Bạn đang xem bài viết Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 12 sách Kết nối tri thức tập 1 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bài học đường đời đầu tiên trích trong Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài – một tác phẩm vô cùng nổi tiếng và quen thuộc với thiếu nhi. Đoạn trích trên sẽ được giới thiệu trong chương trình học kì I của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 6.
Hôm nay, Thcslytutrongst.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Soạn văn 6: Bài học đường đời đầu tiên. Các bạn học sinh tham khảo nội dung chi tiết ngay dưới đây.
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên – Mẫu 1
Trước khi đọc
1. Có thể em đã từng đọc một truyện kể hay xem một bộ phim nói về một niềm vui hay nỗi buồn mà nhân vật đã trải qua. Khi đọc (xem), em đã có suy nghĩ gì?
Gợi ý: khi đọc một truyện kể hay xem một bộ phim, bản thân người đọc (xem) có thể cảm nhận được niềm vui và nỗi buồn của nhân vật.
2. Chia sẻ với các bạn vài điều em thấy hài lòng hoặc chưa hài lòng khi nghĩ về bản thân.
Gợi ý:
– Điều hài lòng: chăm chỉ học tập, tự giác trong công việc.
– Điều chưa hài lòng: đôi khi còn chủ quan trong giờ kiểm tra, còn ham chơi, chưa giúp đỡ bố mẹ công việc nhà…
Đọc văn bản
Câu 1. Em dự đoán thế nào về sự việc sắp được kể?
Dự đoán: cuộc trò chuyện giữa Dế Mèn và Dế Choắt.
Câu 2. Lúc rủ Dế Choắt trêu chị Cốc, Dế Mèn có nghĩ đến hậu quả không?
Dế Mèn không nghĩ đến hậu quả.
Câu 3. Điều gì đã xảy ra với Dế Choắt? Dế Mèn đã làm gì khi chứng kiến điều đó?
– Dế Choắt đã bị chị Cốc mổ.
– Dế Mèn nằm trong hang, lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ, mặc kệ Dế Choắt.
Sau khi đọc
Trả lời câu hỏi
Câu 1. Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật nào? Kể theo ngôi thứ mấy?
– Câu chuyện được kể bằng lời của nhân vật: Dế Mèn.
– Truyện được kể theo ngôi thứ nhất.
Câu 2. Đọc phần một đoạn trích, nêu một số chi tiết miêu tả Dế Mèn khiến em liên tưởng tới đặc điểm của con người. Lối miêu tả này thường được sử dụng ở loại truyện nào?
– Một số chi tiết miêu tả Dế Mèn:
- ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên chóng lớn lắm
- một chàng dế thanh niên cường tráng
- bước đi bách bộ, cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn.
- chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
- đi đứng oai vệ, mỗi bước đi làm điệu dún dẩy
- hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc.
- dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm: quát mất chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó…
– Lối miêu tả này thường được sử dụng ở các truyện cổ tích.
Câu 3. Em thích hoặc không thích điều gì trong cách Dế Mèn tự miêu tả và đánh giá bản thân ở phần một? Vì sao?
– Những điều thích: một chàng dế ăn uống và làm việc có chừng mực, luôn yêu đời và khỏe mạnh. Bởi đó là những đức tính tốt đẹp của Dế Mèn đáng khâm phục và noi theo.
– Những điều không thích: kiêu căng, ngạo mạn không coi ai ra gì. Bởi đây là những đức tính không tốt, khiến con người dễ mắc sai lầm, gây ấn tượng xấu với mọi người xung quanh.
Câu 4. Dế Mèn nói gì khi sang thăm nhà Dế Choắt và khi Dế Choắt nhờ giúp đỡ? Những lời nói đó thể hiện thái độ gì của Dế Mèn?
– Khi sang nhà Dế Choắt, Dế Mèn đã nói: “Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng… Chú mày có lớn mà chẳng có khôn”.
– Khi Dế Choắt nhờ giúp đỡ: “Hức! Thông ngách sang nhà ta?… Đào tổ nông thì cho chết!”.
– Những lời nói đó thể hiện thái độ của Dế Mèn: ra vẻ bề trên, khinh thường Dế Choắt.
Câu 5. Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những cảm xúc, suy nghĩ gì? Những cảm xúc suy nghĩ đó cho thấy sự thay đổi nào ở Dế Mèn?
– Chứng kiến cái chết của Dế Choắt, Dế Mèn đã có những cảm xúc, suy nghĩ:
- Hối hận khi hành động của mình đã gây ra cái chết Dế Choắt: “Tôi hối hận! Tôi hối hận lắm!… Tôi biết làm thế nào bây giờ?”.
- Thương xót, buồn bã trước cái chết của Dế Choắt: “Tôi thương lắm… chết toi rồi”.
– Những cảm xúc suy nghĩ đó cho thấy sự thay đổi của Dế Mèn: Không còn thái độ kiêu căng, coi thường những người xung quanh.
Câu 6. Theo em, từ những trải nghiệm đáng nhớ, Dế Mèn đã rút ra được bài học gì?
Bài học mà Dế Mèn đã rút ra: ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có đầu óc mà không biết nghĩa sớm muộn rồi cũng mang vạ vào thân mình.
Câu 7. Nêu hình dung của em về nhân vật Dế Choắt. Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, em sẽ đối xử với bạn như thế nào?
– Hình dung về nhân vật Dế Choắt: Dế Choắt có dáng dấp nhỏ bé, gầy gò và yếu ớt, nhút nhát nhưng lại khá am hiểu sự đời.
– Nếu gặp một người bạn có đặc điểm giống như Dế Choắt, chúng ta cần biết coi trọng, giúp đỡ cũng như yêu thương.
Viết kết nối với đọc
Đề bài: Viết một đoạn văn (khoảng 5 – 7 câu) kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên bằng lời của một nhân vật do em tự chọn.
Gợi ý:
– Dế Mèn:
Một hôm nọ, tôi thấy chị Cốc từ dưới mặt nước bay lên, đến đậu gần hang. Vốn tính nghịch ngợm, tôi bèn nghĩ mưu trêu chị Cốc. Tôi rủ Dế Choắt nhưng vốn tính nhút nhát nên nó xin thôi. Tôi liền mắng Dế Choắt một trận ra trò, rồi bảo với nó hãy xem mình trêu chị Cốc ra sao. Tôi rình đến lúc chị Cốc rỉa cánh quay đầu lại phía cửa tổ, liền cất giọng trêu. Chị ra thoạt nghe tiếng hát từ trong đất vang lên, giật nảy hai đầu cánh định bay đi. Nhưng rồi định thần lại, chị Cốc liền lò do về phía cửa hang của tôi, hỏi dò. Tôi nhanh trí chui tọt vào hang, lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ. Tôi thầm nghĩ: “Mày tức thì cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu”. Tôi khoan khoái sung sướng mà không nghĩ rằng tai họa sắp ập đến.
– Dế Choắt:
Hàng xóm của tôi là anh Dế Mèn rất khỏe mạnh và cường tráng. Trái ngược với anh, tôi vừa gầy gò lại ốm yếu. Một hôm nọ, anh Dế Mèn sang nhà tôi chơi. Anh nhìn xung quanh rồi chê nhà của tôi tuềnh toàng, bừa bộn. Anh còn dọa nhỡ có kẻ nào chui vào phá thì tôi sẽ đi đời. Tôi lấy làm sợ hãi, liền ngập ngừng nhờ cậy anh đào giúp mình một cái ngách sang bên nhà anh để phòng khi tối lửa tắt đèn, có đứa nào bắt nạt còn chạy sang. Nhưng vừa nghe xong, anh Dế Mèn đã cười nhạo, rồi từ chối tôi. Nói xong, anh Dế Mèn trở về nhà. Tôi cảm thấy vô cùng khổ tâm nhưng cũng không dám nói gì nữa.
– Chị Cốc:
Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Tôi liền đến đó để kiếm thức ăn. Bỗng tôi nghe có tiếng hát: “ Cái Cò, cái Vạc, cái Nông/Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào?/Vặt lông cái Cốc cho tao/Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn”. Lúc đầu, tôi thấy lo sợ, định bay đi. Nhưng rồi biết chắc có kẻ muốn trêu ghẹo. Tôi tức giận lắm, vừa đi vừa hỏi cất tiếng hỏi lớn. Thế rồi, tôi đã nhìn thấy một cậu dế đang loay hoay ở cửa hang. Thì ra là kẻ này. Tôi tiến lại gần hỏi, thì nó chối bay. Tức giận, tôi giáng xuống cho dế mấy nhát. Tôi lấy làm hả giận, rỉa lông cánh một lát nữa rồi lại bay là xuống đầm nước.
Xem thêm: Đoạn văn kể lại một sự việc trong đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên – 2
Đôi nét về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả
– Tô Hoài (1920 – 2014), tên khai sinh là Nguyễn Sen.
– Tô Hoài sinh ra tại quê nội ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
– Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng khác nhau trên đất nước ta.
– Sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật đời thường.
– Các tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận…
– Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
– Một số tác phẩm tiêu biểu:
- Dế Mèn phiêu lưu ký (truyện dài, 1941)
- O chuột (tập truyện ngắn, 1942)
- Cỏ dại (hồi ký, 1944)
- Truyện Tây Bắc (tập truyện, 1953)
- Tự truyện (1978)
- Quê nhà (tiểu thuyết, 1981)
- Cát bụi chân ai (hồi ký, 1992)
- Chiều chiều (tiểu thuyết, 1999)
- Chuyện cũ Hà Nội (ký sự, 2010)…
2. Đoạn trích Bài học đường đời đầu tiên
a. Xuất xứ
– Bài học đường đời đầu tiên trích trong chương I của truyện Dế Mèn phiêu lưu kí.
– Tên của đoạn trích do người biên soạn SGK đặt.
– Dế Mèn phiêu lưu kí được in lần đầu năm 1941, là tác phẩm đặc sắc nhất và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Truyện gồm mười chương, kể về cuộc phiêu lưu của nhân vật chính là chú Dế Mèn.
b. Tóm tắt
Dế Mèn là một chú dế cường tráng bởi biết ăn uống điều độ. Tuy nhiên, cậu chàng lại có tính kiêu căng, luôn nghĩ mình “có thể sắp đứng đầu thiên hạ”. Dế Mèn luôn coi thường những người xung quanh, đặc biệt là Dế Choắt – người bạn hàng xóm gầy gò và yếu ớt. Một lần, Dế Mèn bày trò trêu chị Cốc khiến cho Dế Choắt phải chịu oan. Choắt bị chị Cốc mổ đến kiệt sức. Trước khi chết, Choắt khuyên Dế Mèn bỏ thói kiêu căng của mình. Dế Mèn vô cùng ân hận và nhận ra bài học đường đời đầu tiên của mình.
Tóm tắt: Tóm tắt truyện Bài học đường đời đầu tiên
c. Bố cục
Gồm 3 phần:
- Phần 1. Từ đầu đến “ có thể sắp đứng đầu thiên hạ ”: Dế Mèn giới thiệu về bản thân.
- Phần 2. Tiếp theo đến “ Tôi về, không chút bận tâm ”: câu chuyện về người bạn hàng xóm là Dế Choắt.
- Phần 3. Còn lại: bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
Đọc – hiểu văn bản
1. Dế Mèn giới thiệu về bản thân
– Hình dáng
- Đôi càng mẫm bóng.
- Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.
- Người rung rinh một màu nâu bóng mỡ, soi gương được và rất ưa nhìn.
- Đầu tôi to ra, nổi từng tảng rất bướng.
- Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp.
– Cử chỉ, hành động:
- ăn uống điều đồ, làm việc có chừng mực
- bước đi bách bộ, cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn.
- Chốc chốc lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
- đi đứng oai vệ, mỗi bước đi làm điệu dún dẩy các khoeo chân, rung lên rung xuống hai chiếc râu.
- Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm: quát mất chị Cào Cào, đá ghẹo anh Gọng Vó…
=> Một chàng dế thanh niên cường tráng.
2. Câu chuyện về người bạn hàng xóm là Dế Choắt
– Dự đoán về sự việc sắp được kể: Dế Mèn kiêu ngạo, hung hăng sẽ trêu trọc, coi thường Dế Choắt.
– Cuộc đối thoại giữa Dế Mèn và Dế Choắt:
- Một lần sang chơi nhà Choắt, Dế Mèn lên tiếng chê bai: “Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế. Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng…Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn..”.
- Hay khi Choắt bày tỏ ý muốn Dế Mèn đào một cái ngách sang bên nhà của Mèn, để khi có kẻ đến bắt nạt thì giúp đỡ nhau. Nhưng Dế Mèn lại khinh khỉnh: “Hức! Thông ngách sang nhà ta? Dễ nghe nhỉ? Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi, im cái điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!”. Sau đó, chàng ta trở về mà chẳng nghĩ ngợi gì.
=> Thái độ của Dế Mèn đã thể hiện sự kiêu căng, ích kỉ.
– Khi Dế Mèn rủ Dế Choắt không hề nghĩ đến hậu quả, khiến chị Cốc tức giận. Dế Mèn nhanh chóng chui vào hang để Dế Choắt một mình đối mặt với chị Cốc. Chú Dế Choắt tội nghiệp phải chịu nỗi oan ức, bị chị Cốc mổ cho đến kiệt sức. Nhưng Dế Mèn vẫn không ra cứu bạn, nhận lỗi về mình và chịu trách nhiệm về lỗi lầm. Cuối cùng Dế Choắt kiệt sức mà chết.
– Khi Dế Choắt chết: Dế Mèn ân hận về cách đối xử của mình với Dế Choắt. Nó hối hận khi đã gián tiếp gây ra cái chết của Dế Choắt. Nó tự trách mình rằng nó là một kẻ có sức mạnh nhưng lại chỉ biết trốn tránh một cách nhát gan. Chôn cất Dế Choắt xong, cảm giác của nó thật hụt hẫng và bất lực bởi Dế Choắt đã chết rồi, đâu thể cứu vãn được nữa. Dế Mèn đứng lặng bởi nó muốn suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách sống của mình trong suốt thời gian qua.
=> Cái chết của Dế Choắt đã khiến Dế Mèn nhận ra bài học đường đời đầu tiên.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Bài học đường đời đầu tiên – Kết nối tri thức 6 Ngữ văn lớp 6 trang 12 sách Kết nối tri thức tập 1 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.