Bạn đang xem bài viết Một loại củ “quốc bảo” của Việt Nam sẽ thành sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, được sản xuất quy mô lớn tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Theo định hướng, đến năm 2045, loại củ này trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất lớn trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Theo đó, chương trình được triển khai đồng bộ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biển, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của từng vùng, từng địa phương.
Phát triển Sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, đưa Sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y – dược; chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu Sâm Việt Nam.
Việc nuôi, trồng, phát triển Sâm Việt Nam trong môi trường rừng phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đi đôi với việc bảo tồn tại chỗ nguồn gen Sâm Việt Nam; sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng, không làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm chức năng của khu rừng.
Huy động các nguồn lực triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa. Ngân sách nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật, thông qua lồng ghép với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công và các Chương trình, đề án khác theo từng giai đoạn.
Loài Sâm Việt Nam được bảo tồn, gây trồng, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa trong khuôn khổ của chương trình là Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv), Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fiscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai). Đối tượng bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử nghiệm bao gồm Sâm Lang Biang (Panax vietnamensis var. Langbianensis NV Duy, V.T.Tran&L.N.Triều) và Sâm Puxailaileng (Panax sp) ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.
Quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Việt Nam phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh tại Chương trình này bao gồm gây trồng, phát triển dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phương thức sản xuất lâm, nông kết hợp theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp.
Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.
Theo nội dung chương trình, đến năm 2030 diện tích trồng Sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng Sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, sản lượng khai thác Sâm Việt Nam từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP – WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).
Định hướng đến năm 2045, phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.
Để chương trình đạt được hiệu quả cao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Dân tộc; Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ cùng phối hợp để tổ chức thực hiện.
Sâm Ngọc Linh là loài sâm đặc biệt quý hiếm, chỉ có trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Saponin là nhóm hợp chất chính quyết định tác dụng sinh học của sâm Ngọc Linh. Cho đến nay vẫn chưa có loài nào vượt trội hơn sâm Ngọc Linh Việt Nam về số lượng và hàm lượng saponin.
Sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam. Sâm Ngọc Linh như loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt. Với những người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch, mắc nhiều bệnh lý nền nếu sử dụng sâm thường xuyên sẽ giúp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.
Tại Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là 15.567 hecta, trong đó tại xã Trà Linh được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My.
Còn tại Kon Tum, riêng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông hiện nay có hơn 1.710ha sâm Ngọc Linh. Trong đó, có gần 1.700ha là của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và gần 70ha là của người dân. Tổng diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh trên toàn tỉnh là hơn 1.200ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây, tổng sản lượng ước khoảng 213,6 tấn sâm.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Một loại củ “quốc bảo” của Việt Nam sẽ thành sản phẩm mang thương hiệu quốc tế, được sản xuất quy mô lớn tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/mot-loai-cu-quoc-bao-cua-viet-nam-se-thanh-san-pham-mang-thuong-hieu-quoc-te-duoc-san-xuat-quy-mo-lon-176230607083425392.chn