Bạn đang xem bài viết “Lạm phát có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9%”, chuyên gia giải mã “nút thắt” tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh bên ngoài gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì phải thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, thị trường nội địa đang bị cản trở bởi lãi suất quá cao. Do đó, cần phải xử lý nhanh chuyện giảm lãi suất để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi trở lại, nhất là những doanh nghiệp trong những ngành có liên quan nhiều đến cầu tiêu dùng nội địa như doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Tại buổi thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15%, nhưng lãi suất huy động đến 9% thì quá vô lý. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Vào năm 2022, NHNN đã bắt đầu chỉ đạo tăng lãi suất 2 lần, mỗi lần tăng lên 1%, tổng cả hai đợt là 2%. Điều này thể hiện rằng, NHNN đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và đặc biệt nhằm ổn định tỷ giá hối đoái.
Vào thời điểm đó, đồng Việt Nam mất giá so với USD khoảng 9%. Sau điều chỉnh lãi suất cộng với sự can thiệp bằng dịch vụ ngoại tệ, đồng Việt Nam chỉ còn mất giá so với USD khoảng 3%. Do đó, việc tăng lãi suất của NHNN vừa là để ổn định tỷ giá hối đoái vừa là để chống lạm phát.
Lúc đó, NHNN dự báo rằng, lạm phát của thế giới còn có thể tăng lên nữa, giá nhiên liệu sẽ tăng và có thể ở mức rất cao. Đặc biệt, NHNN dự báo USD sẽ ở mức rất cao vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn còn tiếp tục tăng lãi suất.
Nhưng trên thực tế, sau đó USD liên tục giảm giá. Khi NHNN tăng lãi suất, sự mất giá của đồng Việt Nam so với USD đã giảm từ 9% xuống còn 3%. Nhưng vào thời điểm đó, USD cũng giảm giá khoảng 9-10%. Vì vậy, hiệu ứng tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống đã đạt được nhưng có thể nói rằng chúng ta không gặp may vì USD cũng giảm giá sau đó.
Hiện nay, lạm phát của thế giới đang có dấu hiệu dịu xuống, đặc biệt là Mỹ. Cùng với đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTW trên thế giới đã bắt đầu giảm nhiệt rất mạnh. Thậm chí, có thể trong kỳ họp tới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ chưa chắc đưa ra một mức tăng lãi suất mới, có thể sẽ không tăng nữa. Đây là dấu hiệu để NHNN yên tâm rằng lạm phát từ bên ngoài bắt đầu dịu đi.
Đến nay, NHNN đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành. Ông đánh giá tác động của 3 lần giảm lãi suất điều hành này đến nền kinh tế như thế nào?
Thực tế, mọi chính sách đều có độ trễ nhất định. Đến nay, tôi chưa thấy có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế sau 3 lần giảm lãi suất của NHNN. Theo tôi, lãi suất điều hành cần được giảm thêm nữa để tạo ra những tác động mạnh mẽ hơn.
Tôi nghĩ NHNN cần đưa ra một mô hình tính toán để đưa ra được dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Từ đó, điều hành lãi suất ở mức phù hợp. Tức là, NHNN dựa vào dự báo tăng trưởng kinh tế cộng với dự báo lạm phát để ra dự báo về tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành. Sau đó, NHNN sẽ điều chỉnh cung tiền về mức tương ứng với tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành.
Những năm trước (2020-2021) thì tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành là 6%, tăng cùng tiền là 10-11%. Trong khi năm 2022, tăng trưởng kinh tế lên tới 8% cộng với lạm phát khoảng 3% thì tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành là khoảng 11%, mà cung tiền chỉ tăng có 5,5%. Vòng quay tiền còn 0,64 vòng/năm khiến cho tổng cung tiền càng thấp so với tăng trưởng GDP theo giá hiện hành.
Theo tính toán của tôi, 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành khoảng 6% mà cung tiền mới chỉ được khoảng 3% thôi. Rõ ràng là năm nay cung tiền đang bị thiếu hụt và bây giờ vẫn đang tiếp tục thiếu, thế thì thanh khoản trong nền kinh tế bị suy kiệt là chuyện đương nhiên rồi. Khi thanh khoản của nền kinh tế bị suy kiệt thì trong ngắn hạn nền kinh tế đi xuống. Thế thôi!
Do đó, khi chưa giải quyết được vấn đề cung tiền thì nghịch lý giữa lạm phát và lãi suất của Việt Nam vẫn tồn tại.
Theo ông, nên làm gì để giải quyết vấn đề về lãi suất cao của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023?
Không có gì phức tạp. NHTW có thể lập mô hình tính toán dự báo tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá, lạm phát thế giới… Có dự báo rồi thì có thể quyết định tăng cung tiền lên bao nhiêu và từ đó mức lãi suất sẽ thay đổi.
Làm được điều này, thanh khoản kinh tế bớt căng thẳng thì lãi suất sẽ tự giảm xuống. Suy cho cùng, lãi suất giảm hay tăng là do cung tiền (Tiền của NHNN-Base Money) quyết định.
Thời gian vừa qua, NHTW đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết vấn đề về lạm phát và lãi suất. Cụ thể, như câu chuyện chống lạm phát, NHTW giữ tỷ giá hối đoái, nếu không có Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu xăng dầu nhiều thì cũng khó có thể chống đỡ được. Thực tế, thuế xăng dầu chiếm tới 60% tổng lạm phát của Việt Nam.
Theo tôi, vào thời điểm hiện tại, ngân hàng nhà nước nên có lòng tin vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Cùng với đó, cần phải xử lý nhanh chuyện giảm lãi suất để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi trở lại, nhất là những doanh nghiệp trong những ngành có liên quan nhiều đến cầu tiêu dùng nội địa như doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp xây dựng, bất động sản.
Đấy là điều có thể làm được và theo tôi thì có thể làm nhanh từ đây đến cuối năm, giảm khoảng 2% lãi suất. Cụ thể, có thể kéo mức lãi suất tiền gửi thì bình quân kỳ hạn một năm về khoảng 6 %, lãi suất cho vay khoảng 7-8 %. Cùng với đó, năm sau chúng ta có thể tiếp tục nới lỏng hơn.
Theo ông, nên ưu tiên lãi suất cho những nhóm ngành nào trong bối cảnh hiện nay?
Các doanh nghiệp của Việt Nam hiện đang gặp khó khăn rất lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều không có đơn hàng và tình trạng này không thể khắc phục nhanh được.
Bởi vì, chỉ số sản xuất của Việt Nam cũng như toàn cầu đều đang có xu hướng giảm mạnh. Chỉ số này của cả Châu Âu và Mỹ thì đều giảm và chưa bao giờ bị giảm sâu như hiện nay, chỉ ở mức khoảng 47-48 mà mức tối thiểu phải là 50, Việt Nam cũng tương tự. Điều này phản ánh kinh tế toàn cầu đang rơi vào trì trệ.
Ở nước ngoài, tình trạng trì trệ xảy ra nhưng nó không có thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ và Châu Âu rất thấp, ở mức khoảng 3,5 – 4%. Điều đó có nghĩa sản xuất tại các quốc gia đó vẫn diễn ra bình thường, chỉ có tiêu dùng giảm mạnh. Còn với Việt Nam, khi chỉ số sản xuất giảm xuống đồng nghĩa với việc sản xuất giảm rất mạnh.
Tức là doanh nghiệp không có đơn hàng, còn lãi suất thì ở mức rất cao. Có thể nói rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vừa đói mà lại còn vừa khát nữa. Thực tế, ngay cả khi có đơn hàng, với mức lãi suất này thì doanh nghiệp cũng khó có thể trụ được.
Khi lãi suất ở mức 9%, lạm phát ở mức 3% thì lãi suất thực ở khoảng 6%, thuộc loại cao nhất thế giới rồi. Lẽ ra nên đưa mức lãi suất thực dương về khoảng 1-2% là ổn. Làm được như vậy, các doanh nghiệp có cơ hội để phục hồi.
Và đặc biệt, là có những ngành kinh tế của Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn do mức lãi suất hiện nay còn rất cao, điển hình như ngành bất động sản, ngành dịch vụ và ngành bán lẻ. Trong bối cảnh bên ngoài gặp nhiều khó khăn thì phải đẩy tiêu dùng nội địa lên. Trong khi đó, thị trường nội địa hiện tại đang bị cản trở bởi lãi suất quá cao.
Chúng ta thấy rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng bị trì trệ, họ cũng không có đơn hàng nhưng mà gần đây thì dấu hiệu phục hồi họ đã rõ ràng hơn rồi. Doanh nghiệp FDI đã bắt đầu nhận được các đơn hàng từ Mỹ và châu Âu. Và họ phục hồi rất nhanh vì lãi suất của họ rất thấp. Còn với các doanh nghiệp Việt Nam, họ cần cả đơn hàng và lãi suất ở mức phù hợp để phục hồi trở lại.
Lãi suất biến động như thế nào trong nửa cuối năm 2023, thưa ông?
Theo tôi, NHNN sẽ giảm dần lãi suất thôi. Chỉ có điều là cũng phải vừa giảm, vừa thăm dò. Cụ thể, NHNN cần quan tâm tới giá liệu giá nhiên liệu trong mùa đông tới đây sẽ như thế nào? Rồi hàng loạt những chỉ tiêu khác, ví dụ như là đầu tư công có có gì tiến triển tốt không? Chính sách giảm thuế của Bộ Tài chính sẽ ra sao?
Đặc biệt, diễn biến của tỷ giá hối đoái, diễn biến của chỉ số USD trên thị trường cần được quan tâm. Xu thế đa cực của Thế giới đang hình thành và USD sẽ giảm dần giá trị so với các đồng tiền khác, đây là điều mà NHNN cần cân nhắc về một chế độ tỷ giá mới.
Tôi thấy cơ hội để giảm lãi suất tiếp tục là có thể xảy ra và nên đặt ra kỳ vọng lãi suất tiền gửi và cho vay chỉ nên cao hơn lạm phát từ 1-2% thôi. Lãi suất giảm nữa thì sản xuất và thị trường nội địa, thị trường tài chính mới có cơ hội phục hồi được, đặc biệt là thị trường chứng khoán!
Bởi vì, một loạt doanh nghiệp không phụ thuộc quá nhiều vào đơn hàng xuất khẩu thì nó vẫn có thể phục hồi được . Và ngay cả khi doanh nghiệp bị kẹt trong bối cảnh không có đơn hàng hoặc là đơn hàng ít thì lãi suất đối với họ cũng vô cùng quan trọng. Hạ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp bớt căng thẳng đi rất nhiều. Tức là phải có cái nhìn trực diện vào khó khăn hiện tại của doanh nghiệp để xử lý.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết “Lạm phát có 3,15% mà lãi suất huy động đến 9%”, chuyên gia giải mã “nút thắt” tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/lam-phat-co-315-ma-lai-suat-huy-dong-den-9-chuyen-gia-giai-ma-nut-that-176230609133744646.chn