Thái Bình không có cái náo nhiệt của một thành phố du lịch. Quê lúa mến thương cảnh ruộng đồng cùng những đường bờ biển nguyên sơ. Hãy về đây thưởng thức đặc sản Thái Bình vẹn nguyên hương vị mộc mạc, chân chất đời đời truyền lại.
Về thăm quê lúa Thái Bình
Trung tâm tỉnh là thành phố Thái Bình cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía đông nam, giáp các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định và phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ.

Địa hình tỉnh Thái Bình khá bằng phẳng, nằm trong vùng cận nhiệt đới ẩm nên hàng năm đón nhận một lượng mưa lớn. Thái Bình có 4 con sông chảy qua (Hóa, Luộc, Hồng, Trà Lý) và có hệ thống sông ngòi dày đặc.

Đường bờ biển dài tới 52km cung cấp nguồn hải sản phong phú. Bên cạnh đó, địa hình và khí hậu thuận hòa tạo điều kiện lý tưởng cho phát triển nông nghiệp. Thái Bình được mệnh danh là vựa lúa của miền Bắc với những cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay. Vì thế, Đặc sản Thái Bình cũng đặc trưng bởi những nguyên liệu đến từ biển cả và các nông phẩm của ruộng đồng.
Những đặc sản Thái Bình níu chân du khách
Bánh cáy
Hạng một trong các món đặc sản Thái Bình phải kể đến bánh cáy ở làng Nguyễn, Nguyên Xá, Đông Hưng. Xưa kia, bánh cáy chính là đặc sản tiến vua của mảnh đất Thái Bình trù phú.
Truyền thuyết kể lại rằng tổ nghề làm bánh cáy là bà Nguyễn Thị Tần sống vào thế kỉ XVIII, từng làm Nhũ mẫu của Thái tử Lê Duy Vĩ. Bà đã nuôi thái tử bằng món ăn này trong thời gian ngài bị phủ chúa biệt giam. Sau khi về quê, bà truyền nghề làm bánh cáy cho nhân dân.

Thức bánh dâng lên bữa ngự thiện của nhà vua đương nhiên phải vô cùng cầu kỳ từ khâu lựa chọn nguyên liệu cho tới chế biến, dù chỉ làm từ những sản vật quê hương như gạo nếp, gấc, quả dành dành, mứt bí, mỡ lợn, vừng rang, gừng, vỏ quýt, đường, nha,…
Trước hết người ta phải làm “con cáy”. Con cáy này không phải loài giáp xác ngoài biển mà người dân Thái Bình thường đem làm mắm, “cáy” trong bánh cáy chỉ loại bỏng gạo được chế biến công phu từ gạo nếp. Nó có màu vàng đỏ giống màu trứng cáy nên mới được đặt tên như vậy.

Gạo nếp một phần trộn gấc, một phần trộn nước dành dành để nhuộm màu đỏ và vàng. Sau đó người ta đem đồ chín, xay nhuyễn, cán mỏng, cắt thành sợi nhỏ. “Sợi nếp” được phơi khô rồi chiên phồng để tạo thành “con cáy”. Một phần gạo rang nổ thành nẻ. Mỡ lợn ướp đường, hong gió hơn chục ngày. Cà rốt xào trong với gừng. Tất cả nguyên liệu được trộn theo một tỉ lệ thích hợp, sau đó dàn mỏng, phủ vừng, cắt miếng.

Bánh cáy thơm nổi mùi gừng, ngọt thanh vị nha, có những “con cáy” màu vàng đỏ có độ xốp, dẻo mềm, thơm cay. Người ta thường thưởng thức bánh cáy cùng chè mạn. Nhâm nhi một miếng bánh, nhấp ngụm chè chát chát, ngọt hậu là đúng phong vị quê hương Thái Bình. Nó là món đặc sản Thái Bình mua về làm quà được ưa chuộng nhất.
Kẹo lạc làng Nguyễn
Vẫn ở làng Nguyễn, Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình, còn có một món kẹo ngon nổi danh nữa là kẹo lạc.
Nguyên liệu rất dân dã, giản dị chỉ có lạc, vừng và đường. Ấy thế mà làm sao để chiếc kẹo ráo tay thơm lừng, lạc thì bùi, mật đường trong veo nhai giòn rôm rốp, vị ngọt vừa tới thì từng vùng phải có bí quyết riêng.

Vừng lạc chọn loại ngon, rang thơm. Đường nấu chảy. Người thợ làm kẹo canh đúng độ đường vừa kéo chỉ liền trộn ngay với lạc vừng. Nếu đường non quá thì chảy nước, mà già quá thì kẹo cứng như đá hoặc thậm chí cháy khét. Người ta đổ kẹo ra khuôn có áo bột nếp rang, dàn mỏng rồi cắt nhỏ khi kẹo đương nóng. Đôi khi thợ kẹo cho thêm tinh dầu chuối để làm ra món kẹo dồi.
Kẹo lạc có thể để dành ăn được rất lâu. Buổi chiều thảnh thơi, pha ấm chè mạn, đĩa nhỏ bày mấy món bánh kẹo đặc sản Thái Bình: thanh kẹo lạc, miếng bánh cáy đỏ au, ấy là mĩ vị riêng của xứ đồng nội chẳng nơi nào có được.
Bánh dày lá ré
Xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình cũng nổi danh với món bánh dày lá ré. Tương truyền nó chính là thứ bánh dày mà Lang Liêu đã dâng lên Hùng Vương thứ 6, tôn vinh hạt gạo như thức quý của đất trời.

Bánh dày Nguyên Xá làm từ gạo nếp ngon. Gạo được vo sạch, đồ chín thành xôi dẻo rồi đem giã nhuyễn khi còn nóng hổi, nặn ngay thành bánh. Bánh mềm dẻo quánh mà không ướt quá, không khô quá, đượm nếp hương đồng nội.
Đặc biệt hơn cả, bánh được gói trong lá ré. Lá ré là một loại lá thuộc họ gừng, trông giống lá nghệ. Lá gói bánh phải là lá bánh tẻ, không già, không úa. Trước khi ăn, người ta hơi bóp nhẹ để dầu ré ngấm vào bánh, tạo ra hương thơm đặc biệt.

Bánh dày lá ré ăn với chả quế nướng. Ai về quê lúa, qua huyện Đông Hưng cũng đều nhớ ghé qua Nguyên Xá mua hộp bánh cáy, gói kẹo lạc và ít bánh dày lá ré về làm quà.
Chùm giò Bến Hiệp
Đến thôn Bến Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình mà thấy ai cũng xách theo một chùm gói lá xinh xinh, thì ấy chính là thứ đặc sản Thái Bình làm quà nức tiếng gần xa – giò Bến Hiệp.
Trước đây, Bến Hiệp là điểm trung chuyển đường thủy, ngoài bến tàu khách theo tuyến Bến Hiệp – Phà Đen (Hà Nội) còn có thuyền đi Hải Phòng, Nam Định… theo sông Luộc. Từ đó sinh ra một lượng đông người có nhu cầu mang những chiếc bánh giò và quả giò nhỏ theo thuyền.
Giò Hiệp làm từ thịt nạc tươi rói. Thịt được xay nhuyễn tới khi bóng, hồng, dẻo quyện. Loại giò nhỏ gói vào lá chuối, 5 chiếc thành một chùm, đem luộc chín. Thời chưa có đồng hồ, người ta đốt hương để căn thời gian luộc sao cho giò vừa chín ngon, nóng hôi hổi là vớt ra phục vụ ngay các hành khách đói bụng vội vàng lên phà.

Giò dai, giòn nhờ sử dụng nguyên liệu tươi ngon và kĩ thuật chế biến khéo léo chứ hoàn toàn không cần phụ gia. Hương vị giò thơm ngọt thịt, vừa ăn, dùng để ăn chơi hoặc ăn cùng cơm nóng, xôi nóng, bánh mì hoặc chế biến các món ăn khác đều hợp lý cả.
Cảnh tấp nập bến sông nay đã nhường chỗ cho cây cầu Hiệp nối liền Thái Bình – Hải Dương, nhưng những đặc sản quả nem, chùm giò, bánh giò bến Hiệp ngày ấy vẫn theo chân thực khách lan tỏa ra khắp các vùng miền.
Canh cá Quỳnh Côi
Món đặc sản Thái Bình được truyền tai nhau nhiều nhất mấy năm đổ lại đây hẳn là canh cá Quỳnh Côi ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ.
Việt Nam là đất nước có ruộng đồng, sông ngòi chằng chịt. Miền nào cũng có món canh cá đặc sắc của riêng mình. Thái Bình cũng vậy.

Nước dùng ninh từ xương cá, xương lợn trong nhiều giờ. Thịt cá phi lê ướp gia vị hành ớt, nước nghệ vàng đánh tanh, đem nướng than, chiên giòn hoặc rim, hoặc băm thành chả với xương cá tùy tay người chế biến.
Món này ăn kèm rau nhút, rau cúc, rau cần… theo mùa. Rau thơm thường có hành lá, thì là. Khách ăn thêm ớt, chanh, măng chua và các loại rau sống tùy sở thích.

Một trong những điểm nhấn đặc biệt của món ăn là sợi bánh đa. Bánh đa đặc trưng của Thái Bình làm từ gạo ngon thu hoạch từ những cánh đồng lúa trổ nặng bông ngay trên địa bàn tỉnh, sau khi phơi khô sợi bánh chuyển trong suốt, trước khi ăn đem chần nóng. Canh cá Quỳnh Côi nước dùng trong, điểm màu nghệ vàng ngon mắt, vị thanh ngon mà không tanh, miếng cá ngấm gia vị, dai ngọt, nước dùng đậm đà, bánh đa chín tới dai mà không nát.
Ngoài canh cá Quỳnh Côi, bạn còn có thể thưởng thức canh cá rô đồng, canh cá nấu chuối đậu đều là những món đặc sản thành phố Thái Bình nổi tiếng.
Nộm sứa Thái Thụy
Nghe nói Thái Bình giáp biển, muốn thưởng thức đặc sản biển Thái Bình ngon thì bạn hãy ghé huyện Thái Thụy ăn nộm sứa.
Nguyên liệu chính là sứa tươi. Sứa được sơ chế sạch, chần chín tới, xắt miếng vừa ăn. Các loại rau củ đi kèm như hành tây, cà rốt, rau thơm thái sợi. Nước trộn nộm khá đặc biệt, chua ngọt từ chanh đường, lấy vị mặn từ muối và điểm xuyết hương dầu vừng.

Nhiều nơi ăn nộm sứa kèm lá đinh lăng, thì ở đây ngoài vừng lạc giã dập, người ta còn rắc thêm dừa nạo. Màu sắc món ăn hài hòa, sứa giòn sần sật không khô, nộm không ra nước, hương vị hòa quyện đến lạ. Nộm sứa Thái Thụy luôn đi kèm với rau kinh giới và bát mắm tôm chanh ớt.
Gỏi cá nhệch Thái Thụy
Suốt một dọc Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa,… những vùng có nhệch tươi đều có cách chế biến món đặc sản này với hương vị riêng. Ở Diêm Điền, Thái Thụy, cá nhệch thường được chế biến thành món gỏi đặc sản Thái Bình ngon có tiếng.

Cá nhệch hình giống con lươn, trơn tuột. Chúng có thể dài tới cả mét, quẫy nước rất hung, không dễ đánh bắt. Khi làm gỏi, người ta chọn con nhỏ vì thịt mềm ngọt. Thịt cá tươi ướp với giềng, thính, chanh, tiêu cho “chín”, sau đó ép kiệt nước.

Gỏi cá nhệch Thái Thụy khi dọn lên bàn sẽ ăn kèm với rau cúc, đinh lăng, mùi tàu, húng quế, lá sắn, lá sung, hoa chuối, khế, ớt… chấm nước mắm cốt Diêm Điền. Đủ vị chua, cay, đắng, chát, thơm bùi hòa quyện mà vẫn nổi bật vị ngọt ngon, dẻo dai của thịt cá. Ai từng biết hương vị gỏi cá nhệch, chỉ nghĩ tới thôi cũng chu choa là thèm.
Du lịch Thái Bình đừng quên dừng chân thưởng thức những món ăn đượm phong vị đồng quê, mua chút đặc sản Thái Bình làm quà để mang theo về cả sự nồng hậu của một miền quê hiền hòa, mến khách bạn nhé.
Rơm
Đăng bởi: Bối Bảo