Bạn đang xem bài viết Muốn chồng bán bớt đồ hiệu gom tiền cho con đang học trường quốc tế tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Vì không biết phải giao tiếp với chồng như thế nào, người vợ đã phải đăng bài ẩn danh trong một hội nhóm để xin lời khuyên.
Chuyện bất đồng quan điểm, mâu thuẫn trong hôn nhân vốn các cặp vợ chồng đều phải trải qua. Đó có thể là sự trái ý nhau trong lối sống, tính cách hay những suy nghĩ trong việc tài chính, nuôi dạy con,… Nếu hai vợ chồng có thể bỏ cái tôi cá nhân, cùng ngồi xuống thảo luận và lắng nghe chia sẻ của nhau, mọi chuyện sẽ dễ dàng giải quyết. Còn ngay đến việc chia sẻ, giao tiếp với nhau cũng không thể làm được, vấn đề sẽ vẫn âm ỉ ở đó và khiến người trong cuộc khó chịu.
Giống như mới đây, một người vợ phải đăng bài ẩn danh trong một hội nhóm của các chị em phụ nữ để xin lời khuyên về cách nói chuyện với chồng. Theo đó, người vợ cho hay công việc của chồng khiến gia đình thường phải định cư ở nước ngoài nhưng thời gian này đang trở về Việt Nam. Trong khi vợ có thể kiếm được khoảng hơn 1000 USD/tháng thì chồng lại có mức thu nhập thấp hơn, không có dòng tiền ổn định nên vô cùng căng thẳng.
“Hiện tại 2 con của mình đang học trường quốc tế nên với mức lương hiện tại hai vợ chồng sẽ có những tháng tiêu hơi hụt. Mình cũng muốn đầu tư cho con học nhiều thứ nhưng không đủ tiền. Mình lo ăn uống, tiền học còn chồng lo mua nhà, đồ dùng nên giờ anh chỉ lo tiền phí chung cư. Mình khuyên chồng bán một số tài sản không cần dùng đến như đồng hồ, hay đồ hiệu để cho con đi học nhưng chồng không đồng ý. Bây giờ mình nên nói như thế nào để thuyết phục được chồng đây?”, người vợ đặt câu hỏi.
Sau khi bài đăng ẩn danh của người vợ được đăng tải, nhiều người có khúc mắc và chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong cách chi tiêu cũng như cuộc sống của hai vợ chồng.
Vấn đề không phải bán cái gì, mà làm gì ra tiền quan trọng hơn
Sau khi lắng nghe câu chuyện trên, nhiều người đưa ra câu hỏi: “Tại sao cứ nhất thiết phải để 2 con học trường quốc tế trong khi kinh tế chưa đủ khá giả?”.
Ai cũng biết, môi trường học tập của trẻ là điều luôn được đặt lên hàng đầu. Song, không vì thế mà các gia đình có thể bất chấp, gửi con vào các trường tốt nhưng lại có học phí quá cao so với mức thu nhập. Cũng vì vậy mà vợ chồng bắt đầu trở nên căng thẳng, áp lực vì tài chính. Thậm chí, người vợ còn muốn chồng phải bỏ hết những sở thích cá nhân chỉ để có tiền cho con học trường quốc tế.
Minh Trang (30 tuổi) chia sẻ: “Mình nghĩ, vấn đề không phải bán cái gì để có tiền mà nên là làm gì để ra tiền cho con đi học. Người ta có câu miệng ăn núi lở mà, bán hết đồ rồi biết bán gì tiếp theo. Lương chồng thấp thì hoặc là có thời gian, có thể kiếm thêm các công việc khác làm để tăng thu nhập nếu vẫn muốn con đi học trường quốc tế. Tốt nhất, 2 vợ chồng nên ngồi lại nói chuyện với nhau về việc làm sao để có dòng tiền ổn định hơn hoặc chi tiêu, tài chính ra sao hơn là cứ ép đàn ông phải bỏ đi những sở thích cá nhân của họ”.
“Nếu chồng không muốn lắng nghe, bạn thử nói anh ấy nói ra suy nghĩ của mình xem sao. Mình nghĩ không cần phải học trường quốc tế các con mới phát triển tiếng Anh. Có thể cho con học trường bình thường, thuê thêm giáo viên dạy hoặc đi học trung tâm vẫn tốt mà chi phí rẻ hơn. Thu nhập của mình tháng gần 30 triệu còn cảm thấy không đủ đóng học vì con mình 1 năm học 110 triệu, chưa kể học thêm. Toàn chồng mình phụ giúp nên nếu vẫn cần cân đối lại chi tiêu, mức sống. Học trường nào cũng tốt cả, nên thoải mái tư tưởng một chút”, Minh Trang nói thêm.
Còn Diệu Linh (28 tuổi) bày tỏ, đàn ông và phụ nữ có suy nghĩ khác nhau. Nếu phụ nữ sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì họ nghĩ đó là điều tốt nhất cho con thì đàn ông lại thường hướng tới con đường dài hạn. Diệu Linh cho hay trước khi vợ chồng có thể nói chuyện, người vợ nên tôn trọng những đồ vật yêu quý của chồng.
“Bạn thử nhẹ nhàng chia sẻ với chồng rằng bạn đang cảm thấy chi tiêu quá sức với mức lương của mình. Và hỏi về phương án mà cả hai cảm thấy ổn thỏa, thoải mái nhất trong việc cùng nhau nuôi dạy con hay cùng nhau cân đối lại chi tiêu. Gia đình mình mới chỉ có 1 em bé sơ sinh, không kể tiền thuê nhà thì mức lương 1000 USD/tháng thật sự cũng không đủ. Khi đã là vợ chồng, nếu không thể một mình gồng gánh thì hãy san sẻ và cùng nhau cân đối, giải quyết sao cho phù hợp nhất”, Diệu Linh nói.
Chồng không muốn đối thoại, phải làm sao?
Theo người vợ trong câu chuyện trên, cốt yếu chị muốn chia sẻ bởi cần xin lời khuyên làm thế nào để có thể giao tiếp với chồng, để chồng lắng nghe ý kiến của mình.
Người vợ cho biết chồng có sở thích mua sắm, thậm chí mua đồ hiệu với mức giá đắt đỏ nhưng lại chẳng mấy khi dùng đến: “Chồng mua nhiều quần áo, đến gấp 10 lần tủ quần áo của mình. Có những cái mua về không mặc 1 lần, anh ấy rất nghiện mua sắm và muốn thể hiện nhưng có dịp gì mặc đâu nên cứ cất tủ như vậy vừa chật nhà, vừa tốn kém”.
Tuy nhiên, người vợ cũng bày tỏ cô là người không thích nhờ vả, muốn hai vợ chồng độc lập lo cho cuộc sống. Song, chồng vẫn ỉ lại và không có thái độ cố gắng khiến người vợ mệt mỏi, chán nản.
“Chồng mình có bảo bà nội tài trợ cho 1 đứa đi học nên cũng đỡ hơn nhưng mình không thích điều này. Công việc hiện tại của mình không chỉ có lương cứng nên thu nhập trung bình có thể lên đến 30 – 35 triệu/tháng hoặc vẫn kiếm hơn được nữa. Nhưng mình không muốn chồng ỉ lại vào mình như vậy.
Việc mình muốn bán những món đồ hiệu, quý giá của chồng 1 phần vì cho con, 1 phần vì dọn gọn nhà vì chúng mình sẽ vẫn phải đi nước ngoài tiếp. Bản thân anh cũng đồng ý với quan điểm đó nhưng cuối cùng lại không làm nên mình không thể chịu được nữa”, người vợ giãi bày.
Giải thích về việc bắt buộc phải để 2 con học trường quốc tế dù kinh tế không quá dư giả, người vợ cho hay: “Mình từng là học sinh chuyên Anh của trường Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đạt học bổng toàn phần ĐH và thạc sĩ nên mình hiểu rõ môi trường học tốt là như thế nào. Không phải mình cuồng trường quốc tế mà mình chọn vì gần nhà. Mình không thuê giúp việc nên phải đưa đón 2 bé, nếu học xa sẽ khá vất vả. Gia đình cũng chỉ định cho các con học mầm non quốc tế chứ không định học lâu dài. Chỉ cần con có nền tảng tiếng Anh tốt, sau này học ở đâu cũng dễ hơn”.
Cuối cùng, người vợ cho biết không muốn thay đổi quan điểm chi tiêu bởi đó vẫn là cách hợp nhất với tình hình kinh tế của gia đình và cũng tốt cho các con. Tuy nhiên, cô vẫn mong muốn một lời khuyên làm thế nào để có thể thuyết phục chồng hoặc để chồng nói ra những kế hoạch, dự định có thể chuẩn bị trong tương lai về tài chính cho 2 con.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Muốn chồng bán bớt đồ hiệu gom tiền cho con đang học trường quốc tế tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/muon-chong-ban-bot-do-hieu-gom-tien-cho-con-dang-hoc-truong-quoc-te-17623060209141626.chn