của vợ, cho rằng vợ bao đồng, tự dưng “dây dưa” vào việc không phải của mình. Xin hỏi ý kiến của chồng chị A đúng hay sai?
Ý kiến của chồng chị A là sai vì theo quy định của Luật Phòng, chống gia đình năm 2022, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm sau đây:
a) Báo tin, tố giác ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quy định;
b) Tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cộng đồng.
21. Xin cho biết, mục đích và yêu cầu của việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình?
Quán triệt quan điểm lấy phòng ngừa làm chính trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã dành toàn bộ Chương II gồm 6 điều (từ Điều 13 đến Điều 18) để quy định về việc phòng ngừa bạo lực gia đình.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Luật thì mục đích của biện pháp thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình là nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử, góp phần xoá bỏ bạo lực gia đình.
Để việc thông tin, truyền thông, giáo dục đạt hiệu quả, Khoản 2 của Điều luật xác định rõ các yêu cầu cần được thông tin, tuyên truyền sau đây:
a) Thường xuyên, chính xác, rõ ràng, đơn giản, thiết thực;
b) Phù hợp với trình độ, lứa tuổi, giới tính, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, địa bàn; chú trọng trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
c) Chú trọng thay đổi hành vi của người có hành vi bạo lực gia đình, người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới;
c) Bình đẳng giới, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị bạo lực gia đình và những người có liên quan;
d) Bảo đảm an toàn thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.
22. Pháp luật quy định như thế nào về nội dung và hình thức của thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình?
Để việc thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình có trọng tâm, Điều 14 của Luật quy định cụ thể các nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục, gồm:
– Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
– Quyền con người, quyền công dân, bình đẳng giới trong gia đình.
– Truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.
– Kiến thức về hôn nhân và gia đình; kỹ năng ứng xử trong gia đình; kỹ năng bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình.
– Kinh nghiệm phòng, chống bạo lực gia đình trong nước và quốc tế.
– Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, để chuyển tải các nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 14 nêu trên đến người dân đạt hiệu quả cao nhất, Điều 15 của Luật quy định các hình thức thông tin, truyền thông, giáo dục như sau:
– Hội nghị, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề; phổ biến pháp luật trực tiếp.
– Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa – nô, áp – phích, tranh cổ động;
– Lồng ghép trong chương trình và hoạt động tại cơ sở giáo dục;
– Tổ chức cuộc thi, chiến dịch truyền thông;
– Lồng ghép trong hoạt động văn học, nghệ thuật, thể thao, sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng dân cư; mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
– Hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
23. Nguyên tắc hoà giải trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.
Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Tại Khoản 2 Điều 17 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về nguyên tắc hoà giải trong phòng, chống bạo lực gia đình như sau:
– Chủ động, kịp thời, kiên trì.
-Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình.
– Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
– Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải.
– Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
24. Mỗi khi tôi đi làm về muộn, chồng tôi hay bực bội, ghen tuông vô cớ, gây sự mắng chửi, đánh đập tôi thậm tệ. Những khi đó, chị gái chồng tôi có khuyên can, dàn hòa thì chồng tôi quát: “việc vợ em để em dạy, chị đừng can thiệp”. Xin hỏi, chồng tôi nói vậy có đúng không? Hòa giải mâu thuẫn tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành được pháp luật quy định như thế nào?
Việc chị chồng bạn can thiệp, khuyên giải chồng bạn là đúng, còn hành vi “ghen tuông” vô cớ mà chồng bạn đánh bạn là sai, thậm chí còn vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo khoản 1 Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình thì, thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.
Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.
25. Tôi hiện là Chủ tịch công đoàn cơ quan. Vừa qua, chị A – vợ anh B (nhân viên văn phòng của cơ quan) đến đề nghị hoà giải mâu thuẫn giữa vợ chồng anh chị. Vậy, xin hỏi cơ quan có trách nhiệm hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa vợ chồng chị A, anh B không? Thẩm quyền tiến hành hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp này được quy định như thế nào?
Tại khoản 2, 3 Điều 18 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về chủ thể tiến hành hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp như sau:
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức đó với thành viên gia đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.
Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, trường hơp chị A đến cơ quan ông/ bà đề nghị hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa vợ chồng anh chị (anh B là người thuộc cơ quan) thì cơ quan ông/ bà có trách nhiệm tiến hành hoà giải.
26. Qua tìm hiểu tôi được biết, Nhà nước có chính sách phát triển các mô hình tư vấn về gia đình hạnh phúc, phòng ngừa lực gia đình. Vậy, nội dung, đối tượng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?
Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 16 Luật phòng, chống bạo lực gia đình; cụ thể như sau:
a. Tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm các nội dung sau đây:
– Thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, giới, bình đẳng giới và quy định pháp luật có liên quan; quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, thành viên khác trong gia đình;
– Kỹ năng ứng xử trong gia đình; tổ chức đời sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, xử lý khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình, chăm sóc người bị bạo lực gia đình.
b. Việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở tập trung vào các đối tượng sau đây:
– Người bị bạo lực gia đình;
– Người có hành vi bạo lực gia đình;
– Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới
– Người chuẩn bị kết hôn.
Ủy ban nhân dân các cấp chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở.
27. Pháp luật quy định như thế nào về hình thức xử phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình?
Theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định số 144/2021/NĐ-CP), thì mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân là 30.000.000 đồng, đối với tổ chức là 60.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
28. Xin cho biết, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?
Điều 52 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
b. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
– Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
c. Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi vi phạm nêu trên;
– Buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với hành vi đánh đập gây thương tích; sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình.
29. Tuy là con nhưng A không những không báo hiếu được công lao của cha mẹ mà còn thường xuyên bỏ mặc không chăm sóc cha mẹ già yếu khiến bà con hàng xóm rất bức xúc và bất bình. Xin hỏi, pháp luật quy định xử phạt như thế nào đối với người có hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình?
Điều 53 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định việc xử phạt đối với hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau:
a. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;
– Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.
b. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
30. Xin cho biết, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 54 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP thì người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình sẽ bị xử phạt như sau:
a. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
b. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
– Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
– Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
– Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
c. Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi vi phạm nêu trên;
– Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
…
>> Tải file để tham khảo trọn Bộ câu hỏi Tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bộ câu hỏi Tìm hiểu kiến thức về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 86 câu hỏi tình huống Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (Có đáp án) tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.