Bạn đang xem bài viết Người vô gia cư ở Singapore và hành trình chật vật tìm chốn nương thân tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
‘Khi bạn không có nhà để về, bạn buộc phải thích nghi với việc sống ngoài trời. Bạn phải cố gắng hết sức để chấp nhận sự thật đó’, Yeo Aik Koon cho biết.
Khi Hamad Shukri ly hôn và bán căn hộ chung cư, đó là lần cuối cùng ông được sống trong một căn nhà thuộc về mình. Sau khi trả khoản tiền 150.000 SGD (tương đương 2,6 tỷ đồng) cho vợ cũ, 50.000 SGD (tương đương 871 triệu đồng) cho Quỹ Tiết kiệm Trung ương và một số khoản vay khác, Shukri thậm chí còn không có đủ tiền để thuê một căn nhà ở. Người đàn ông 64 tuổi này rơi vào tình trạng vô gia cư và chấp nhận việc lang bạt ngoài đường trong sáu năm qua.
Còn đối với bà Yeo Aik Koon (82 tuổi) và người bạn đời, việc họ ngủ ngoài đường chỉ mới xảy ra gần đây. Cả hai đã từng thuê một căn phòng, nhưng lại không đủ điều kiện để chi trả hợp đồng gia hạn. Bà Yeo cho biết: “Đại dịch khiến rất nhiều người trẻ tuổi phải chuyển sang thuê trọ, sự cạnh tranh khiến chúng tôi không thể thuê nhà được”. Cặp đôi lớn tuổi buộc phải ngủ bên ngoài phòng chứa máy bơm của một tòa nhà trên phố Serangoon Central (Singapore).
Để tránh bị quá nhiều người dòm ngó, họ thường thức dậy và rời đi lúc 6 giờ sáng, cất tấm bìa carton vào hộp cứu hỏa gần đó và trở về sau 11 giờ đêm. Tình trạng này kéo dài khoảng hai tháng cho đến khi người qua đường viết đơn khiếu nại. Một số người đã nhìn thấy hai ông bà cụ nằm đó khi đi tập thể dục buổi sáng, và điều này khiến họ không mấy hài lòng.
Một cuộc khảo sát tại Singapore vào năm ngoái cho thấy có 530 người vô gia cư sống trên đường phố, con số này tăng so với mức 420 người vào năm 2021. Harry Tan – nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách – đã quan sát về tình trạng người vô gia cư trong vòng 8 năm qua, cho biết số lượng người vô gia cư nói chung không có gì thay đổi.
Nhiều người trong số họ được chuyển đến những nơi trú ẩn tạm thời, thường là những căn hộ cũ được chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo Channel News Asia, có khoảng 680 đơn vị trú ẩn, trong đó mỗi đơn vị sẽ do 3 người điều hành và được chia sẻ cho tối đa 6 người vô gia cư.
Nhà ở được trợ cấp không dễ vào
Lựa chọn bền vững nhất mà nhiều người vô gia cư ở Singapore hướng tới là căn hộ cho thuê công cộng, nơi có mức trợ cấp khá cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện sống tại đây.
Chẳng hạn, Darius (danh tính nhân vật đã được thay đổi) trong tình trạng vô gia cư được 9 tháng, kể từ khi anh bị “đuổi khỏi nhà” vì vi phạm giờ giới nghiêm. “Sau 10:30 tối, bố mẹ sẽ không mở cửa cho tôi vào nhà. Tôi chỉ có thể ngủ bên ngoài đến sáng hôm sau”, Darius cho biết.
Ngay cả trong một lần anh chẳng may làm mất ví bên ngoài, bố mẹ cũng không quan tâm và chỉ nói rằng nếu không quay về trước giờ giới nghiêm, anh sẽ không được vào nhà nữa.
Là người độc thân dưới 35 tuổi, không goá vợ và cũng chẳng mồ côi, Darius không đáp ứng được bất kỳ điều kiện nào để nhận khoản trợ cấp nhà ở của chính phủ. Theo cố vấn cấp cao của Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội (MSF) Lee Kim Hua, những điều kiện này giúp hạn chế tình trạng trẻ em bỏ nhà ra đi.
Ông Lee cho biết nếu không có tiêu chí này “những đứa trẻ 16 tuổi sẽ tìm đến và yêu cầu một căn hộ cho thuê”.
“Một đứa trẻ nên ở cùng với gia đình của mình. Đó là một điều rất đơn giản: Về nhà, nói lời xin lỗi với bố mẹ và trở về phòng. Nếu họ gặp nguy hiểm, tôi sẽ đưa họ đến nơi trú ẩn, nhưng họ vẫn phải về nhà vào ngày hôm sau”.
Trong trường hợp không có lựa chọn nào khác, những người này sẽ được nhân viên xã hội giúp đỡ tìm kiếm việc làm với hy vọng có đủ điều kiện để tìm được căn hộ cho thuê. Darius cũng đã nhờ nhân viên xã hội của mình giúp đỡ, trong thời gian chờ đợi, anh ở lại Nhà nguyện Yio Chu Kang – một trong những nơi tạm trú ban đêm cho người vô gia cư.
Tính đến tháng Ba, có khoảng 22 địa điểm tạm trú như vậy được thành lập, chủ yếu nằm trong các câu lạc bộ cộng đồng và nơi thờ cúng. Mỗi nơi như vậy sẽ quyết định giờ hoạt động dựa trên chức năng chính của cơ sở đó.
Chẳng hạn, nếu nơi tạm trú là một trường mẫu giáo và lớp mẫu giáo bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng, những người vô gia cư phải rời khỏi nơi đó trước 6:30 sáng. Ngoài ra, còn có các quy tắc quy định thời điểm trở về nơi tạm trú muộn nhất, ví dụ như 10:30 tối tại Nhà nguyện Yio Chu Kang.
Tuy nhiên, bất chấp nhiều lời nhắc nhở, Darius liên tục vi phạm quy tắc bằng cách lẻn vào cơ sở trong giờ không hoạt động và về muộn, trèo qua cổng vào lúc nửa đêm. Điều này khiến anh bị “trục xuất” và không được phép vào nơi tạm trú này nữa.
Một nơi để ở, nhưng không phải là nhà
Sống sót qua đêm tại một nơi tạm trú không phải là một việc dễ dàng, ngay cả đối với những người lớn tuổi. Xung đột cá nhân là một điều tương đối phổ biến, vì nhìn chung đây là nơi mà nhiều người phải sống trong một không gian rất nhỏ.
Roselan Abdullah (51 tuổi), đã bị chỉ trích bởi “những vấn đề nhỏ nhặt” như mở cửa sổ, giặt giũ, bôi thuốc có mùi và cầu nguyện. Các quy tắc của nơi này cũng gây bất tiện cho Roselan trong việc giao đồ ăn – một công việc vốn đòi hỏi giờ giấc linh hoạt.
“Đôi khi tôi cảm thấy giờ giới nghiêm thật vô nghĩa. Tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn khi làm vào ban đêm”, Roselan trò chuyện khi đang ngồi trên chiếc xe đạp điện của mình. Ông đã từng nói chuyện với nhân viên quản lý về lệnh giới nghiêm, nhưng việc kéo dài thời gian không được chấp nhận để tránh ảnh hưởng đến mục đích hoạt động chính của cơ sở.
Trong một trường hợp khác, Eco Susana Salo (58 tuổi) đã bị chồng đuổi ra ngoài cùng hai con sau một đêm cãi vã. Ban đầu, ba mẹ con ở cùng với một người chú. Nhưng sáu tháng sau, người chú quyết định bán căn nhà của mình và họ buộc phải chuyển đi.
Đó là lúc Salo cảm thấy hoảng sợ. Bà gọi cho nhân viên xã hội và tìm được nơi trú ẩn hiện tại. Không giống như những nơi tạm trú ban đêm, nơi trú ẩn chuyển tiếp mà bà đang ở không có quy định về giờ giới nghiêm hoặc giờ mở cửa, tuy nhiên, nó cũng không miễn phí.
Được ưu tiên cho các gia đình có nhu cầu khẩn cấp, nơi này yêu cầu người ở phải trả tiền thuê hàng tháng. Đối với Salo, số tiền này là 100 SGD (tương đương 1,7 triệu đồng). Căn hộ ba mẹ con đang ở có hai phòng ngủ, nhưng gia đình bà không được phép sử dụng căn phòng thứ hai vì người thuê nhà mới có thể đến bất cứ lúc nào. Ngoài ra, còn có một số quy tắc khác mà họ cần tuân thủ như không được hút thuốc, nuôi thú cưng hoặc mang người lạ vào nhà.
Chính vì những quy định phức tạp nên dù đã sống hơn hai năm, nhiều người vẫn không cảm thấy như ở nhà riêng của mình. Đơn giản là vì họ không thể trang trí, sắp xếp đồ đạc hoặc treo ảnh theo ý mình.
Khi bước cuối cùng luôn là bước khó khăn nhất
Trong nỗ lực tìm kiếm một ngôi nhà cho riêng mình, những người vô gia cư đã gặp không ít trắc trở. Vì không phải là người Singapore, Salo phải đợi đến khi con trai Raihan tròn 21 mới có thể đăng ký thuê chung căn hộ với cậu. Thời gian chờ đợi để có một căn hộ có thể mất “vài tháng hay thậm chí là một năm” theo nhân viên xã hội.
Trong khi đó, nhiều người khác lại trông đợi vào Chương trình Độc thân chung – một chính sách cho phép những người vô gia cư nộp đơn để ở ghép theo từng cặp. Mọi người có thể chọn trước người bạn đồng hành để cùng nộp đơn, hoặc có thể đăng ký trước mà không cần tìm bạn cùng phòng, khi đó, chương trình sẽ tự động chỉ định người ở cùng cho họ dựa trên các yếu tố giới tính, tuổi tác, dân tộc và thói quen sinh hoạt.
Roselan cùng bạn của mình đã trông đợi rất nhiều vào chương trình này, nhưng điều khiến ông không hài lòng là thời gian chờ đợi quá lâu, bao gồm cả quy trình đăng ký. Cả hai hiện đã ly hôn và buộc phải xuất trình giấy tờ chứng minh bản thân không còn sở hữu căn nhà nào nữa.
Còn đối với Darius, sự mông lung đã nhường chỗ cho hy vọng khi anh đang chờ để được thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong quân đội, anh sẽ có nơi để ở lại vào cả ngày thường lẫn cuối tuần. Theo người cố vấn Augustus Low, Darius “hy vọng có thể dựa vào khoản trợ cấp nghĩa vụ để có một khoản tiền cho phép anh xem xét việc thuê nhà bên ngoài”.
Trong khi nhiều người chạy đôn chạy đáo để tìm chỗ thuê nhà, một số người khác lại không trông đợi vào chính sách ở ghép. Hamad có tình yêu thương mãnh liệt dành cho những chú chim mình nuôi, và ông biết rằng chính sở thích này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khi ở chung với người khác.
Chính vì thế, nếu không thể thuê căn hộ một mình, có lẽ ông sẽ tiếp tục cuộc sống ngoài trời. Ông đã chuyển đến sống tạm bợ tại trang trại nuôi chim của một người bạn trong câu lạc bộ chim hót. Tuy vậy, ngày được chuyển vào ở “ngôi nhà mới” vẫn là ngày hạnh phúc nhất trong đời ông.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Người vô gia cư ở Singapore và hành trình chật vật tìm chốn nương thân tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/nguoi-vo-gia-cu-o-singapore-va-hanh-trinh-chat-vat-tim-chon-nuong-than-176230607143022894.chn