Bạn đang xem bài viết Phân tích giá trị đặc sắc của bài hát Bụi phấn của Vũ Hoàng Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật lớp 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 11: Viết văn bản nghị luận phân tích giá trị đặc sắc của bài Bụi phấn của Vũ Hoàng mang đến bài văn mẫu siêu hay.
Phân tích giá trị bài hát Bụi Phấn của Vũ Hoàng mà Thcslytutrongst.edu.vn đăng tải dưới đây sẽ giúp các em tự luyện tập và rèn luyện phong cách viết riêng cho mình. Hi vọng qua bài văn mẫu này sẽ giúp các em học sinh học tập ngày càng tốt hơn và tự tin với khả năng viết văn nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật lớp 11. Bên cạnh đó các bạn xem thêm: phân tích giá trị đặc sắc của bài hát Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý, phân tích giá trị đặc sắc của bài hát Đất nước trọn niềm vui.
Phân tích giá trị bài hát Bụi Phấn của Vũ Hoàng
Chắc chắn nhiều người từng nghe bài hát “Bụi phấn”. Lời bài hát nhẹ nhàng. Âm điệu như những vần thơ được gieo trên khuông nhạc. Không biết đây có phải là bài thơ phổ nhạc, hay là tiếng nhạc được lồng thơ. Chỉ biết rằng khi nghe bài hát này, bao người thấy lòng xúc động. Có lẽ “Bụi phấn”vừa là thơ vừa là nhạc, tác giả đã gieo xúc cảm của mình trong khoảnh khắc nhận biết ấy vào hồn người nghe.
“Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi…”
Chỉ là hình ảnh được tác giả ghi nhận lại. Thật đơn giản. Người thầy viết bảng và bụi phấn rơi rơi. Đây là hình ảnh quá quen thuộc và một hiện tượng tự nhiên, ta có thể gặp ở nhiều nơi: trường học, lớp học tư….Bởi lẽ khi sử dụng phấn để viết, tất nhiên bụi phấn phải rơi. Điều này rõ ràng dễ hiểu, không cần dùng mắt nhìn, ta cũng có thể tưởng tượng ra….
“Bụi phấn “qua cảm nhận của tác giả không còn là một điều đơn giản nữa. Những hạt bụi trong bài hát đã được cách điệu lên một bước. Không còn là một hình ảnh nhiếp ảnh gia chụp lại, mà đã được tiếp nhận như hình ảnh của không gian ba chiều. Hạt bụi phấn không còn là sự liên kết của vôi cộng với phụ gia cấu thành. Ở đây, hạt bụi phấn đã có hồn biết gieo vần cho thơ và cấu thành tiếng nhạc. Rơi ư? Hai từ “rơi rơi”đã lập đi lập lại, như một điệp khúc, quyện tình người vào đó. Hạt bụi rơi, tiếp tục rơi, liên tiếp mãi không ngừng. Hạt bụi li ti tưởng chừng không nhìn thấy được, theo từng dòng chữ thầy ghi bảng, lặng lẽ rơi …. Hạt bụi phấn ấy, đã rơi từ các mảng kiến thức nối nhau tuôn chảy, chuyển hóa khối óc trái tim người thầy, thành bước chân học trò đến tương lai. Chính trong lời hát, việc người thầy viết bảng, để bụi phấn rơi, không còn bó buộc trong phạm vi thông thường nữa. Nó đã hóa thân từ các mắc xích tự nhiên, chuyển thành cảm xúc từ thầy đến trò. Qua tác giả, tình cảm ấy, làm rung động không thôi đến người nghe. Trong phút giây ngắn ngủi xúc cảm, chỉ có thể là một người làm học trò, chúng ta mới có thể hiểu hết sự sâu lắng này….
Bụi phấn cứ theo dòng thời gian tiếp tục rơi:
“Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng. Có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy…”
Bất chợt nhìn thấy hạt bụi phấn rơi, vì mình, người học trò mới giật mình… Có bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy? Nhiều lắm phải không? Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: bao nhiêu lần nhìn thấy mà lòng ta bồi hồi ? Ít quá phải không? Chưa nói là có người chưa có một lần! Điều này cũng không thể trách ai. Chỉ biết rằng, dù có bài hát này hay không, hạt bụi phấn vẫn cứ mãi rơi…. Nó rơi vương trên bục hay trên mái tóc thầy, luôn đọng lại nỗi ưu tư. Ai từng tự hào về sự thành đạt, hãy một lần nhớ đến: hàng triệu hạt bụi phấn, vô tình rơi từ các bài giảng của thầy, đưa đường ta đến vinh quang….
Chắc chắn vì yêu nghề, mến trẻ, nên người thầy không hề chú ý đến những hạt bụi rơi, đã nhuộm trắng mái tóc mình. Nhưng là học sinh, ta sao không nao lòng khi nghe:
“Em yêu phút giây này, thầy em tóc như bạc thêm. Bạc thêm vì bụi phấn, để cho em bài học hay…”
Điệu nhạc mượt mà, nhẹ nhàng đưa hồn thơ vào lòng người nghe. Khi bất ngờ phát hiện mái tóc thầy điểm bạc, vì tuổi đời chồng chất quyện cùng màu bụi phấn rơi, mắt người làm học trò chợt cay cay…. Thật xót xa khi người làm học trò như chúng ta, đã có khi vô tình đối với thầy cô của mình. Chính giờ phút đi về trên bục giảng, tóc thầy ngày càng bạc thêm….Mà người nhận thành quả trực tiếp có phải là học sinh, là chúng ta không?
Hãy nhìn, hãy nghe, hãy để lòng lắng xuống: để ta biết yêu thương người âm thầm dìu dắt chúng ta, như người lái đò đưa khách sang sông…. Người ta nói làm giáo viên là làm “nghề bán cháo phổi”! Có gì ngạc nhiên đâu. Một bài giảng bao nhiêu câu nói, vừa nói lớn tiếng, vừa phải làm cho học sinh hiểu…. Và những hạt bụi phấn rơi vô tình đó, nhuộm tóc thầy được, thì làm sao không thể nhuộm trắng cả phổi thầy? Biết bao người rời nghề vì suy nhược cơ thể, vì “sinh nghề tử nghiệp”? Nhưng rồi thế hệ này đến thế hệ khác, vẫn biết bao người lại nối nhau chọn nghành Sư phạm…. Phải nói thật rằng khi ghi danh vào ngành giáo, mỗi người đã tự tạo cho bản thân áp lực rất lớn. Không vô tình, không cố ý, chức nghiệp làm thầy, khiến mỗi giáo viên chấp nhận một số quy định vô hình: bản thân phải biết chịu đựng và phải biết hi sinh….
Bao điệu nhạc, bao lời thơ ca tụng người giáo viên.. Thầy và trò là một mệnh đề ắt có và đủ. Thế nên chỉ có lúc thầy ghi bảng, làm hạt bụi phấn rơi, người học trò mới cảm nhận hết sự việc này. Hạt bụi phấn đã rơi. Nó chắt chiu từ giọt máu yêu thương của thầy, chảy theo bài học mới, tuồn vào hồn người học trò. Trò lớn lên từng ngày, thầy già theo năm tháng. Hẳn không ít những giọt nước mắt, đã ứa ra khi học sinh nhìn thấy tóc thầy đổi màu….
Chúng ta có biết bao nhiêu thầy cô trong quá trình học tập. Có người, ta nhớ nhiều nhớ rất lâu, nhưng cũng có người, ta chẳng hề nhớ mặt nhớ tên. Dù nhớ hay quên, ta ít nhất có một lần nhìn thấy bụi phấn rơi ra từ bài giảng thầy cô mình. Và chúng ta đã vô tình tiếp nhận bài học không hề biết đến sự hi sinh lặng lẽ của thầy ….
Trong bài hát này, mỗi lời, mỗi điệu nhạc, rơi ra từ bụi phấn, là dòng suối yêu thương ngọt ngào cuốn ta vào. Ngân nga, bài hát cứ vang hàng năm. Hạt bụi phấn từ bài hát vẫn rơi làm hồn người xao xuyến:
“Làm sao có thể nào quên…”
Hãy để hồn mình thả dài theo tiếng nhạc, cảm nhận tình người lan tỏa theo điệu nhạc giao thoa bắt đầu từ :”Khi thầy viết bảng…”.
Không cần biết là bài hát từ một ca sĩ chuyên nghiệp, hay là một đứa trẻ ngân nga lạc điệu… Chỉ cần bài hát vang lên, đã từng là một học sinh, chúng ta cũng dành ít phút, nghĩ về những người thầy cô của mình, những người đã từng vì mình mà hít bao nhiêu bụi phấn…. Giây phút ấy thiêng liêng biết bao, đáng trân trọng biết bao….dù thật là ít ỏi trong cuộc đời mình…!
Tiến bộ khoa học tạo ra phấn không bụi. Tên gọi thế nhưng thật sự, hạt bụi phấn vẫn cứ tiếp tục rơi ., một cách lặng lẽ. Mặc kệ, sử dụng loại phấn nào cũng được, hạt bụi ấy vô tình rơi, rơi hoài không nghỉ…Như màu trắng của tóc thầy, màu trắng của phấn cứ hiển hiện trước mắt học sinh.
Bạn của tôi ơi! hãy lắng nghe đi: hạt bụi phấn đang lặng lẽ rơi, để ta nhận chân được giá trị con người bắt đầu từ bục giảng. Và để lòng mình êm đềm trôi theo dòng suối nhạc trào tuôn :
“Làm sao có thể nào quên : Ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ…”
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Phân tích giá trị đặc sắc của bài hát Bụi phấn của Vũ Hoàng Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật lớp 11 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.