Bạn đang xem bài viết ‘Phải comment dạy cho nó một bài học’: Tâm lý đáng sợ khi trên mạng có drama tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Tính ẩn danh giúp ai đó gỡ mặt nạ vẫn đeo hàng ngày, bày tỏ suy nghĩ chân thật để cùng thảo luận một vấn đề nhạy cảm hoặc chuyên sâu. Song đặc tính này đã giảm bớt trách nhiệm trước mỗi lời nói ra, khiến “quan tòa online’ xuất hiện ngày càng nhiều.
Ngừng phán xét 30 phút, được trả công 1 triệu: Không ai vượt qua thử thách
Tôi nhớ mình từng xem một thử thách trên YouTube. Người quản trò đưa 5 người chơi vào một căn phòng rồi mở máy tính cho họ xem. Nội dung clip có thể là bi kịch, hài hước song có cả những màn đối đầu giữa nhiều người.
Nhiệm vụ của người chơi rất đơn giản. Họ chỉ cần ngồi đó, không cười, không nói, không biểu lộ cảm xúc và cũng không được lên tiếng trong 30 phút. Hoàn thách thử thách, họ được lấy 1 triệu mang về.
Hết thời gian quy định, không ai cầm được số tiền này. Bởi tất cả đều không thể ngừng việc chỉ trỏ, bình luận về nhân vật, hay cảm thán trước hình ảnh đang xem.
Cũng giống 5 người chơi, tôi đã thất bại khi làm thử thách từ phút thứ hai mươi mấy. Tôi, họ và số đông mọi người, dù không muốn thừa nhận nhưng chúng tôi vẫn luôn dành thời gian cực lớn trong ngày để đánh giá về sự vật, con người mình từng gặp.
Điều này càng được dịp thể hiện rõ hơn khi chúng ta lên mạng. Trên không gian mạng, mọi thông tin đều được cập nhật nhanh chóng. Và bạn có công nhận, nếu như ngoài đời hầu hết mọi người đều “uốn lưỡi 7 lần” trước khi nói thì khi lướt mạng, chúng ta chẳng gặp mấy khó khăn để nhập vài dòng bình luận rồi nhấn nút gửi đi. Ở trên mạng xã hội, ta có thể phán xét đủ thử về những trò drama này, ngoại hình của người khác hay câu chuyện cuộc sống họ đến đâu.
Tôi và nhiều người khác từng thấy việc bình luận đôi ba câu chẳng ai hưởng gì đến ai. Và dẫu sao, trong hầu hết mọi trường hợp, nhân vật chính trong câu chuyện có khi còn chẳng biết chúng tôi là ai.
Tuy nhiên, đằng sau những dòng bình luận được viết ra rồi có khi quên luôn của chủ nhân, liệu chúng có vô hại như bạn nghĩ?
Vẫn còn nhớ cách đây 3 năm, tôi đọc được dòng nhắn của một người cha gửi đến các “anh hùng bàn phím” mời họ đến tham dự lễ tang của con gái anh. Cô con gái tên Army, mới 14 tuổi, có nụ cười như thiên thần và từng là sao nhí nổi tiếng. Chỉ cách đó vài ngày, Army tự kết thúc cuộc đời mình sau chuỗi ngày bị cư dân mạng chê bai từ ngoại hình, dáng đi cho đến cách cô ăn mì tôm sau cánh gà.
Cha Army đã viết trên trang cá nhân: “Gửi đến những người đã từng sỉ nhục con gái tôi trên mạng, hoan nghênh các vị đến tham dự tang lễ của nó. Nếu có người cho rằng tôi chỉ nói đùa. Ức hiếp và quấy rối không ngừng có thể khiến các người cảm thấy thích thú. Vậy không bằng hãy đến dự tang lễ, xem xem các người đã tạo ra hậu quả gì”.
Tất nhiên, không ai dám đến dự tang lễ đó.
Lướt xuống dưới phần bình luận, một trong những lời chia sẻ nhận được nhiều tương tác nhất thuộc về anti-fan của Army. Họ nói chỉ muốn dạy bảo cho Army tốt hơn, nhưng không ngờ lời chỉ trích có thể làm tổn thương sâu sắc tới cô bé.
Tôi kể lại câu chuyện của Army, chỉ để nói rằng các bình luận tiêu cực bạn từng viết hoàn toàn không “vô tri” như bạn tưởng. Nó vô hại với bạn, nhưng có thể là con dao hướng về người khác.
Thông thường, chúng ta luôn vô thức đánh giá người khác dựa trên quan điểm hoặc định kiến cá nhân. Tuy nhiên, việc đánh giá sẽ trở nên sai lầm nếu bạn mặc định suy nghĩ của mình là đúng đắn, rồi vô hình bắt người đó phải tuân theo lời khuyên của bạn.
Mà chẳng cần đọc chuyện của nước ngoài, chỉ cần lướt mạng xã hội trong nước mấy ngày vừa qua, tôi đã nhìn thấy vô số bình luận độc hại từ phía cư dân mạng.
Chẳng hạn trong những bài đăng về trang phục của các nữ sinh dự prom, có rất đông người bình luận khiếm nhã về vẻ ngoài của nữ sinh: “Ủa sao ăn mặc thế này, 18 tuổi mà cứ ngỡ 28 tuổi vậy?”, “Nhìn mấy em lên đồ còn già hơn vợ tôi”…
Hay như vụ việc giữa anh thợ chụp ảnh kỷ yếu và nữ sinh tên N.Q gây tranh cãi mới đây. Câu chuyện đáng lẽ đã có cái kết hậu sau thời điểm hai nhân vật cho nhau cơ hội sửa sai.
Thế nhưng, vô số bài đăng liên quan vẫn tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội. Chúng không đến từ cô nữ sinh, càng không đến từ anh thợ chụp ảnh. Nó đến từ một bộ phận cư dân mạng – những đối tượng hoàn toàn không liên quan đến câu chuyện. Họ đã hùa theo đám đông miệt thị ngoại hình nữ sinh, dạy bảo lại cô cách nói chuyện dù câu chuyện kết thúc từ lâu. Và có một câu bình luận cứ ở trong đầu tôi mãi: “Nếu gia đình không dạy được nó (cách gọi cô gái – PV) thì để xã hội dạy cho nó một bài học”.
Tôi cực kỳ sợ tâm lý: Dạy cho ai đó một bài học hoặc hay là phải làm đến thế thì mới được. Bởi, đã có quá nhiều việc đau lòng xảy ra khi một người bị tấn công tập thể trên mạng, bị sốc và không đủ mạnh mẽ để bước qua. Khi sự việc bị đẩy quá giới hạn, dân cư mạng lại sẽ lại tràn vào để thương tiếc như không có chuyện gì xảy ra dù lời lẽ của họ phần nào là tác nhân gây ra những chuyện đau lòng.
Tại sao số đông thích dạy bảo người khác?
Theo dữ liệu phân tích thói quen tiêu thụ nội dung của Hubspot, những chủ đề nhận được nhiều quan tâm bậc nhất trên mọi nền tảng mạng xã hội đều liên quan đến từ khoá “bóc phốt”. Điều này cho thấy số đông cư dân mạng vẫn đang thích chứng kiến cảnh ai đó bị hạ bệ, vạch mặt, phải lên tiếng xin lỗi hoặc nhất định phải tìm ra người sai trong mọi vấn đề để “dạy dỗ” lại người đó.
Quay lại câu chuyện tranh cãi giữa cô nữ sinh và anh thợ ảnh, có bình thường không khi người ta dùng lời lẽ tấn công cô gái 18 tuổi để mong cô ấy học được những điều tốt đẹp? Sẽ học được điều gì từ những cộc cằn ném vào làm đau người khác?
Câu trả lời tất nhiên là không. Rõ ràng khi ai đó làm sai, thái độ đúng đắn là chúng ta nên chỉ ra lỗi sai một cách văn minh và cho họ cơ hội sửa chữa sai lầm, không nhân danh công lý để tấn công họ. Bởi trong cuộc sống thực tế, đúng – sai là một lằn ranh mong manh. Chuyện ai đó là “người tốt” hay “người xấu” vốn không phải câu hỏi trắc nghiệm để ta có thể đưa ra câu trả lời trong một tích tắc. Tuy nhiên, trên không gian mạng xã hội, chỉ bằng một vài cái nhấp chuột, nhiều người dễ dàng trở thành “quan tòa” phân định trắng – đen, sau đó đưa ra lời khuyên bảo đối phương chỉ dựa theo quan điểm cá nhân.
Tôi có một cô đồng nghiệp. Ngày thường cô ít nói, hiền lành. Nhưng đấy chỉ là hình dung bên ngoài khi tôi chưa biết đến nick ảo của bạn trên mạng xã hội. Ngoài đời cô kiệm lời nhưng trên không gian mạng, cô luôn sẵn sàng tranh đấu đến cùng với người cô cho là sai để “dạy cho họ một bài học”.
Tính ẩn danh của mạng xã hội là cơ hội cho những “quan toà” online xuất hiện ngày càng nhiều. Một mặt, tính ẩn danh giúp bạn tôi gỡ mặt nạ vẫn đeo hàng ngày, bày tỏ suy nghĩ chân thật để cùng thảo luận một vấn đề nhạy cảm hoặc chuyên sâu.
Nhưng mặt khác, đặc tính này đã giảm bớt trách nhiệm của cư dân mạng trước mỗi lời nói ra. Không giống ngoài đời thực, ai cũng phải cân nhắc kỹ trước khi thốt ra câu nói làm mất lòng người khác. Còn trên mạng xã hội, bất kỳ lời nói sai trái nào của bạn đều có thể thu hồi không dấu vết chỉ bằng một cái nhấp chuột.
Một nguyên nhân khác cũng đến từ cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường xuyên phải chịu đựng hoặc chứng kiến tình cảnh bất công. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành “quan tòa” để nói lên quan điểm. Bởi nhiều người sợ một khi đứng lên bảo vệ cái đúng, chúng có thể ảnh hưởng đến lợi ích của anh ta.
Cũng vì thế khi lướt mạng xã hội để giải trí, “bàn phím” vô tình trở thành công cụ để họ đứng lên chống lại cái xấu, xả cảm xúc tiêu cực dồn nén bấy lâu. Khi ai đó phát hiện người khác làm sai mà suy nghĩ đó được số đông nhất thời khẳng định là đúng, họ sẽ khó ngừng được việc răn dạy đối phương phải tuân theo quan điểm chủ quan của mình. Bởi từ sâu bên trong, họ nghĩ rằng bản thân đang thực hiện tốt nhiệm vụ của công lý.
Một nửa sự thật cũng không phải sự thật
Cách đây không lâu, một TikToker tên N.H.B.T chuyên làm nội dung bóc phốt người khác đã gây chú ý khi đăng tải clip chỉ trích một cặp đôi TikToker. Không chỉ lên tiếng dạy bảo đối phương thay đổi cách hành xử, anh ta gán lên họ những từ ngữ gay gắt như “vô ơn”, “tráo trở”…
Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu N.H.B.T không bị phát hiện… nói sai sự thật. Sau đó, anh ta đã phải lên tiếng xin lỗi và hứa cẩn trọng hơn trong các phát ngôn kế tiếp.
Tất nhiên, N.H.B.T chỉ là một trong số rất nhiều người dùng mạng xã hội tuỳ tiện buông lời chỉ trích khi chưa biết rõ chân tướng của sự việc. N.H.B.T là người có sức ảnh hưởng, anh ta tự biến mình thành “trò cười” với phát ngôn nóng vội và nhanh chóng phải có động thái trả giá ngay sau đó.
Trong khi đó, số đông người dùng mạng xã hội còn lại chỉ là người bình thường. Họ hầu như không phải chịu bất kỳ hình phạt nào nếu đưa ra lời khuyên sai lầm, ngoại trừ việc phải đối diện với “toà án” của lương tâm.
Chúng ta thường đùa vui: “Một nửa sự thật cũng không phải là sự thật”. Điểm đáng sợ của những lời dạy bảo trên mạng là chủ nhân của chúng không cần tìm hiểu kỹ càng về vấn đề. Và nếu lan truyền thông tin sai sự thật, ai sẽ là người đứng lên đòi lại công bằng cho nạn nhân?
Trên mạng xã hội Zhihu từng lan truyền câu chuyện:
“Một cô y tá bị tấn công vì từ chối phẫu thuật cho bệnh nhân. Nhưng họ đâu biết bệnh nhân xin ngừng điều trị vì nhà không còn tiền.
Hai thầy giáo bị tố chửi bới tấn công nữ sinh. Người bỏ việc, người phải đi tha hương nơi xứ người. Nhưng họ đâu biết nữ sinh kia nói dối. Hóa ra, chỉ vì tranh chấp cá nhân với thầy giáo, cô gái không ngại bày đặt câu chuyện hủy hoại cả cuộc đời hai người thầy”.
Điểm chung của tất cả nạn nhân kể trên là đều chịu tấn công từ cư dân mạng – những người không hiểu đầu đuôi câu chuyện nhưng thích nhân danh công lý để dạy đời người khác.
Suy cho cùng, trên môi trường trực tuyến, chúng ta đều ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Nhưng quyền tự do này không đồng nghĩa với việc bạn có thể tấn công họ bằng lời nói mà không có chứng cứ cụ thể trong tay.
Mặc dù đôi khi chúng ta sẽ không tránh khỏi bị tác động bởi quan điểm của đám đông, nhưng hãy cẩn thận trước khi buông ra lời khuyên ai đó phải làm theo ý bạn. Thay vì vội vàng ném vào nhau lời phán xét nặng nề, hãy chậm lại một chút để cân nhắc hậu quả có thể gây ra cho đối phương.
Một khi click chuột vào dòng “enter” thì gửi đi câu bình luận, bạn không chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mà cả những người xung quanh, nạn nhân khi đọc được câu nói đó. Nếu tất cả đều biết chậm lại vài phút để cân nhắc tính đúng – sai của thông tin, sẽ không còn ai bị dồn vào đường cùng vì vài lời nói tiêu cực.
Có một câu nói mà tôi rất thích và muốn lan tỏa với những người đang mệt mỏi với hàng loạt tiêu cực đang diễn ra: “Nếu ví mạng xã hội giống như bầu trời thì xin hãy giảm bớt sương mù và gió mưa. Đổi lại là cùng nhau lan tỏa nhiều ánh nắng ấm áp”.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết ‘Phải comment dạy cho nó một bài học’: Tâm lý đáng sợ khi trên mạng có drama tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/phai-comment-day-cho-no-mot-bai-hoc-tam-ly-dang-so-khi-tren-mang-co-drama-176230606063404346.chn