Bạn đang xem bài viết Tập làm văn lớp 5: Tả bác sĩ đang khám bệnh Dàn ý & 11 bài tả một người lao động đang làm việc tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TOP 11 bài văn Tả bác sĩ đang khám bệnh SIÊU HAY, kèm theo dàn ý chi tiết, sẽ giúp các em học sinh lớp 5 có thêm nhiều vốn từ, nhanh chóng hoàn thiện bài văn Tả một người lao động đang làm việc thật hay.
Hình ảnh những bác sĩ không quản ngày đêm, luôn tận tụy khám chữa bệnh, chăm sóc tận tình cho bệnh nhân mãi in sâu trong tâm trí mỗi người. Với 11 bài văn tả bác sĩ dưới đây, sẽ giúp các em rèn kỹ năng viết bài văn tả người thật tốt, để ngày càng học tốt môn Văn.
Dàn ý tả bác sĩ đang khám bệnh
I. Mở bài:
- Tuần trước trường em tổ chức tiêm vắc-xin cho học sinh trong trường.
- Có rất nhiều cô chú bác sĩ đến nhưng em ấn tượng nhất với cô bác sĩ Hoa người đã khám bệnh cho em.
II. Thân bài:
* Tả hình dáng:
- Dáng người cô thon gọn, hơi cao
- Nước da cô trắng hồng
- Mái tóc đen dài đến ngang lưng được cô cột gọn gàng
- Khuôn mặt cô hình trái xoan
- Đôi mắt cô đen ánh lên vẻ hiền từ
- Đôi môi đỏ đỏ
- Đầu của cô đội một chiếc mũ của các cô chú bác sĩ hay đội, có màu trắng
- Cô mặc trên người bộ quần áo bác sĩ, nhìn cô lại càng đẹp hơn
* Thái độ của cô khi khám bệnh:
- Cô ân cần khi khám bệnh cho em và các bạn.
- Cô hỏi han các bạn về việc học.
- Cô nói chuyện vui để các bạn quên đi nỗi sợ phải tiêm.
- Cách cô quan tâm hỏi han khi tiêm xong cho các bạn.
III. Kết bài:
- Cô bác sĩ Hoa để lại trong lòng em một ấn tượng rất tốt.
- Em cũng mong ước sau này được trở thành một bác sĩ
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 1
Mọi nghề trong xã hội đều mang lại lợi ích tốt đẹp cho xã hội: như nông dân trồng lên hạt lúa ta ăn, anh công an giữ trật tự đường phố, cô giáo dạy dỗ học sinh nên người, … Cũng có một nghề hữu ích như thế. Đó chính là bác sĩ khám bệnh cứu người. Hôm nay, em được nhìn thấy bác sĩ làm việc như thế nào.
Vì em bị ốm nên bố mẹ đã cho em đến bệnh viện để khám sức khỏe. Một cô bác sĩ đang ngồi trong phòng khám. Cô còn rất trẻ, khoác trên mình chiếc áo blouse trắng thật đẹp. Tóc cô cắt ngắn ngang vai và đeo một cặp kính tròn, những chiếc kính thường là người bạn của các bác sĩ. Thấy em, cô mỉm cười rất tươi, làm bao nhiêu lo sợ của em đều tan biến hết.
Đầu tiên, cô mời em ngồi xuống ghế, đối diện với cô. Phòng của bác sĩ rất rộng rãi và sạch sẽ, nhìn đâu cũng thấy thuốc và những dụng cụ khám, chữa bệnh. Cô hỏi em tên gì, bao nhiêu tuổi. Cô còn cho em một viên kẹo thuốc trước khi bắt đầu khám. Sau đó, cô lấy ra một chiếc kẹp đo nhiệt độ, bảo em ngậm vào miệng. Trong khi đó, cô lấy ra một ống nghe, đầu bên này cho vào ngực em, đầu kia cô cho hai ống vào tai nghe. Làm mọi chuyện, mặt cô đều rất tươi tỉnh, cô luôn mỉm cười. Vi thế, em cũng rất thoải mái để cho cô khám bệnh.
Sau khi nghe xong, cô bảo em rằng bệnh của em chỉ là ốm thông thường. Cô ngồi một lát, lấy một đơn thuốc, ghi tên những loại thuốc cần uống vào tờ giấy. Người ta bảo chữ bác sĩ rất xấu, nhưng em thấy chữ của cô lại rất đẹp, em vẫn có thể nhìn thấy được. Viết xong, cô đứng dậy, dẫn em ra phía chỗ bố mẹ. Cô vuốt tóc em, khen em rất ngoan. Cô nói với bố mẹ em về bệnh ốm nhẹ của em, đưa đơn thuốc và dặn dò rất tỉ mỉ. Cô còn cho em một viên kẹo, rồi chào tạm biệt.
Trong khi đợi bố đi mua thuốc ở quầy, em cùng mẹ đứng đợi. Ở bên ngoài, em thấy cô đang khám cho các bạn khác. Cô vẫn rất niềm nở. Khi cô cười cũng thật đẹp. Một ngày khám bao nhiêu la nhiều bệnh nhân, vất vả và mệt như thế, sao cô vẫn có thể cười tươi được nhỉ? Cô cũng đo nhiệt độ và khám như thế cho các bạn khám. Quy trình làm việc lại làm lại, rất từ tốn và nhanh nhẹn. Các bạn đi vào mặt còn hơi lo lắng nhưng khi trở ra lại đầy niềm vui, vì mới được cô cho ăn kẹo nữa.
Những người bác sĩ như cô luôn vui vẻ, tươi cười, lại giúp được rất nhiều người nữa. Dẫu có vất vả thì họ cũng luôn thấy hạnh phúc và xứng đáng. Em rất ngưỡng mộ những con người luôn cống hiến hết mình như thế. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, mai sau có thể trở thành một người như cô bác sĩ vậy.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 2
Từ bé em chưa phải lần nào đi khám bác sĩ, nhưng nghe mọi người kể thì trong tâm trí em bác sĩ là người không tốt, hay quát nạt bệnh nhân, đòi bồi dưỡng trước khi chăm sóc bệnh nhân. Nhưng từ khi lên thăm ông nội tại bệnh viện, gặp bác sĩ Hải, suy nghĩ của em đã thay đổi về những người làm nghề bác sĩ.
Bác sĩ Hải năm nay chừng 50 tuổi, dáng người cân đối khỏe mạnh, mái tóc thường chải ngược về phía sau để lộ vầng trán rộng điểm vài cọng tóc bạc. Bác sĩ có ánh mắt hiền từ và nét mặt biểu lộ những nét tươi tỉnh. Cũng như các cán bộ y tế khác, bác sĩ Hải mặc một chiếc áo bờ lu trắng, đầu đội chiếc mũ trắng có dấu chữ thập đỏ.
Khi ông được đưa vào giường bệnh, người bác sĩ vào thăm hỏi bệnh tình của ông là bác sĩ Hải. Bác sĩ đã một mình đỡ nội nằm xuống giường bệnh. Rồi bác sĩ quay lại nói với cô y tá chuẩn bị dụng cụ đo huyết áp cho nội. Dặn dò xong, bác sĩ sang giường bên cạnh để tiếp tục thăm khám cho bệnh nhân khác. Vừa khám và luôn hỏi han, động viên bệnh nhân. Cử chỉ thật ôn tồn thân thiết. Có lúc, em thấy nếp nhăn trên trán bác sĩ co lại thành những hằn sâu, chạy dài sang hai thái dương. Em nghĩ bác sĩ đang cố tìm, cắt nghĩa những diễn tiến của bệnh tình để có phương pháp điều trị đúng thuốc, đúng bệnh nên mới ưu tư đến như vậy.
– Khi nào bác thấy nhức mỏi trở lại, bảo y tá báo cho tôi biết.
– Cô hôm nay có đỡ hơn không? Cô có ăn hết phần cơm không?
Cứ ân cần, cẩn thận như thế, bác sĩ đi hết giường bệnh này đến giường bệnh khác. Cả phòng ai cũng nhìn bác sĩ với ánh mắt tin yêu, trìu mến. Em còn nhớ lúc quay lại giường nội, bác sĩ còn hỏi han việc học hành của em và dặn dò em lưu ý, động viên, an ủi nội.
Em thấy rất vui mừng khi gặp được bác sĩ Hải, em nhận ra rằng không phải bác sĩ nào cũng không tận tình với bệnh nhân. Tấm lòng của bác sĩ Hải với bệnh nhân thật cao cả, là người hết lòng vì bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân như người thân của mình. Phẩm chất đáng quý đó của người bác sĩ đó đã thôi thúc em có mơ ước học thật giỏi để trở thành một bác sĩ có cả đức cả tài, giúp ích cho dân cho nước.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 3
Hôm nay vào bệnh viện em bắt gặp một khoảnh khắc rất ý nghĩa, đó là khi một bác sĩ vừa làm nhiệm vụ chăm sóc cho bệnh nhân lại vừa động viên, an ủi, vỗ về họ đầy ân cần.
Bác sĩ Hiếu là bác sĩ chuyên khoa phụ trách phòng bệnh số 5, trong đó có giường bệnh của bà em. Em gặp bác sĩ Hiếu trong một lần được bố mẹ đưa lên bệnh viện để thăm bà, ngay trong lần gặp đầu tiên em đã có ấn tượng sâu đậm. Bác sĩ hiếu có dáng người cao, khuôn mặt tròn, mái tóc ngắn xoăn xoăn ốp vào phần trán, bác còn đeo thêm một cặp kính khá dày. Bác sĩ Hiếu mặc trên người bộ quần áo bờ lu màu trắng, trên ngực áo của bác có biển tên ghi rõ họ tên và chức vụ của bác là “Trưởng Khoa Ngoại – Nguyễn Quang Hiếu”.
Bác sĩ Hiếu rất điềm đạm và ân cần, giọng nói bác nhỏ nhẹ, đối với các ông các bà đang nằm trong viện điều trị, bác xưng hô là con với mọi người rất tình cảm. Với những ông bà khó khăn trong việc nằm, ngồi, đi, đứng, bác ân cần dìu dắt giúp đỡ họ đi lại. Là bác sĩ nhưng bác lại quan tâm giống như người nhà của bệnh nhân, bác cũng thấy đau, thấy xót khi phải chọc mũi kim tiêm vào đôi bàn tay gầy gò ốm yếu nhăn nheo. Bà em nói với em rằng, cố gắng học giỏi sau này làm bác sĩ, phải là bác sĩ giỏi và có tâm như bác sĩ Hiếu ấy.
Em ghi nhớ lời bà và sẽ cố gắng nỗ lực để có thể làm được như lời bà nói, bởi đó cũng là ước mơ của em.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 4
Ba tôi là một y sĩ. Một y sĩ kỳ cựu, một người thầy thuốc hết lòng tận tụy vì bệnh nhân. Có những lần thức giấc giữa đêm, tôi nhận ra ánh đèn phòng ba tôi vẫn sáng. Nhẹ nhàng đẩy cánh cửa phòng, ba tôi vẫn không hề hay biết. Tôi chợt ngỡ ngàng, tôi không nhận ra ba tôi nữa mà thay vào đó tôi thấy một vị bác sĩ mái tóc hoa râm đang cặm cụi trên bàn làm việc. Hình ảnh ấy thật vĩ đại, thật to lớn làm sao.
Trong ánh đèn bàn sáng rực, người y sĩ ấy còn rực rỡ hơn nhiều. Tấm áo blouse trắng vẫn khoác trên vai từ lúc từ bệnh viện về đã được xắn lên quá khuỷu tay. Ba nói dạo này bệnh viện nhiều việc, hễ về đến nhà là lao ngay vào phòng làm việc, cặm cụi với những hồ sơ bệnh án, với những nghiên cứu y học. Đôi tay hý hoáy ghi chép vào sổ cá nhân đã chằng chịt những tên bệnh, những tên thuốc. Đôi mắt chăm chú nghiên cứu từng con chữ, chiếc kính hơi trễ xuống theo ánh nhìn. Những nếp nhăn hơi xô lại giữa hai đầu lông mày chứng tỏ sự tập trung cao độ. Thỉnh thoảng, ba hơi dừng lại, dường như để suy nghĩ điều gì đó, rồi quay về phía chiếc máy tính được bật sẵn, tìm kiếm một lời giải đáp. Trước mặt ba, trên bàn làm việc ngổn ngang những giấy tờ, ảnh, tranh minh họa, những hồ sơ của bệnh nhân. Đôi lúc, có vẻ như mọi sự cố gắng bị chặn đứng bởi những khó khăn, ba dừng lại, tháo chiếc kính trên mắt xuống, ôm đầu hoặc ngã ra sau dựa lưng vào chiếc ghế. Nhưng chút mệt mỏi không thể làm suy sụp người bác sĩ kì cựu ấy. Rất nhanh sau những giây phút đó, ba lại ngồi thẳng dậy, vuốt lại tay áo, tiếp tục công việc của mình. Màu áo trắng nghề thuốc là điểm tựa, những người bệnh đang hy vọng, chờ đợi là động lực giúp ba và rất nhiều những y bác sĩ như ba ngày đêm cố gắng, dốc hết sức mình cống hiến. Những trang tài liệu, những trang sách cứ lần lượt mở ra, chất đầy trên bàn làm việc.
Bỗng đôi mắt ba sáng lên, đứng bật dậy, nở nụ cười sung sướng. A, hẳn là ba đã giải đáp được vấn đề của mình. Niềm vui của ba khiến tôi cũng thấy hạnh phúc theo. Có lẽ, phát hiện này của ba sẽ giúp rất nhiều trong việc cứu giúp người bệnh. Tôi khép cửa phòng ba, quay trở về phòng mình, trong lòng lâng lâng vui vẻ đến lạ. Đây là lần đầu tiên tôi để ý một vị bác sĩ mẫu mực làm việc. Tôi thật mong sau này có thể được như ba, được trở thành một bác sĩ giúp đỡ mọi người, cống hiến cho cuộc đời.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 5
Bác sĩ là một trong những nghề cao quý nhất. Họ là những con người luôn tâm huyết với nghề, tận tụy chăm sóc bệnh nhân. Em đã cảm nhận rõ được điều đó khi gặp cô Bích- một bác sĩ về mắt trong buổi khám bệnh tuần trước.
Do xem ti vi và chơi điện tử nhiều mà mắt em ngày một kém đi, mẹ nói rằng sẽ cho em đi khám mắt vào cuối tuần. Em rất sợ hãi liệu bác sĩ có mắng mình không? Liệu khám mắt có đau không? Ngồi lên chiếc ghế vừa cao vừa rộng, đối mắt với chiếc đèn lớn trước mắt, em càng lo lắng và căng thẳng hơn. Đang thấp thỏm lo âu, thì bất chợt một người mặc áo blu trắng bước vào, em đoán chắc hẳn đây chính là bác sĩ của mình đây. Đó là một người phụ nữ còn khá trẻ, vóc người nhỏ nhắn, làn da trắng trẻo, mái tóc ngang vai mềm mại, cô nhìn em bằng ánh mắt dịu dàng như muốn trấn an em. Cô vừa điều chỉnh đèn vừa nhỏ giọng nói:”Đầu tiên cô sẽ kiểm tra mắt của cháu trước, không có gì phải sợ, cố giữ mắt tập trung nhé!”. Em nghiêm túc gật đầu, hít sâu một hơi, cảm giác bồn chồn trong lòng vơi đi phần nào, có lẽ là nhờ giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng của cô mà em thấy bình tĩnh hơn. Việc kiểm tra mắt trở nên nhẹ bẫng và không còn đáng sợ tí nào, xong khâu kiểm tra, cô xoa đầu và khẽ cười khen em dũng cảm. Khi cười lên, cô để lộ hàm răng trắng đều và hai đuôi mắt cong cong lên như vầng trăng chứa đầy trìu mến.
Em được chuyển sang đo độ của mắt, mỗi một lần không nhìn thấy chữ trên bảng thị lực, em sẽ phải đổi một mắt kính có số độ lớn hơn, mỗi lần như vậy trông cô vô cùng lo lắng. Trong suốt 10 phút, cô kiên nhẫn thực hiện đo mắt cho em, thậm chí còn nhắc nhở em hạn chế xem ti vi, chơi điện từ và ngồi học đúng tư thế. Lời nói của cô vừa ân cần lại vừa chu đáo, em có cảm giác người trước mắt như một người mẹ thứ hai của mình, quan tâm con từng li từng tí. Tìm được đúng số độ của mắt rồi, em được đưa đến quầy để chọn gọng kính. Cô không ngần ngại đưa em thử vô số loại gọng khác nhau và còn cẩn thận tư vấn loại hợp với khuôn mặt của em. Đến lúc phải ra về, cô đã giúp gọi điện thoại cho mẹ em tới đón, trong khi chờ mẹ tới, em và cô trò chuyện về đủ loại chủ đề nào là bộ phim hoạt hình sắp chiếu, đồ ăn ngon… để em bớt nhớ mẹ.
Sau buổi chiều hôm đó, em nhận ra cô không chỉ là một bác sĩ giỏi mà còn là một người tâm lý và tận tâm với nghề nghiệp. Em thật mong muốn sau này có thể trở thành người như cô.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 6
Hôm ấy, em bị sốt, mẹ phải đưa em vào bệnh viện để khám bệnh. Em có dịp biết cô Mai, một bác sĩ giỏi khoa nhi trong thành phố của em.
Cô khoác trên mình bộ trang phục màu trắng tinh. Chiếc áo bờ lu màu trắng, quần trắng, dép màu sữa, đôi gang tay cũng màu trắng, Duy nhất chỉ có cái phù hiệu ở cổ là màu xanh đậm. Phù hiệu ghi dòng chữ bác sĩ Nguyễn Thanh Mai. Từ người cô toát lên một vẻ đẹp giản dị, đẹp tựa một nhành hoa Huệ trắng tinh khiết và thanh cao. Người cô mảnh cao, nhìn trông thật duyên dáng, dáng đi nhanh nhẹn, vẻ mặt hiền hòa. Đáng chú trên khuôn mặt là cặp mắt của cô, đôi mắt đẹp lạ thường, đen lay láy nhưng đầy vẻ ưu tư, lo lắng tựa như đôi mắt của cô giáo em vậy. Có lẽ như thế nên vừa gặp cô em có nảy sinh cảm tình luôn mải ngắm nhìn cô, nhìn từ dáng đi, dáng đứng, phong cách làm việc..
Cô nhẹ nhàng đến bên người bệnh, thăm hỏi ân cần việc ăn, ngủ của người bệnh, cô kiểm tra từ từ ấn nhẹ vào vùng bụng tai nghe ống kính để theo dõi sức khỏe người bệnh. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, trắng trẻo ấy làm việc thoăn thoắt. Cô lấy dụng cụ đo huyết áp đặt ngay ngắn xuống giường người bệnh, bàn tay cô nhẹ nhàng xắn tay áo người bệnh lên, đặt ống nghe và cuốn cuộn vải dày vào tay họ. Hai ngón tay bóp đều vào ống cao su, kim đồng hồ nhích dần, nhích dần, cuối cùng cô ghi kết quả kiểm tra lên bệnh án. Cứ như thế cô mải mê làm việc. Rồi cô lại lấy ống nghe đeo trên cổ ra để kiểm tra nhịp tim, phổi của từng người. Thỉnh thoảng, cô lại dùng đồng hồ nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể của từng bệnh nhân. Sau cùng cô phát thuốc, và động viên vỗ về người bệnh như muốn san sẻ bớt nỗi đau của họ. Cô vui khi được người bệnh vui, cô buồn trước cái buồn của người bệnh, cô xem từng bệnh nhân như ân nhân của cô vậy, đúng là “lương y như từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền“.
Hình ảnh cô bác sĩ đã in sâu trong tâm hồn em. Em nghĩ mình phải cố gắng học tập để sau này làm được như cô, làm được việc cao quý trong những nghề cao quý ấy.
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 7
Bệnh viện là nơi em ghét tới nhất! Thế nhưng sau khi nhìn thấy cảnh bác sĩ chăm sóc bệnh nhân em đã thay đổi suy nghĩ đó và có một cái nhìn khách quan hơn về bệnh viện.
Vì chủ quan mà em đã bị cảm lạnh. Em được bố mẹ đưa tới bệnh viện gấp vì bệnh tình của em khá nghiêm trọng. Phòng em nằm có tới tám bệnh nhân, phần lớn đều các bạn trạc tuổi em. Nhưng ba mẹ em rất yên tâm khi biết em sẽ được bác sĩ Mạnh Hùng điều trị.
Bác sĩ Mạnh Hùng nổi tiếng là chữa bệnh rất giỏi. Năm nay, bác sĩ đã ngoài năm mươi tuổi, dáng người to lớn nhưng tác phong làm việc rất nhanh nhẹn. Mái tóc của bác đã điểm bạc, đôi mắt bác lấp lánh sau tròng kính trắng. Bộ áo khoác dài màu trắng tuy đã cũ nhưng rất sạch sẽ. Bàn tay của bác tuy to nhưng lại rất mềm và mát. Mỗi lần nghe giọng bác nói chuyện với bệnh nhân, em cảm tưởng như giọng nói của một người cha vừa dịu dàng, vừa ấm áp.
Bác luôn đến từng giường khám và theo dõi sức khỏe cho từng bệnh nhân. Bác đặt tay lên trán em, để một lúc rồi ân cần nói: “Hôm nay, cháu đỡ sốt nhiều rồi đấy. Chịu khó uống thuốc cho mau khỏi. Vài hôm nữa cháu có thể xuất viện, trở lại đi học nhanh thôi. Đừng lo lắng gì cháu nhé!”. Rồi bác quay sang giường kế bên hỏi bạn Long bị sốt xuất huyết: “Tối qua cháu ngủ có ngon không? Có còn đắng miệng nữa không?”. Bác lật áo Long lên, áp ống nghe vào tai, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ. Rồi bác ấn nhẹ tay lên vùng bụng, bắt mạch cho Long… Một hồi sau, thấy gương mặt bác vui vẻ hẳn lên. Bác bảo Long: “Cháu uống nhiều nước cam vào, chỉ độ vài ngày nữa là khỏi thôi.
Cứ thế, bác sĩ Mạnh Hùng ân cần, tận tụy với tất cả mọi người, bệnh nhân hết thảy đều tin tưởng vào bác sĩ. Ai cũng nói bác sĩ xứng đáng với danh hiệu thầy thuốc như mẹ hiền.
Em cảm thấy bác sĩ Hùng thật là tốt bụng! Nhờ có bác tận tình chăm sóc mà em mới mau chóng hồi phục. Em thấy quý mến bác ấy rất nhiều!
Tả bác sĩ đang khám bệnh – Mẫu 8
Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam làm em nhớ đến một người thầy thuốc: bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, người đã trực tiếp chăm lo, săn sóc bệnh cho Nội của em hồi Nội nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Bác sĩ Xuân có dáng người thanh tú. Khuôn mặt hình trái xoan, mái tóc đen nhánh luôn buông xõa xuống bờ vai. Đôi mắt tròn và vẻ mặt luôn tươi tỉnh. Cũng như các cần bộ y tế khác, bác sĩ Xuân mặc một chiếc áo khoác trắng dài đến. đầu gối và đội chiếc mũ trắng, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát.
Ngay buổi đầu tiên Nội em nhập viện, bác sĩ đã ân cần thăm hỏi bệnh tình của Nội, đỡ Nội nằm xuống, cẩn thận sửa lại nệm, gối, lấy chiếc mền đắp lên người Nội như một người con chăm sóc cha, rồi bác sĩ quay lại nói với người y tá của mình, chuẩn bị dụng cụ để đo nhiệt độ cho Nội. Bác sĩ dặn đi dặn lại: “Cụ giữ ống nhiệt kế cho chặt, mười lăm phút sau cháu xin lại”. Chăm sóc Nội em xong, bác sĩ đi sang giường bệnh khác để thăm bệnh cho một bác đã lớn tuổi. Trong khi làm, nhìn gương mặt bác sĩ thật hiền từ, nhân ái. Xong việc bác sĩ ân cần nói với bệnh nhân: “Khi nào cô thấy đau trở lại, nhớ gọi y tá báo cho tôi biết”. Cứ ân cần cẩn thận như thế, bác sĩ đi hết giường nọ đến giường kia. Cả phòng có tám giường thì cả tám bệnh nhân đều được bác sĩ thăm hỏi. Tất cả bệnh nhân đều nhìn bác sĩ với một sự tin yêu, trìu mến. Em nhớ có lúc quay lại giường Nội, bác sĩ còn hỏi han việc học hành của em và dặn dò em lưu ý động viên, an ủi Nội. Lúc bác sĩ nói, em nghe giọng nói thật ấm áp và đầy sự thông cảm sẻ chia.
Khi khỏi bệnh, Nội trở về nhà, gia đình em chia tay với bác sĩ. Cả em và Nội đều lưu luyến. Hôm nay nhớ lại em càng cảm phục sự tận tình chu đáo của bác sĩ Xuân. Em muốn mình sau này lớn lên cũng sẽ trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người, làm những điều thiện giúp đời.
Tả bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân
Năm học lớp 3, em từng phải nhập viện một lần vì bị ngộ độc thực phẩm. Khi ấy em rất mệt và sợ hãi, thế nhưng trước sự chăm sóc ân cần, tận tâm của các bác sĩ, em đã nhanh chóng hồi phục và khỏe lại. Hình ảnh người bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân mà em bắt gặp khi ở bệnh viện cũng là kỉ niệm đáng nhớ em không bao giờ quên.
Sau vài ngày tiêm em đã ổn và trở lại bình thường, chỉ cần nằm viện theo dõi tình hình và sắp được về nhà. Thời gian này em khỏe mạnh, ở viện chán quá nên em thường quan sát mọi người, quan sát công việc của các y bác sĩ. Em ấn tượng với bác sĩ Tâm, đó là một cô bác sĩ trẻ, tuổi chỉ ngoài 30, mọi người cùng phòng với em nói cô Tâm là bác sĩ giỏi từng đi du học ở nước ngoài về, trẻ như vậy đã được làm trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện huyện. Cô Tâm có dáng người cao, thanh thoát, khuôn mặt khả ái dễ nhìn, mái tóc đen dài thường búi cao và chùm chiếc mũ ni lông màu xanh.
Ở bác sĩ Tâm toát lên sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự cần mẫn, yêu nghề và tinh thần học hỏi. Là bác sĩ nhưng cô Tâm vẫn thường xuyên làm những công việc nhỏ nhặt giúp đỡ bệnh nhân như nhắc bệnh nhân uống thuốc, dìu bệnh nhân đi lại, lấy xe lăn giúp bệnh nhân. Cô Tâm là người em bắt gặp thường xuyên nhất, mọi người trong bệnh viện nói cô là người yêu công việc nên cũng chưa lập gia đình, không có gì vướng bận nên có thể làm việc ở viện cả tuần, cô đã xem bệnh viện là ngôi nhà thứ hai của mình. Ban đầu em thấy cô Tâm có vẻ trầm tính, ít nói, nhưng càng tiếp xúc và trò chuyện nhiều em thấy cô rất yêu thích trẻ nhỏ, cô hay trêu và nhắc nhở em học tập.
Em hy vọng dù ở nơi đâu, ở bệnh viện nào cũng có những bác sĩ yêu nghề, yêu quý bệnh nhân và tận tâm với công việc như bác sĩ Tâm.
Đoạn văn tả bác sĩ đang khám bệnh
Người mà em rất quý rất trọng và cũng rất gần gũi, đó là cô Lê Thị Thanh Xuân bác sĩ răng hàm mặt của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Bác sĩ Xuân là bạn thân của mẹ em từ hồi học phổ thông trung học cho đến giờ. Hai người làm hai nghề khác nhau. Mẹ em vào sư phạm, ra trường về nhận nhiệm sở ở trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh, còn cô đi vào ngành y rồi về công tác ở tỉnh nhà. Hàm răng em đều và đẹp cũng nhờ cô Xuân chăm sóc thường xuyên. Cô là một người tận tụy trong công việc và rất thương bệnh nhân. Những khách hàng đến trồng răng làm hàm, nhổ, trám… cô đều khám rất kỹ càng và luôn tỏ thái độ nhã nhặn, lịch sự với khách. Cô cũng đã từng đi tu nghiệp ở Nhật, nên tay nghề cô rất cao, tạo được uy tín với khách hàng. Mọi người thường tìm đến cô để khám và chữa bệnh răng.
Tả cô y tá
Mới đây, theo mẹ vào thăm dì Tư đang nằm bệnh viện, em mới có dịp biết cô Tuyên, nữ y tá của bệnh viện Thị Xã.
Trang phục của cô toàn màu trắng. Chiếc áo blue dài tới đầu gối màu trắng quần trắng, nón trắng, đôi găng tay cũng màu trắng. Chỉ có hình chữ thập và dòng chữ thêu tên cô trên ngực là màu đỏ. Từ người cô toát lên vẻ đẹp như một nhành hoa huệ trắng muốt, sạch sẽ và thanh cao, gương mặt cô trắng trẻo, đầy đặn trông rất phúc hậu. Đôi mắt cô đen láy, hiền hoà, thâm trầm giống như cô giáo em ở trường, nên nhìn cô em đem lòng kính trọng ngay.
Đến bên dì Tư, cô Tuyên ân cần hỏi thăm bệnh tình, sức khoẻ. Dì Tư em báo:
– Thưa cô, đêm qua tôi ngủ được đôi chút, nhưng ăn chưa biết ngon lắm.
Cô dùng tay nhè nhẹ ấn vào các vùng trên bụng dì Tư để dò tìm bệnh trạng. Từ trong túi xách tay, cô lấy ra một vật giống như cuộn vải dày, gắn liền với chiếc đồng hồ. Mẹ em bảo đó là dụng cụ đo huyết áp. Dì Tư xoắn tay áo lên để cô quấn cuộn vải đó vào cánh tay. Em theo dõi mỗi lần có bóp núm cao su thì kim đồng hồ nhích dần, nhích dần lên. Cuối cùng, cô ghi kết quả vào sổ bệnh án.
Trên cái mâm bằng i-nốc sáng loáng, em thấy có mấy bao ni lông, trong đó để sẵn ống chích và một cây kim. Cô cẩn thận dùng kéo cắt bao ni lông, tra kim vào ống, rồi từ từ rút thuốc vào. Mọi việc cô làm hết sức gọn gàng, thành thạo. Vừa chích thuốc, cô vừa tươi cười nói với dì Tư:
– Chị ráng chịu đau một chút. Vài hôm nữa là khỏi.
Sau khi cô y tá đi sang phòng bên cạnh, dì Tư nói với mẹ em:
– Mỗi lần cô ấy đến, bệnh tôi hình như thuyên giảm thấy rõ.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Tập làm văn lớp 5: Tả bác sĩ đang khám bệnh Dàn ý & 11 bài tả một người lao động đang làm việc tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.