Bạn đang xem bài viết Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn Soạn văn 9 tập 2 bài 32 (trang 169) tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hôm nay, Thcslytutrongst.edu.vn sẽ giới thiệu bài Soạn văn 9: Tổng kết phần Tập làm văn, đến các bạn học sinh.
Tài liệu này vô cùng hữu ích và cần thiết đối với các bạn học sinh lớp 9, mời các bạn tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.
Soạn văn Tổng kết phần Tập làm văn
I. Các kiểu văn bản đã học trong chương trình Ngữ văn THCS
Đọc bảng tổng kết trong SGK (trang 169, 170 SGK Ngữ văn 9 tập 2) và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới.
1. Hãy cho biết sự khác nhau của các kiểu văn bản trên. (Gợi ý: tự sự khác miêu tả như thế nào? Thuyết minh khác tự sự và miêu tả như thế nào? Văn bản biểu cảm khác văn bản thuyết minh ở đâu? Văn bản nghị luận khác văn bản điều hành ở những điểm nào? Hãy nêu các phương thức biểu đạt cơ bản của mỗi kiểu để làm sáng tỏ các câu hỏi trên)
Gợi ý:
Sự khác nhau giữa của các kiểu văn bản:
– Tự sự khác miêu tả: Văn bản tự sự trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục biểu lộ ý nghĩa. Còn miêu tả thì tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng làm cho chúng biểu hiện.
– Thuyết minh khác tự sự và miêu tả ở chỗ: Thuyết minh trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả, tính có ích hoặc có hại của sự vật, hiện tượng để mọi người có kiến thức khách quan về sự vật hay hiện tượng đó.
– Văn bản biểu cảm khác văn bản thuyết minh: Biểu cảm lại bộc lộ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người đối với con người, thiên nhiên, xã hội, sự vật. Còn trong văn thuyết minh ít bộc lộ cảm xúc.
– Văn bản nghị luận khác văn bản điều hành: Nghị luận là trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận. Điều hành là trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm pháp lý về các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lý; hay người lại, bày tỏ yêu cầu, quyết định của người có thẩm quyền đối với người có trách nhiệm thực thi, hoặc thỏa thuận giữa công dân với nhau về lợi ích và nghĩa vụ.
2. Các kiểu văn bản trên có thay thế cho nhau được không? Tại sao?
Các văn bản trôn không thay thế cho nhau được. Vì mỗi kiểu văn bản đều có phương thức biểu đạt riêng, hình thức thể hiện khác nhau, mục đích khác nhau, các yếu tố cấu thành văn bản khác nhau.
3. Các phương thức biểu đạt trên có thể được phối hợp với nhau trong một văn bản cụ thể hay không? Vì sao? Nêu một ví dụ để minh họa.
Trong văn bản cụ thể, các phương thức biểu đạt có thể kết hợp với nhau để tạo ra hiệu quả giao tiếp cao nhất. Sự kết hợp sẽ phát huy được thế mạnh của từng phương thức trong những mục đích, nội dung cụ thể.
– Ví dụ: Trong văn bản “Bến quê” sử dụng phương thức tự sự chủ yếu, nhưng có đan xen miêu tả (thiên nhiên) và biểu cảm (suy tư, cảm xúc của nhân vật Nhĩ)
4. Từ phần tổng kết trên, hãy cho biết kiểu văn bản và hình thức thể hiện, thể loại tác phẩm văn học có gì giống và khác nhau.
a. Hãy kể tên các thể loại văn học đã học, ghi lên bảng.
b. Mỗi thể loại ấy đã sử dụng các phương thức biểu đạt nào?
c. Tác phẩm văn học như thơ, truyện, kịch có khi nào sử dụng yếu tố nghị luận không? Cho ví dụ và cho biết yếu tố nghị luận đó có đặc điểm gì.
Gợi ý:
a.
Các thể loại văn học đã học: thơ, truyện dài, kí, tiểu thuyết chương hồi, truyện ngắn, ca dao, dân ca, câu đố, phóng sự…
b. Mỗi thể loại riêng có một phương thức biểu đạt nhất định, phù hợp với đặc điểm.
Ví dụ: Thơ – biểu cảm, truyện dài – tự sự…
c. Tác phẩm văn học như thơ, truyện, kịch đôi khi cũng có sử dụng các yếu tố nghị luận, cho thơ thêm phần sâu sắc, giàu tính triết lý, gợi cho người đọc suy tư…
Ví dụ: Truyện ngắn Lão Hạc có sử dụng yếu tố nghị luận: Ông giáo triết lí về cuộc đời: “ Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương: không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác, nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”
4. Kiểu văn bản tự sự và thể loại văn học tự sự khác nhau như thế nào? Tính nghệ thuật trong tác phẩm văn học tự sự thể hiện ở những điểm nào?
Gợi ý:
– Giống nhau: Yếu tố tự sự (kể chuyện) giữ vai trò chủ đạo.
– Khác nhau:
- Kiểu văn bản là cơ sở của thể loại văn học, thể loại văn học là “môi trường” cho kiểu văn bản xuất hiện.
- Thể loại văn học đòi hỏi phải có cốt truyện, kiểu văn bản tự sự thì không.
– Tính nghệ thuật thể hiện qua cốt truyện, nhân vật, sự kiện.
6. Kiểu văn bản biểu cảm và thể loại văn học trữ tình giống và khác nhau ở những điểm nào? Nêu đặc điểm của thể loại văn học trữ tình. Cho ví dụ minh họa.
– Giống nhau: Yếu tố cảm xúc
– Khác nhau:
- Văn bản biểu cảm: Bày tỏ cảm xúc về một đối tượng (văn xuôi)
- Tác phẩm trữ tình: đời sống cảm xúc của chủ thể thông qua hình tượng nghệ thuật (thơ).
– Đặc điểm của thể loại văn học trữ tình:
- Bộc lộ cảm xúc một cách trực tiếp thông qua nhân vật trữ tình.
- Tác phẩm trữ tình thường ngắn gọn, lời văn tràn đầy tính biểu cảm.
7. Tác phẩm nghị luận có cần các yếu tố thuyết minh, miêu tả, tự sự không? Cần ở mức độ nào, vì sao?
Tác phẩm nghị luận có cần yếu tố miêu tả, tự sự, thuyết minh. Sử dụng thuyết minh, miêu tả, tự sự trong văn bản nghị luận. Các yếu tố này giúp cho việc triển khai, thuyết phục luận điểm.
II. Phần Tập làm văn trong chương trình Ngữ văn THCS
1. Phần Văn và Tập làm văn có mối quan hệ với nhau như thế nào? Hãy nêu ví dụ cho thấy mối quan hệ đó trong chương trình đã học.
Phần Đọc hiểu văn bản và phần Tập làm văn có môi quan hệ với nhau. Việc đọc hiểu văn bản là phần cung cấp văn bản tiêu biểu cho học sinh về loại văn bản học ở Tập làm văn. Học cách làm văn bản trong Tập làm văn giúp cho học sinh hiểu rõ hơn cấu tạo, đặc điểm của phương thức biểu đạt có trong văn bản ở phần Đọc hiểu văn bản.
Gợi ý:
Trong chương trình học, có những sự kết hợp như: Yêu cầu viết một bài văn nghị luận, biểu cảm, tự sự… về một vấn đề, sự vật, sự việc nào đó. Học sinh có thể căn cứ vào cách thức xây dựng luận điểm, cách viết, cách sáng tạo…để tổ chức ý bài văn của mình.
2. Phần Tiếng việt có quan hệ như thế nào với phần Văn và phần Tập làm văn? Nêu ví dụ chứng minh.
Gợi ý:
Những nội dung của phần Tiếng Việt có liên quan mật thiết với phần văn và Tập làm văn. Cần nắm chắc những kiến thức và vận dụng được các kỹ năng về từ ngữ, câu, đoạn để khai thác nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản cũng như để viết, nói cho tốt.
3. Các phương thức biểu đạt: miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh có ý nghĩa như thế nào đối với việc rèn luyện kĩ năng làm văn?
Gợi ý:
Các thao tác miêu tả, tự sự, nghị luận, biểu cảm, thuyết minh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm chuẩn bị cho việc làm các bài văn vì các em phải dùng các thao tác ấy để tạo lập văn bản nghĩa là làm một bài văn.
III. Các kiểu văn bản trọng tâm
1. Văn bản thuyết minh
a. Văn bản thuyết minh có đích biểu đạt là gì?
b. Muốn làm được văn bản thuyết minh, trước hết cần chuẩn bị những gì?
Hãy cho biết các phương pháp thường dùng trong văn bản thuyết minh.
c. Ngôn ngữ của văn bản thuyết minh có đặc điểm gì?
Gợi ý:
a. Mục đích biểu đạt: Văn bản thuyết minh đem lại những kiến thức khách quan và thái độ đúng đắn đối với sự vật, hiện tượng được nhắc tới.
b. Muốn làm được văn bản thuyết minh trước hết cần chuẩn bị những kiến thức về thể loại, phương thức biểu đạt và đặc biệt là hiểu biết chính xác và bao trùm toàn bộ sự vật, hiện tượng được thuyết minh.
c. Phương pháp thường dùng: phương pháp chủ đạo là thuyết minh, bên cạnh đó là miêu tả, tự sự, biểu cảm và có thể là nghị luận.
d. Ngôn ngữ văn bản thuyết minh phải chính xác, khách quan, chi tiết và dễ hiểu.
2. Văn bản tự sự
a. Văn bản tự sự có đích biểu đạt là gì?
b. Nêu các yếu tố tạo thành văn bản tự sự.
c. Vì sao văn bản tự sự thường kết hợp với các yếu tố miêu tả, nghị luận, biểu cảm? Hãy cho biết tác dụng của các yếu tố đó đối với văn bản tự sự.
d. Ngôn ngữ trong văn bản tự sự có đặc điểm gì?
Gợi ý:
a. Văn bản tự sự có mục đích biểu đạt là kể một câu chuyện theo một trình tự nào đó.
b. Các yếu tố tạo thành văn bản tự sự là sự việc, nhân vật, tình huống, hành động, lời kể, kết cục.
c. Văn bản tự sự thường sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, nghị luận và biểu cảm nhằm mục đích làm cho câu chuyện sinh động và hấp dẫn hơn.
- Khi kể chuyện, người kể nhằm trả lời làm rõ câu hỏi câu chuyện ấy, nhân vật ấy, hành động ấy ra sao… thì cần phải biết miêu tả.
- Khi kể chuyện, muôn câu chuyện thêm phần sâu sắc, giàu tính triết lý gợi cho người nghe, người đọc suy tư, người kể phải dùng thêm yếu tố nghị luận.
- Khi kể chuyện, người kể cần thể hiện thái độ và tình cảm của mình đối với sự việc, nhân vật nên phải biết dùng thêm các yếu tố biểu cảm.
d. Ngôn ngữ trong văn bản tự sự thường sử dụng nhiều từ chỉ hành động, từ giới thiệu, từ chỉ thời gian, không gian và tính từ để người đọc hình dung được đối tượng nhân vật, sự việc một cách sinh động.
3. Văn bản nghị luận
a. Văn bản nghị luận có đích biểu đạt là gì?
b. Văn bản nghị luận do các yếu tố nào tạo thành?
c. Nêu yêu cầu đối với luận điểm, luận cứ và lập luận.
d. Nêu dàn bài chung của bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
e. Nêu dàn bài chung của bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) hoặc về một bài thơ, đoạn thơ.
Gợi ý:
a. Mục đích biểu đạt của văn nghị luận là nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng, quan điểm nào đó nhằm thuyết phục họ tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.
b. Văn bản nghị luận do các yếu tố: luận điểm, luận cứ và lập luận tạo thành.
c. Các luận điểm, luận cứ phải rõ ràng, có lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, lập luận cần chặt chẽ.
d. Dàn bài chung của bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống hoặc một vấn đề tư tưởng đạo lí.
– Mở bài: giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận
– Thân bài:
- Giải thích chứng minh tư tưởng, đạo lí đang được bàn đến.
- Đánh giá, nhận xét tư tưởng, đạo lí đó trong bối cảnh cuộc sống riêng, chung.
– Kết bài: Tổng kết, nêu nhận thức mới, đưa ra lời khuyên.
e. Dàn bài chung của bài nghị luận tác phẩm văn học
– Mở bài: Giới thiệu nhân vật được phân tích và nêu ý kiến đánh giá.
– Thân bài: Phân tích chứng minh các luận điểm về nhân vật bằng những luận cứ cụ thể, chính xác và sinh động trong tác phẩm.
– Kết bài: Khái quát, khẳng định các luận điểm, rút ra bài học, ý nghĩa từ nhân vật được nghị luận.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Soạn bài Tổng kết phần Tập làm văn Soạn văn 9 tập 2 bài 32 (trang 169) tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.