Bạn đang xem bài viết Lịch sử 6 Bài 1: Lịch sử là gì? Soạn Sử 6 trang 10 sách Chân trời sáng tạo tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Giải Lịch sử lớp 6 Bài 1: Lịch sử là gì giúp các em học sinh lớp 6 tham khảo, nắm chắc kiến thức, dễ dàng trả lời toàn bộ câu hỏi trong SGK Lịch sử – Địa lí 6 sách Chân trời sáng tạo trang 10, 11, 12, 13, 14.
Qua đó, giúp các em hiểu được lịch sử là những gì diễn ra trong quá khứ, giải thích được vì sao cần học Lịch sử. Đồng thời, cũng giúp thầy cô soạn giáo án Bài 1 Chương 1: Tại sao cần học Lịch sử. Chi tiết mời thầy cô và các em cùng theo dõi bài viết dưới đây của Thcslytutrongst.edu.vn:
Trả lời câu hỏi phần Nội dung bài học
I. Lịch sử và môn lịch sử
– Lịch sử là gì? Em hãy nêu một ví dụ cụ thể?
– Theo em, những câu hỏi nào có thể được đặt ra để tìm hiểu về quá khứ khi quan sát hình 1.1?
Trả lời
– Lịch sử là những gì đã xảy ra trong quá khứ, bao gồm mọi hoạt động của con người từ khi xuất hiện đến nay
VD: Văn miếu Quốc Tử Giám là hai công trình được xây dựng để dạy học và thờ kính Khổng Tử cùng những bậc hiền tài Nho học xưa. Văn miếu được xây dựng vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, còn Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076, dưới thời vua Lý Nhân Tông.
– Những câu hỏi nào có thể được đặt ra để tìm hiểu về quá khứ:
Ví dụ với hình 1.1:
- Rồng đá được xây dựng khi nào? Vào thời nào?
- Quá trình xây dựng rồng đá ra sao?
- Ý nghĩa của việc xây dựng rồng đá?
II. Vì sao phải học lịch sử
– Có ý kiến cho rằng: Lịch sử là những gì đã qua, không thể thay đổi được nên không cần thiết phải học môn Lịch sử. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?
– Em hiểu thế nào về từ “gốc tích” trong câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh? Nêu ý nghĩa của câu thơ đó?
Trả lời
– Em không đồng ý với ý kiến đó. Bởi lịch sử là những gì đã qua nhưng học lịch sử là cách để chúng ta biết và nhớ về quê hương, cội nguồn, hiểu được ông cha ta đã lao động, sáng tạo, đấu tranh như thế nào để có được đất nước ngày nay đồng thời đúc rút được những kinh nghiệm quý báu của ông cha.
– Gốc tích nghĩa là cội nguồn, tổ tiên, quê hương, cội nguồn.
Ý nghĩa câu thơ Bác muốn thế hệ tương lai cần phải học, phải hiểu, phải biết cho tường tận, cụ thể gốc tích lịch sử nước nhà Việt Nam. Biết sử ta” không phải chỉ đơn thuần là ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công nói lên tiến trình đi lên của dân tộc hay ghi nhớ công lao của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lý làm người Việt Nam. Vì chính đó là gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc, không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay và mai sau.
III. Khám phá quá khứ từ các nguồn sử liệu
– Tư liệu truyền miệng, tư liệu hiện vật, tư liệu chữ viết có ý nghĩa và giá trị gì?
– Tại sao tư liệu gốc lại có giá trị lịch sử xác thực nhất? Hãy lấy một ví dụ chứng minh cho ý kiến của em từ một nguồn sử liệu cụ thể có trong bài?
Trả lời
– Tư liệu truyền miệng, tư liệu hiện vật, tư liệu chữ viết có ý nghĩa và giá trị là những nguồn tư liệu là gốc để giúp ta hiểu biết và dựng lại lịch sử.
– Tư liệu gốc lại có giá trị lịch sử xác thực nhất vì đây là loại tư liệu liên quan trực tiếp đến sự kiện, phản ảnh sự kiện ấy một cách tin cậy
Ví dụ: Bản thảo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch HCM ngày 19-12-1946 là minh chứng cho sự kiện lịch sử bác Hồ kêu gọi Toàn quốc đứng lên kháng chiến trong lịch sử
Trả lời câu hỏi phần Luyện tập và vận dụng
Luyện tập
1. Tại sao cần thiết phải học môn Lịch sử
2. Căn cứ vào đâu để biết và dựng lại lịch sử
Trả lời:
1. Chúng ta cần học môn lịch sử vì học lịch sử giúp chúng ta biết được cội nguồn dân tộc, biết được loài người chúng ta đã đầu tranh để sinh tồn và phát triển như thế nào. Chúng ta biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ của tổ tiên, của cha ông và cả nhân loại để bản thân mình vừa kế thừa, phát huy những gì đã có, góp phần nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ phát triển vì sự tiến bộ của đất nước, của nhân loại.
2. Để biết và dựng lại lịch sử chúng ta cần căn cứ vào các nguồn tư liệu khác nhau:
- Tư liệu truyền miệng: là những câu chuyện, những lời mô tả được truyền từ đời này qua đời khác ở rất nhiều dạng khác nhau.
- Tư liệu hiện vật: là những di tích, đồ vật của người xưa còn giữ được trong lòng đất hay trên mặt đất.
- Tư liệu chữ viết: là những bản ghi, sách vở chép tay hay được in, khắc bằng chữ viết, gọi chung là tư liệu chữ viết.
Vận dụng
3. Em biết những di tích lịch sử nào ở địa phương em đang sống? hãy kể cho cả lớp nghe về sự kiện lịch sử liên quan đến một trong những di tích đó
4. Hãy viết một đoạn văn ngắn về lịch sử ngôi trường em đang học (trường được thành lập khi nào? Nó thay đổi như thế nào theo thời gian?…)
5. Cửa Bắc, một kiến trúc cổ, nằm trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội ngày nay. Trên tường vẫn còn nguyên dấu vết đạn pháo của thực dân Pháp khi đánh chiếm thành Hà Nội năm 1882. Có ý kiến cho rằng nên trùng tu lại mặt thành, xóa đi những vết đạn pháo đó, em có đồng ý với ý kiến đó không? Tại sao?
Trả lời:
3. Em đang sinh sống ở Hà Nội, có di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò nằm trên phố Hỏa Lò, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là nơi thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 với mục đích giam giữ tù nhân và những tội phạm chính trị. Nhà tù Hỏa Lò có diện tích lên đến 12.000 m², nơi đây chính là một trong những nhà tù lớn và kiên cố nhất Đông Dương thời điểm bấy giờ.
Sự kiện lịch sử quan trọng đó là vào tháng 3/1945, hàng trăm chiến sỹ cộng sản đã nắm bắt và lợi dụng thời cơ, gần trăm tù chính trị “thăng thiên” qua tường thoát ra ngoài, trên 100 tù chính trị đã vượt ngục theo đường cống ngầm. Những ngày sau đó, lính Nhật có nới lỏng hơn, cho người nhà đến thăm tù nhân khá đông, kẻ ra người vào thăm nuôi khá lộn xộn. Lợi dụng tình hình này, tổ chức đã bí mật tuồn những bộ quần áo thường, cho anh chị em tù chính trị cải trang, trà trộn với đoàn người vào thăm nuôi, trốn thoát ra ngoài bằng đường cổng chính. Sau khi thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò, các chiến sỹ cộng sản nhanh chóng trở về các địa phương, khẩn trương tổ chức chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945.
4. Ví dụ:
Hình thành từ tháng 7 năm 1997, trường được đặt nhờ trên những dãy nhà cấp 4 của hợp tác xã Dệt Hành Thiện và chỉ được coi là một phân hiệu của trường THCS Xuân Hồng. Đến tháng 10 năm 1997 trường có tên là “Trung tâm chất lượng cao Hành Thiện”. Năm 1998 trường chính thức đổi tên thành trường THCS Xuân Trường cho xứng với tầm vóc của một trường cấp huyện. Năm 2004 trường được xây dựng chính thức tại Thị trấn Xuân Trường – Trung tâm huyện. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, dưới sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện, PGD – ĐT huyện Xuân Trường và ban đại diện cha mẹ học sinh, Trường THCS Xuân Trường không ngừng nỗ lực xây dựng và phát triển để xứng đáng với niềm tin của các cấp chính quyền và nhân dân trong toàn huyện.
5. Em không đồng ý với ý kiến đó. Việc trùng tu lại khu kiến trúc là điều tốt nhưng việc xóa bỏ những vết đạn pháo là không nên. Những dấu vết đó là minh chứng lịch sử hùng hồn, minh chứng cho lịch sử chiến đấu kiên cường của dân tộc nên việc xóa bỏ nó cũng như là chính chúng ta đang xóa bỏ lịch sử của dân tộc vậy.
Lý thuyết Lịch sử là gì?
I. LỊCH SỬ VÀ MÔN LỊCH SỬ
- Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, bao gồm mọi hoạt động của con người từ khi xuất hiện đến nay.
- Môn Lịch sử là môn học tìm hiểu về lịch sử loài người, gồm toàn bộ những hoạt động của con người và xã hội loài người trong quá khứ.
II. VÌ SAO CẦN PHẢI HỌC LỊCH SỬ?
- Biết được cội nguồn của tổ tiên, quê hương, đất nước.
- Hiểu được tổ tiên, ông cha đã sống, lao động, đấu tranh như thế nào để có được đất nước ngày nay.
- Đúc kết những bài học kinh nghiệm quá khứ nhằm phục vụ cho hiện tại và tương lai.
III. Khám phá quá khứ từ các nguồn sử liệu
- Tư liệu truyền miệng gồm nhiều thể loại (truyền thuyết, cổ tích, thần thoại…) được truyền từ đời này qua đời khác.
- Tư liệu hiện vật gồm những dấu tích vật chất của người xưa như di tích, công trình hay đồ vật (văn bia, trống đồng, đồ gốm, tranh vẽ…).
- Tư liệu chữ viết: gồm các bản ghi chép, sách, báo, nhật kí… ghi chép tương đối đầy đủ mọi mặt đời sống con người và các sự kiện lịch sử đã xảy ra
- Trong các loại tư liệu trên, có những tư liệu được gọi là tư liệu gốc – tư liệu liên quan trực tiếp về sự kiện lịch sử, ra đời vào thời điểm diễn ra sự kiện. Đây là nguồn tư liệu đáng tin cậy nhất khi tìm hiểu lịch sử.
Trắc nghiệm Lịch sử 6 Bài 1: Lịch sử là gì?
Câu 1: Lịch Sử là những gì
A. đã diễn ra trong quá khứ.
B. đang diễn ra ở hiện tại.
C. sẽ xảy ra trong tương lai.
D. đã và đang diễn ra trong cuộc sống.
Đáp án: A
Câu 2:Môn Lịch Sử là môn học tìm hiểu về
A. lịch sử loài người.
B. các thiên thể trong vũ trụ.
C. các dạng địa hình trong tự nhiên.
D. quy luật chuyển động của Trái Đất.
Đáp án: A
Câu 3: Nội dung nào sau đây không phản ánh đúng ý nghĩa của việc học lịch sử?
A. Biết cội nguồn của tổ tiên, quê hương, đất nước.
B. Hiểu được tiến trình phát triển của văn minh nhân loại.
C. Đúc rút kinh nghiệm từ quá khứ phục vụ cho hiện tại.
D. Học cho vui vì kiến thức lịch sử mang tính giải trí cao.
Đáp án: D
Câu 4: Tư liệu truyền miệng
A. gồm truyền thuyết, thần thoại,… được truyền từ đời này sang đời khác.
B. là các bản chữ khắc trên xương, mai rùa,vỏ cây, đá….
C. là những dấu tích vật chất của người xưa còn giữ lại trong lòng đất.
D. là những văn bản ghi chép các sự kiện lịch sử.
Đáp án: A
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Lịch sử 6 Bài 1: Lịch sử là gì? Soạn Sử 6 trang 10 sách Chân trời sáng tạo tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.