Bạn đang xem bài viết GDCD 8 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân Giáo dục công dân lớp 8 Kết nối tri thức trang 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Giải bài tập GDCD 8 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân giúp các em học sinh lớp 8 tham khảo, nhanh chóng trả lời các câu hỏi trong SGK Giáo dục công dân 8 Kết nối tri thức với cuộc sống trang 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69.
Soạn Giáo dục công dân 8 Bài 10 được biên soạn bám sát theo chương trình SGK giúp các em nắm vững kiến thức. Đồng thời, cũng giúp thầy cô tham khảo để soạn giáo án Bài 10 cho học sinh của mình. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi trong bài viết dưới đây của Thcslytutrongst.edu.vn:
Khám phá GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 10
1. Vai trò của lao động đối với đời sống con người
a) Em hãy cho biết, trong thông tin trên, Giêm Oát đã lao động như thế nào? Việc lao động đó đã mang lại những ý nghĩa gì?
b) Hãy phân tích tầm quan trọng của lao động đối với đời sống con người.
Trả lời:
a) Hoạt động lao động của Giêm Oát:
- Năm 1769, Giêm Oát đã sáng chế ra máy hơi nước.
- Đến năm 1784, ông đã hoàn thiện trở thành động cơ nhiệt vạn năng chạy bằng than và nước.
– Ý nghĩa:
- Giải phóng sức lao động cơ bắp của con người, tạo điều kiện cho sự chuyển biến từ việc lao động bằng tay sang sử dụng máy móc.
- Đưa con người từ nền văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp.
- Thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, như: nông nghiệp, giao thông vận tải,…
b) Tầm quan trọng của lao động:
- Lao động là hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của con người
- Lao động là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội.
2. Một số quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động công dân
a) Theo em, trong trường hợp 2 và 3, các nhân vật đã thực hiện quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân như thế nào?
b) Em hãy nêu một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân trong đời sống hằng ngày.
Trả lời:
a) Trường hợp 2:
- Bạn C đã thực hiện quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, việc làm (thể hiện ở chi tiết: Gia đình bạn C có truyền thống kinh doanh nhưng C quyết định sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ đăng kí học nghề trang điểm).
- Bố mẹ bạn C đã tôn trọng quyết định về việc lựa chọn nghề nghiệp của C.
Trường hợp 3: Anh T đã thực hiện quyền tự do lựa chọn nơi làm việc.
b) Một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân:
- Sau khi tốt nghiệp đại học, anh B đăng kí ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh tại công ty X.
- Chị Y tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
- Gia đình bạn M có nghề truyền thống là sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ; nhưng bạn M không thích công việc này, bạn mong muốn sau này trở thành kiến trúc sư xây dựng.
- Anh V đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty K vì bị kì thị, phân biệt đối xử và cưỡng ép lao động tại nơi làm việc.
3. Một số quy định của pháp luật về lao động chưa thành niên
a) Em hãy cho biết các nhân vật trong những bức tranh trên đã thực hiện về lao động chưa thành niên như thế nào.
b) Hãy kể thêm những quy định của pháp luật về lao động vị thành niên.
Trả lời:
a) Các nhân vật trong những bức tranh đã thực hiện về lao động chưa thành niên như sau:
– Bức tranh số 1: chủ công trường xây dựng đã vi phạm khoản 1 và 2 điều 147 của Bộ luật lao động năm 2019 vì ông ta đã:
- Sử dụng lao động thành niên trong các công việc nặng nhọc
- Để lao động chưa thành niên làm việc tại công trường xây dựng.
– Bức tranh số 2: người đàn ông trong hình 2 đã vi phạm khoản 2 điều 147 của Bộ luật lao động năm 2019 vì ông ta đã: sử dụng lao động chưa thành niên trong công việc phá dỡ công trường xây dựng.
– Bức tranh số 3: người phụ nữ (mẹ của bạn học sinh) và chủ công ty đã thực hiện đúng khoản 1 điều 145 của Bộ luật lao động năm 2019 vì đã: giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
– Bức tranh số 4: người phụ nữ đã thực hiện đúng khoản 1 điều 147 của Bộ luật lao động năm 2019, vì cô ấy đã: từ chối sử dụng lao động chưa thành niên trong các công việc liên quan đến hóa chất độc hại.
b) Một số quy định khác của pháp luật về lao động chưa thành niên:
– Điều 8 Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định: danh mục những công việc mà người đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi được làm, gồm:
- Biểu diễn nghệ thuật.
- Vận động viên thể thao.
- Lập trình phần mềm.
- Các nghề truyền thống, như: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá…
- Các nghề thủ công mỹ nghệ, như: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian; nặn tò he; làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lụa…
- Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón.
- Gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói).
- Nuôi tằm.
- Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa.
- Chăn thả gia súc tại nông trại.
- Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản.
- Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.
4. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên khi tham gia hợp đồng lao động
Câu hỏi mục a)
a) Theo em, các nhân vật trong trường hợp 2 và 3 đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của người lao động như thế nào?
b) Em hãy nêu một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong cuộc sống.
Trả lời:
a) Trường hợp 2: khi nhận thấy điều kiện làm việc của công ty có thể gây nguy hại đến sức khỏe, chị X và một số người lao động đã làm đơn khiếu nại. Chị X dự định, nếu công ty không cải thiện điều kiện làm việc, thì chị sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. => Như vậy, chị X đã thực hiện các quyền lợi của người lao động, đúng với điểm d) và điểm e) thuộc khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
Trường hợp 3. Anh H đã nghiêm túc chấp hành kỉ luật, nội quy của cơ quan và hoàn thành tốt công việc được giao. => Như vậy, anh H đã thực hiện đúng những nghĩa vụ của người lao động, được quy định tại điểm a) và b) thuộc khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
b) Một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động:
– Ví dụ về thực hiện quyền của người lao động:
+ Sau khi tốt nghiệp đại học, anh T đã gửi hồ sơ ứng tuyển vào vị trí kĩ sư công nghệ thông tin tại công ty X
+ Khi làm việc tại công ty K, chị A đã chủ động ra nhập tổ chức Công đoàn.
+ Trong quá trình làm việc tại công ty D, chị V đã nhiều lần bị người quản lí sàm sỡ, quấy rối tình dục. Do đó, chị đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và tìm kiếm cho mình một môi trường làm việc khác an toàn, lành mạnh hơn.
+ Do bất bình với chính sách tiền lương và những khoản cúp phạt vô lí của công ty G, 15 công nhân trong tổ sản xuất của anh B đã thực hiện đình công và đưa ra yêu cầu: cần được đối thoại, trao đổi trực tiếp với giám đốc công ty.
– Ví dụ về thực hiện nghĩa vụ của người lao động:
+ Chị B tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
+ Anh M thực hiện tốt các điều khoản đã kí kết trong hợp đồng lao động với công ty X.
Câu hỏi mục b):
a) Các nhân vật trong trường hợp 2 và 3 đã thực hiện quyền và nghĩa vụ như thế nào?
b) Em hãy nêu một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong cuộc sống.
Trả lời:
a) Trường hợp 2. Ông M đã:
+ Không thực hiện kí hợp đồng lao động với chị X (dù chị X đã làm việc tại công ty của ông gần 2 năm).
+ Thường xuyên có lời lẽ không hay, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của chị X.
=> Như vậy, ông M vi phạm điểm a) khoản 2 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp 3. Bà K đã thực hiện tốt quyền lợi của người sử dụng lao động, được quy định tại điểm a) khoản 1 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019.
b) Một số ví dụ thực hiện tốt quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
– Ví dụ về thực hiện quyền lợi của người sử dụng lao động:
+ Chú T (chủ doanh nghiệp X) đã tham gia thành lập tổ chức đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.
+ Giám đốc X kí quyết định khen thưởng chị H vì có nhiều thành tích trong lao động.
+ Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà M đã kí quyết định tạm dừng sản xuất, đóng cửa nơi làm việc.
+ Anh Đ quyết định tuyển dụng và bổ nhiệm chị Y vào vị trí trưởng phòng sáng tạo nội dung của công ty.
– Ví dụ về thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động:
+ Ông B (chủ doanh nghiệp) đã thực hiện đúng các điều khoản đã kí kết với công nhân. Đồng thời, ông luôn có thái độ tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.
+ Doanh nghiệp X thực hiện đúng nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân.
Câu hỏi mục c):
a) Theo em, vì sao người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động?
b) Dựa vào các thông tin trên, em hãy lập một hợp đồng lao động đơn giản giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Trả lời:
a) Người lao động và người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
b) Lập một hợp đồng lao động đơn giản
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
………., ngày………tháng…….năm…….
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Chúng tôi, một bên là Ông (bà): Chức vụ:
Quốc tịch: CMND số:
Đại diện cho: Địa chỉ:
Điện thoại: Fax:
Và một bên là Ông (bà):
Sinh ngày: Nơi cư trú:
Nghề nghiệp: Hộ chiếu số:
Cùng thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động và cam kết làm đúng theo những điều khoản sau đây:
Điều 1: Ông (bà)……………….. được tuyển dụng vào vị trí ………… tại công ty …….., theo loại hợp đồng lao động với thời hạn xác định từ ngày……………….. đến ngày……………….
Điều 2: Giờ làm việc, điều kiện làm việc
– Giờ làm việc là 8 giờ/ ngày; từ thứ 2 đến hết ngày thứ 6 hàng tuần.
– Thiết bị và công cụ làm việc sẽ được cấp phát theo nhu cầu công việc.
– Điều kiện an toàn và vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3: Nghĩa vụ, quyền hạn và các quyền lợi của người lao động.
3.1. Nghĩa vụ:
– Trong công việc, chịu sự điều hành trực tiếp của ông (bà) ………………..
– Hoàn thành những công việc đã cam kết trong hợp đồng lao động: Chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động và nội quy của đơn vị.
3.2. Quyền: Người lao động có quyền đề xuất, khiếu nại với một cơ quan thứ ba để thay đổi, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Pháp luật hiện hành.
3.3. Tiền lương và quyền lợi:
– Mức lương cơ bản của người lao động là:……………….. / tháng và được trả 01 lần vào ngày mùng 5 của mỗi tháng.
– Công ty cung cấp các thiết bị an toàn lao động theo yêu cầu của công việc.
– Số ngày nghỉ hàng năm được hưởng lương (nghỉ phép, lễ, việc riêng) không được quá 20 ngày.
– Được hưởng các phúc lợi gồm: …………………………………………..
– Người lao động được hưởng các chế độ ngừng việc, trợ cấp thôi việc hoặc bồi thường theo quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 4: Người sử dụng lao động có nghĩa vụ và quyền hạn sau:
4.1. Nghĩa vụ:
Thực hiện đầy đủ những điều kiện cần thiết đã cam kết trong hợp đồng lao động để người lao động đạt hiệu quả. Bảo đảm việc làm cho người lao động theo hợp đồng đã ký. Thanh toán đầy đủ và dứt điểm các chế độ và quyền lợi của người lao động.
4.2. Quyền hạn:
Có quyền chuyển tạm thời người lao động, ngừng việc, thay đổi, tạm thời chấm dứt hợp đồng lao động và áp dụng các biện pháp kỷ luật theo quy định của Pháp luật hiện hành.
Điều 5: Điều khoản chung:
Bản hợp đồng này có hiệu lực từ ngày……………………..
Điều 6: Các thỏa thuận khác
Hợp đồng này làm thành 02 bản. Một bản do người sử dụng lao động giữ. Một bản do người lao động giữ.
NGƯỜI LAO ĐỘNG (Kí, ghi rõ họ tên) |
NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG (Kí, ghi rõ họ tên) |
Luyện tập GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 10
Luyện tập 1
Em đồng tình hay không đồng tình với những ý kiến nào sau đây? Vì sao?
a) Lao động là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loại.
b) Lao động chỉ tạo ra những giá trị vật chất cho đời sống con người.
c) Hoạt động lao động chỉ có ý nghĩa khi tạo ra những đóng góp to lớn cho xã hội.
d) Lao động giúp con người phát triển các mối quan hệ tích cực, tránh những thói hư tật xấu.
Trả lời:
– Ý kiến a) Đồng tình. Vì: lao động là hoạt động chủ yếu, quan trọng nhất của con người; là nhân tố quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội.
– Ý kiến b) Không đồng tình. Vì: lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.
– Ý kiến c) Không đồng tình. Vì: bất cứ hoạt động lao động chân chính nào (dù tạo ra giá trị lớn hay nhỏ) đều là sự đóng góp cho xã hội.
– Ý kiến d) Đồng tình. Lao động giúp con người phát triển các mối quan hệ tích cực, tránh những thói hư tật xấu.
Luyện tập 2
Em có nhận xét gì về việc làm của các nhân vật dưới đây?
a) Bà K trả công cho các lao động chưa thành niên rất thấp so với các lao động như nhau khác dù họ phải làm những việc như nhau.
b) Bạn Q trốn lao động công ích ở trường để đi đá bóng.
c) Chị O đưa các lao động chưa thành niên ở cơ sở mình đi khám sức khỏe định kì và tạo điều kiện để họ học tập, vui chơi, giải trí, rèn luyện bản thân.
d) H dành thời gian rảnh rỗi để làm đồ thủ công bán kiếm tiền mua đồ dùng học tập.
Trả lời:
– Trường hợp a) Nhận xét: bà K đã có hành vi phân biệt đối xử giữa các lao động. Hành vi này của bà đã vi phạm quy định tại khoản 1 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp b) Nhận xét: hành vi của bạn Q là không đúng, thể hiện thái độ lười biếng lao động.
– Trường hợp c) Nhận xét: chị O đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên (được quy định tại khoản 2 điều 144 Bộ luật Lao động năm 2019).
– Trường hợp d) Nhận xét: bạn H đã rất chăm chỉ lao động.
Luyện tập 3
Hãy chỉ ra những vi phạm của người lao động, người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 trong những trường hợp dưới đây:
a) Thuê trẻ em 14 tuổi làm việc 8 giờ/ngày.
b) Tự ý nghỉ việc không báo trước.
c) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của nhân viên không lí do.
d) Thuê trẻ em 13 tuổi làm việc trong cơ sở sang chiết khí ga.
e) Không chấp hành kỉ luật lao động.
g) Không sử dụng trang bị bảo hộ lao động.
Trả lời:
– Trường hợp a) Vi phạm khoản 1 điều 146 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp b) Vi phạm điểm a) khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp c) Vi phạm điểm a) khoản 2 điều 6 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp d) Vi phạm quy định về sử dụng lao động chưa thành niên trong Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp e) Vi phạm điểm b) khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
– Trường hợp g) Vi phạm điểm b) khoản 2 điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019.
Luyện tập 4
Xử lí tình huống:
a) Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh K (15 tuổi) muốn đi tìm việc làm thêm trong dịp hè để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Anh không biết mình có thể làm được việc gì và kiếm được việc làm từ đâu cho phù hợp.
Nếu là bạn của anh K, em sẽ khuyên anh như thế nào?
b) Chủ nhật, bạn N sang nhà bạn H trả sách thì thấy H đang giận dỗi mẹ. Sau khi hỏi thăm, N mới biết H có thái độ như vậy là vì mẹ yêu cầu phải lau nhà xong mới được đi chơi. Bạn H rất ấm ức và cho rằng mình còn nhỏ nên không phải làm việc nhà.
Nếu là bạn N, em sẽ nói gì với bạn H?
c) Chị P (18 tuổi) xin vào làm thêm tại xưởng bánh kẹo của ông D với công việc chính là phân loại, đóng gói các loại bánh kẹo. Ông D trao đổi: chị sẽ đến xưởng làm việc 2,5 giờ/ngày, mỗi giờ ông sẽ trả cho chị 30 000 đồng, thời gian làm việc là 6 tháng và có thể gia hạn thêm nếu chị làm việc tốt. Chị P thấy thoả thuận bằng miệng không đảm bảo nên muốn lập một bản hợp đồng lao động để giao kết rõ ràng với ông D.
Nếu là bạn của chị P, em sẽ khuyên chị nên lập hợp đồng lao động với nội dung như thế nào?
Trả lời:
– Xử lí tình huống a)
Nếu là bạn của anh K, em sẽ khuyên anh K:
+ Tìm hiểu về danh mục một số công việc mà người lao động chưa thành niên được phép tham gia (quy định tại Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).
+ Đến trung tâm giới thiệu việc làm để nhờ sự trợ giúp, tư vấn.
– Xử lí tình huống b)
Nếu là N, em sẽ:
+ Giải thích để bạn H hiểu: lao động là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi công dân trong đó có học sinh.
+ Khuyên H nên giúp đỡ mẹ những việc làm phù hợp với lứa tuổi, như: dọn dẹp nhà cửa, nấu những món ăn đơn giản, rửa bát, chăm sóc em,…
– Xử lí tình huống c)
Nếu là bạn của chị P, em sẽ khuyên chị nên lập hợp đồng lao động với nội dung quy định rõ:
+ Địa điểm và thời gian làm việc.
+ Mức lương và các quyền lợi khác chị P được hưởng.
+ Những nội quy lao động, kỉ luật lao động của công ty (nếu có).
+ Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động.
Luyện tập 5
Em đã chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ lao động của bản thân như thế nào? Hãy làm rõ theo bảng sau:
Những việc làm tốt |
Những việc làm chưa tốt |
Phương hướng khắc phục những việc làm chưa tốt |
Vận dụng GDCD 8 Kết nối tri thức Bài 10
Vận dụng 1
Em hãy cùng các bạn lập kế hoạch và thực hiện một hoạt động lao động phù hợp với lứa tuổi (vệ sinh môi trường, trồng cây, giúp đỡ người neo đơn, gia đình bạn có hoàn cảnh khó khăn,…) và báo cáo kết quả với cả lớp.
Vận dụng 2
Hãy viết (khoảng nửa trang giấy) về một tấm gương thành công trong công việc và bài học rút ra từ tấm gương đó.
>> Tham khảo:Viết về một tấm gương thành công trong công việc
Cảm ơn bạn đã xem bài viết GDCD 8 Bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân Giáo dục công dân lớp 8 Kết nối tri thức trang 59, 60, 61, 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.