Bạn đang xem bài viết Làm văn hay: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Mở bài
Dân tộc Việt Nam ta vốn nổi tiếng là một dân tộc đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết dân tộc chính là nhân tố chính giúp dân và quân ta chiến thắng giặc ngoại xâm. Dù trước đây, Việt Nam ta vốn là một quốc gia phong kiến nghèo và lạc hậu, nhưng chính nhờ lòng đoàn kết dân tộc mà ta có thể đánh thắng hai cường quốc thế giới lúc bấy giờ. Tinh thần đoàn kết của mỗi người dân đã thấm nhuần vào tư tưởng của mỗi người. Nó đã được ông cha ta đúc kết qua câu cao dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” để nhắn nhủ, răn dạy con cái mai sau.
Thân bài
Vậy, câu ca dao này có ý nghĩa như thế nào? Và có giá trị ra sao? Đầu ca dao, ta đã thấy xuất hiện một hình tượng đẹp – “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”. Một tấm vảu màu đỏ mượt, mịn và mỏng manh được phủ trên trước giá gương. Nhiễu điều đã bao bọc cho giá gương, giúp giá gương tránh khỏi những bụi bặm của năm tháng. Nhờ đó, chiếc gương bên trong mới có thể sáng hoài và sọi rọi rõ ràng. Đây là hình ảnh ẩn dụ để thể hiện tinh thần đùm bọc, che chở của dân ta. Người giàu giúp đỡ người nghèo, người nghèo hỗ trợ người khó khăn hơn mình. Có nhiều giúp nhiều, có ít giúp ít, cùng đoàn kết và yêu thương giúp đỡ nhau.
Đồng thời, câu tiếp trong câu ca dao đã nêu rõ nguyện vọng của ông cha ta xưa kia. “Người trong một nước phải thương nhau cùng” ý nói, tất cả mọi người sống trên lãnh thổ Việt Nam, là con dân Việt Nam thì đều có mối liên hệ là “người trong một nước”. Do đó, mỗi người đều cần có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Tinh thần đoàn kết dân tộc đã xuất hiện từ xưa qua truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Chúng ta đều là con cháu Lạc Long Quân – Âu Cơ. Tổ tiên ta đều sinh ra từ bọc trăm trứng, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Do đó, ai ai cũng là anh em. Mà đã là anh em, thì phải yêu thương và che chở nhau.
Trong cuộc sống này, ai ai cũng sẽ có lúc may mắn thuận lợi, lúc trắc trở gian nan. Ai sống trên đời cũng phải đối mặt với khó khăn, thử thách và thất bại. Có những người thất bại rồi thì vẫn có thể đứng lên và tiếp tục. Nhưng cũng sẽ có những người, chìm hoài trong thất bại mà không còn muốn đứng lên nữa. Vì, cái động lực, cái vất vả khi đứng dậy từ thất bại nó còn khó khăn hơn nhiều lần. Đây chính là lúc họ cần có sự yêu thương, giúp đỡ của những người xung quanh mình. Tình thương, sự giúp đỡ là sức mạnh, động lực và niềm tin thúc đẩy mỗi người đứng dậy.
Thế nhưng, làm cách nào để nhận được tình thương và sự giúp đỡ mỗi khi ta thất bại? Đó chính là sự cho đi, sự giúp đỡ của ta với mọi người xung quanh. Chỉ khi ta biết cho đi, biết hi sinh vì người khác, thì mới có thể có người sẵn sàng dang tay đón lấy ta khi ta vấp ngã. Sự sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau này sẽ giúp cho cuộc sống của ta trở nên ấm áp hơn rất nhiều. Đoàn kết sẽ là động lực thúc đẩy xã hội phát triển hơn. Mỗi cá nhân đều là một phần của xã hội, do đó, mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến xã hội. Chính sự giúp đỡ, che chở, đoàn kết cùng phát triển sẽ giúp xã hội này ngày một tốt hơn.
Vậy, đoàn kết, chở che và yêu thương nhau chính là mấu chốt cho sự phát triển của bản thân và xã hội. Thế nhưng, làm cách nào để toàn bộ dân tộc Việt Nam có thể cùng yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ nhau? Đây chính là vấn đề mà tất cả chúng ta phải cùng giải quyết. Đầu tiên, mỗi cá nhân đều phải biết tự rèn luyện nhân cách. Chúng ta phải không ngừng học tập và rèn luyện đạo đức. Mỗi người phải hiểu được giá trị của sự cho đi. Sự rèn luyện này không phải ngày một ngày hai, mà đó là sự rèn luyện cả đời. Từ nhỏ ta phải học cách yêu thương đoàn kết và giúp đỡ bạn bè. Khi lớn lên, ta phải giữ được cái tâm yêu thương mọi người giữa những khó khăn mà ta phải đối mặt.
Tiếp theo, chúng ta cần chung tay cùng cộng đồng, xã hội để giúp đỡ giúp hoàn cảnh khó khăn hơn. Bằng những hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động, quyên góp ủng hộ các khu vực bị thiên tai. Hay cùng ủng hộ xây dựng nhà tình thương cho trẻ mô côi, trẻ khuyết tật, người già neo đơn. Hoặc các chiến dịch vì cộng đồng: hiến máu nhân đạo, xuân tình nguyện, mùa hè xanh… Và còn rất nhiều những hoạt động khác nữa. Tất cả những điều này đều góp phần đem lại một xã hội phát triển ổn định hơn. Đồng thời, cũng mang lại cho nhiều mảnh đời bất hạnh một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hơn hết, vượt qua khỏi tinh thần đoàn kết dân tộc, đó là lòng yêu thương nhân loại. Vì lòng trắc ẩn, tấm lòng thương người nào có sự phân biệt người này với người kia. Yêu thương dân tộc để phát triển đất nước, yêu thương nhân loại để có một thể giới văn minh hơn. Đó cũng chính là lý do mà trên thế giới, dù khác biệt quốc gia, tôn giáo, vẫn có những người sẵn sàng giúp đỡ nhau. Như các chiến dịch cứu trợ trẻ em ở Châu Phi, các hoạt động thiện nguyện vì những khu vực thiên tai… Cụ thể hơn, trước những thiệt hại nghiêm trọng mà cơn bão Damrey gây ra cho khu vực miền Trung Việt Nam, Nhật Bản ra quyết định cứu trợ nhằm giúp người dân các vùng bão lụt kịp thời có đủ nước sạch.
Kết bài
Như vậy, câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” chính là lời nhắn nhủ của ông cha ta xưa kia về trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó là mỗi người phải biết đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Tinh thần đoàn kết, và tình thương chính là động lực để phát triển đất nước. Đấy chính là nguồn gốc tạo nên ấm no và hạnh phúc trong xã hội.
Hi vọng bài văn trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc phân tích câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Làm văn hay: Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.