Bạn đang xem bài viết Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày đã đi sâu vào tâm trí của các em học sinh, sinh viên Việt Nam. Ngày mà chúng ta thể hiện lòng thành và sự biết ơn đến những bậc thầy cô kính yêu. Các cụ hay nói “Không thầy đố mày làm nên”. Quả không sai, không có thầy cô thì chúng ta khó mà đạt được những kiến thức vô giá kia. Vì vậy chúng ta cần phải biết nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trọng đại này.
1. Nguồn gốc của ngày Nhà giáo Việt Nam gắn liền với lịch sử ra đời của tổ chức Giáo giới trên toàn thế giới.
Tháng 7-1946 Liên hiệp quốc tế các công đòan giáo dục (FISE) được thành lập. Trụ sở đặt tại Paris- Pháp, sau chuyển sang Áo rồi sang Tiệp khắc và từ năm 1977 trụ sở đặt tại Berlin- Đức.
Năm 1949 tại hội nghị ở Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các công đòan giáo dục xây dựng một bản Hiến chương các nhà giáo.
Tháng 7-1953 Công đòan giáo dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này.
Tháng 8-1954 tổ chức công đòan của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”, gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:
– Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
– Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.
– Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.
Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”.
Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày nhà giáo Việt Nam”.
2. Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đối với dân tộc ta
Đất nước thống nhất, ngày 20-11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.
Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng CNXH; để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo, theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28-9-1982: “hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là Ngày nhà giáo Việt Nam”. Và ngày 20-11-1982, Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình Hà Nội.
Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11/1958, không chỉ tổ chức tại Hà Nội, mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều diễn ra đầy đủ những hoạt động phong phú tại các trường học ở huyện, quận, thị xã…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 diễn ra hằng năm đã trở thành ngày hội giáo giới truyền thống của Việt Nam. Trở thành một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta – truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Tìm hiểu và học tập những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam là nhằm giúp cho đội ngũ thầy cô giáo tiếp tục phát huy những phẩm chất của Nhà giáo, không ngừng nâng cao năng lực, đạo đức để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tươi sáng, tự học và sáng tạo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ Công nghiệp hóa Hiện đại hóa đất nước.
Ngày 20/11 là dịp để các học sinh đền đáp lại công ơn dạy dỗ của các thầy cô, tôn vinh cái đẹp của nghề giáo trong lòng mỗi người. Đây cũng là ngày giúp các học sinh ghi nhớ sâu sắc, gửi lòng biết ơn đến những “ân sư” mang sứ mệnh “trồng người”.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.