Bạn đang xem bài viết Làm văn: Phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan được sáng tác khi bà đi ngang con đèo này để vào kinh thành Huế nhận chức làm quan. Bài thơ nói lên nỗi nhớ quê hương gia đình của người con gái đi xa, nỗi thương thân của phụ nữ nơi đất khách quê người. Lối thơ nhẹ nhàng điềm tĩnh của tác giả được thể hiện rõ qua bài thơ này.
“Trèo đèo hai mái chân vân
Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”
Nằm giữa hai đầu nỗi nhớ, gánh trọn ân tình của nữ sĩ về bức tranh thiên nhiên hoang sơ đậm chất tình. Bà Huyện Thanh Quan dùng lối viết tự nhiên mà sâu lắng, hoài cảm đi vào lòng người. Trên con đường vào Phú Xuân, nữ sĩ bắt gặp phong cảnh đèo Ngang, từ đó khơi gợi nỗi buồn của người con gái đường xa chất chứa bao nỗi nhớ thương:
“Bước tới đèo Ngang,bóng xế tà
Cỏ cây chen lá, đá chen hoa”
Bức tranh vẽ ra vào buổi chiều tà, vào thời gian vắng vẻ và hoang vu trong ngày. Nếu được thay bằng “nắng tà” thì khung cảnh sẽ sinh động hơn. Một buổi chiều có nắng vàng, hoa lá và đá, vậy tại sao nữ sĩ lại không chọn nắng? Thời điểm chiều tà làm cho lòng người nôn náu một nỗi hoài cổ, chất xúc tác làm tâm trạng con người cất thành tiếng. Bức tranh thiên nhiên hoang sơ đượm màu buồn, liệu tâm hồn nữ sĩ có đủ mạnh mẽ vượt qua? Điệp từ “chen” nhấn mạnh sự đơn lẻ, cô liêu. Sự sống sắp lụi tàn, hoa lá cỏ cây đang cuống quýt, nồng say bám chặt lấy sự sinh tồn trên mảnh đất cằn cõi.
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên song chợ mấy nhà”
Bức tranh lúc này đã có sự xuất hiện của con người nhưng nó có thể làm mờ nhạt bớt phần nào trong sự trống vắng của tâm hồn người thứ lữ? ” Tiều vài chú” chỉ có một vài chú tiều đi gom củi phía dưới chân núi. Từ đó, làm tăng cường độ mỏng manh của sự sống. Nó hư vô, mờ ảo như thể sẽ biến mất. Tác giả đã dùng nghệ thuật phép đảo để thay đổi trật tự cú pháp ở hai câu này làm toát lên cảnh hắt hiu, hoang sơ của con đèo này. Từ láy ”lom khom” chỉ hoạt động gồng gánh gian nan và “lác đác” nói lên mức độ số lượng được ước tính cụ thể. Những hình ảnh ước lệ ấy đã bộc lộ ra hết cảm xúc, muốn lắm, cần lắm được chạm đến sự sống và khao khát được nhìn thấy con người. Ôi chỉ là ảo ảnh! Nơi nay, nữ sĩ biết tìm đâu người bạn đường để trò chuyện chia sẽ bao nỗi niềm.
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Hai câu luận tiếp theo làm trỗi dậy nỗi niềm tiềm ẩn của người thứ lữ. ”Con quốc quốc” “Cái gia gia” âm hưởng nhẹ nhàng mà thấm đẫm đến tâm can con người. Người khách phương xa cô đơn nghe văng vẳng tiếng chim cuốc mà lòng tê tái, não nề. Ở đây, tác giả dùng thủ pháp dùng động để tả tĩnh thật tinh tế, thứ âm thanh coi cuốc nơi xa kia làm bệ phóng cho tác giả gửi trọn nỗi niềm về đất nước và gia đình trên cuộc hành trình của mình. Thương nước nhà đang chìm trong tình cảnh loạn lạc, xót xa thân phận gái xa nhà độc hành. Nỗi lòng thương xót ấy như được trùng trùng điệp điệp không ngơi nghỉ.
“Dừng chân nghỉ lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Hai câu kết đưa xúc cảm của nữ sĩ lên đến đỉnh điểm của cảm xúc cao trao. ”Dừng chân” phần nào làm cho mạch cảm hứng của người đọc ngắt đoạn. Nhờ đó, mới diễn tả hết tâm trạng của nữ sĩ giữa núi rừng heo hút. Cái mênh mông, vô tận của núi rừng níu chân người thứ lữ. Ai đã từng một mình trước biển mà không choáng ngợp ?Ai đã yêu một người mà chưa từng nhớ nhung? Thật vậy, giữa thế giới bao la, vô tận ấy làm đôi chân nhỏ bé không thể bước nổi. Sự đơn độc ấy làm người thứ lữ yếu đuối. Người con gái ấy lại một lần nữa khao khát được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, được che lấp sự yếu đuối, đơn độc nơi mình. Núi rừng bao la, rộng lớn bao nhiêu thì sự cô đơn, trống vắng của nữ sĩ lại càng tăng bấy nhiêu. Từ đó, ta đủ cảm nhận “mảnh tình riêng” đơn độc đến tiếc nuối. Thể thơ thất ngôn bát cú với cấu trúc đề thực luận kết, cách hiệp vần và phép đối trong bài thơ tóm gọn bao cảm xúc trong lòng người đọc. Những tâm tư ấy đẹp biết bao qua lăng kính của tâm hồn người nữ sĩ một lòng một người yêu nước, thương dân.
Bài thơ “Qua đèo Ngang” mang đến một phong cách mới mẻ về bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, mang đậm chất trữ tình của nữ sĩ. Những vần thơ ấy sẽ còn mãi trong tâm trí người đọc, có một người yêu thiên nhiên, yêu đất nước đến vậy.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Làm văn: Phân tích bài thơ Qua đèo ngang của Bà Huyện Thanh Quan tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.