Ở bộ tộc này có tập tục nuôi tóc thật để làm ra những bộ tóc giả đầy màu sắc. Những chàng trai bộ tộc này sẽ phải nhập trường dạy làm tóc giả và nuôi bộ tóc mình suốt 18 tháng.
Người Huli là một bộ tộc du mục từ Cao nguyên phía Nam của Papua New Guinea. Họ sống ở các vùng Tari, Margaraima và Komi đã hơn 1.000 năm qua.
Những người đàn ông Huli sở hữu một bộ tóc giả tự chế vô cùng ấn tượng mà người dân nơi đây hay gọi là “mũ tóc giả”.

(Nguồn ảnh: Internet)
Những chiếc mũ độc đáo của người Huli được chế tạo bằng chính tóc của họ. Họ trang trí nó bằng những phụ kiện sặc sỡ như lông của loài chim thiên đường hay vẹt, các loại hạt, ngà lợn, đầu lâu chim hồng hoàng, cành lá mà họ thấy đẹp.
Trong nền văn hóa của họ, con trai sống với mẹ cho đến khi chúng được 7 tuổi. Sau đó, họ sống với cha để học một số kỹ năng nhất định, chẳng hạn như săn bắn cung tên, xây tường bùn và xây nhà.
Và khi đạt đến tuổi 14 hay 15, những chàng trai Huli sẽ gia nhập trường dạy làm tóc giả và ở đó cho đến khi tốt nghiệp.

(Nguồn ảnh: Internet)
Tại đây, họ học mọi thứ liên quan đến truyền thống độc đáo này như cách nuôi tóc, thu thập lông chim và ghép tất cả lại với nhau.
Quá trình này là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của người Huli. Thường mất khoảng 18 tháng để bọn trẻ mọc tóc và làm tóc giả bằng chính tóc của mình.
Để được nhận vào trường, học sinh phải là những chàng trai còn trẻ và chưa có tiếp xúc thân mật với nữ giới.
“Ngôi trường” này thường nằm cách xa khu sinh sống và trừ khi là học sinh thì không ai được phép đến đây. Phụ nữ hoàn toàn bị cấm.

(Nguồn ảnh: Internet)
Để tóc mọc dài nhanh và đẹp, những chàng trai sẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc như làm ướt tóc 3 lần một ngày, không ăn một số đồ ăn nhất định và ngủ theo một tư thế riêng…
Sau 18 tháng họ sẽ nhổ và cắt phần tóc đã nuôi được của mình để làm tóc giả và nhờ Napata – chuyên gia tóc giả của bộ tộc trang trí nó.
Một người đàn ông thường có nhiều hơn một bộ tóc giả và họ phải nuôi những bộ tóc này trước khi có thể cưới vợ.

(Nguồn ảnh: Internet)
Những chàng trai Huli sở hữu những bộ tóc được dùng hàng ngày và có bộ tóc chuyên dành cho những dịp lễ hội đặc biệt. Một số người cũng bán bộ tóc giả đi và sử dụng tiền này để lấy vợ.
Vì vậy, họ có nhiều bộ tóc giả, có thể mất 10 năm học để học xong hết số tóc giả này.
Vào ngày tốt nghiệp trường làm tóc giả này, người đàn ông sẽ vẽ lên mặt mình thật sặc sỡ và đi tìm vợ. Chàng trai nào có bộ tóc đẹp và rực rỡ nhất sẽ được nhiều cô gái Huli để ý hơn.

(Nguồn ảnh: Internet)
Hiện nay, số người tham gia lớp học làm tóc giả này đang ngày càng ít đi, thay vào đó, họ theo học những ngôi trường hiện đại – tiếp cận với nền giáo dục bên ngoài.
Dù vẫn chưa có dấu hiệu biến mất, theo một số nhà chức trách, tập tục độc đáo này vẫn đang cần được bảo vệ và duy trì.