Bạn đang xem bài viết Tổng hợp thông tin về các loài heo đặc trưng tại Việt Nam tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Việt Nam vẫn thường được xem là quốc gia có sự đa dạng sinh học hàng đầu. Trong đó có đến hàng chục giống lợn quý phân bổ ở mọi miền đất nước. Dưới đây Thcslytutrongst.edu.vn sẽ điểm qua thông tin của 12 giống heo (lợn) đặc trưng nhất.
Lợn Móng Cái
Lợn Móng Cái có nguồn gốc ở Thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Loài lợn này phân bố ở nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên và chiếm số lượng lớn nhất trong các giống lợn bản địa.
Lợn Móng Cái được chia làm 2 dòng: Xương to và xương nhỏ. Lợn Móng Cái có đầu đen, giữa trán có đốm trắng hình tam giác hoặc hình thoi, mõm trắng. Lưng, mông, cổ đều có màu đen và có hình dáng giống với hình yên ngựa, các phần còn lại trắng.
Khả năng sinh sản của lợn Móng Cái được đánh giá là khá cao, từ 10 -16 con/lứa.
Lợn Ỉ
Lợn ỉ là một giống lợn địa phương có nguồn gốc ở tỉnh Nam Định và được nuôi chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, vì mang đến hiệu quả kinh tế không cao, lợn ỉ đang có nguy cơ tuyệt chủng nên đang được tiến hành nuôi để lưu giữ giống thuần chủng.
Lợn ỉ có đầu hơi to, khi béo trán dô ra, mặt có nhiều nếp nhăn, nọng cổ và má xệ xuống khi đạt khoảng 5 – 6 tháng tuổi. Mắt híp, mõm to bè và ngắn, môi dưới thường dài hơn môi trên.
Chúng có vai nở, ngực sâu, thân mình ngắn, lưng võng, khi béo thì trông ít võng hơn, bụng to và xệ xuống khá sâu, mông nở từ lúc 2-3 tháng, phía sau mông hơi cúp, chân thấp và khá yếu.
Giống lợn này có khả năng phối giống khi được 4 -5 tháng tuổi. Mỗi năm đẻ 2 lứa, 8 – 11 con/lứa, đôi khi có thể đạt đến 16 con/lứa.
Lợn Mán
Lợn mán hay còn có những tên gọi khác như lợn mọi, heo mọi, heo đen có nguồn gốc ở tỉnh Hoà Bình. Chúng thường được nuôi tập trung ở một số huyện như: Kim Bôi, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Lợn Mán có tầm vóc khá nhỏ, mặt nhỏ, mõm dài, thân hình nhỏ nhưng chắc, tai nhỏ, dựng đứng hoặc hơi cụp, lưng thẳng hoặc hơi võng.
Chúng có bộ lông dài và cứng. Về màu sắc của lông: 64% lông da đen tuyền và 36% lông da đen nhưng có đốm trắng ở các vùng như: trán, chóp đuôi, bàn chân.
Lợn mán có thể đẻ 1.3 lứa/năm, số con sơ sinh sống khoảng 5 – 6 con/lứa.
Lợn Sóc
Lợn sóc hay còn được gọi là lợn sóc Tây Nguyên, heo Êđê là giống lợn của đồng bào các dân tộc sống ở vùng Tây Nguyên như: Êđê, Gia Rai, Bana. Được nuôi chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Lợn sóc có vóc dáng nhỏ con, mõm dài, nhọn. Da dày, mốc, có bộ lông đen, dài, có bờm dài và dựng đứng. Chân của lợn sóc nhỏ, đi bằng móng nhưng lại rất nhanh nhẹn.
Lợn sóc có thể bắt đầu phối giống lúc được 9–12 tháng tuổi. Một năm đẻ 1-2 lứa, và mỗi lứa có khoảng 6-10 con.
Lợn Cỏ
Lợn cỏ có nguồn gốc ở miền Trung Việt Nam, được phân bổ ở các vùng chạy dọc theo dãy Trường Sơn của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.
Chúng có màu lông đen hoặc xen lẫn đồng thời hai màu trắng đen, dài và dày. Hình dáng mõm dài, xương nhỏ, chân yếu và đi bằng bàn chân, bụng xệ, da khá mỏng.
Mỗi năm lợn cỏ có thể đẻ 1,2 – 1,5 lứa, mỗi lứa có khoảng 5 – 6 con.
Lợn Đen Lũng Pù
Lợn đen Lũng Pù là một giống lợn đặc trưng có nguồn gốc và được nuôi ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Chúng có màu lông và da đen, có điểm đốm trắng ở vùng trán, 4 chân và chóp đuôi. Lông dày và ngắn, da thô, tai nhỏ hơi cụp xuống, mõm dài trung bình. Lưng không bị võng và bụng không xệ như giống lợn Móng Cái.
Điểm đặc biệt nhất về ngoại hình của lợn đen Lũng Pù đó là chòm lông trắng ở trán dài tạo thành một xoáy ngược lên đỉnh đầu.
Lợn Đen Lũng Pù có khả năng đẻ 1.5 – 1.6 lứa đẻ/năm; số lợn con là khoảng 8 – 10 con/lứa.
Lợn Vân Pa
Lợn Vân Pa là giống lợn địa phương lâu đời của dân tộc Vân Kiều Pa Cô, được nuôi chủ yếu ở 2 huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông thuộc tỉnh Quảng Trị.
Hình dáng chúng giống như con chuột. Màu lông da đen bạc, thỉnh thoảng có phớt một ít màu vàng hung. Lưng thẳng, thân hình gọn, đầu và cổ to, mõm nhọn, tai nhỏ. Khối lượng khi trưởng thành rơi vào khoảng 35-40kg.
Lợn Vân Pa có khả năng sinh sản khá kém. Chúng có thể phối giống lần đầu khi được 7-8 tháng tuổi và chỉ đẻ 1,5 lứa/năm.
Lợn Khùa
Lợn Khùa là giống lợn có nguồn gốc ở tỉnh Quảng Bình và được phân bổ chủ yếu dọc theo dãy Trường Sơn, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Lợn Khùa có thể có màu lông đen tuyền toàn thân, có màu da đen với các điểm trắng ở 4 chân hoặc có lông da đen và loang trắng trên thân. Mõm lợn khùa được đánh giá là khá dài và khỏe, tai dựng, lưng khá thẳng và bụng không bị chảy xệ.
Lợn khùa có khả năng sinh sản khá thấp. Với mỗi lần sinh, số con chỉ đạt khoảng 5 – 7 con/lứa.
Lợn Mường Khương
Lợn Mường Khương là giống lợn địa phương có nguồn gốc tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, chúng còn được nuôi chủ yếu ở vùng trung du Bắc Bộ.
Lợn Mường Khương có màu lông da đen tuyền hoặc đen nhưng có đốm trắng ở đầu đuôi và ở chân, lông khá thưa và mềm. Đa số lợn đều có dáng mõm dài thẳng hoặc hơi cong, trán có nếp nhăn, tai to và hơi cúp rũ về phía trước.
Lợn Mường Khương khả năng sinh sản khi được 5 – 7 tháng tuổi, lợn đẻ 1,2 – 1,3 lứa/năm. Số lợn con khoảng 5 – 6 con/lứa.
Lợn Mẹo
Lợn mẹo hay lợn mèo là giống lợn địa phương đặc trưng của dân tộc H’Mông sống tại các vùng núi cao của dãy Trường Sơn. Chúng được nuôi chủ yếu bởi người H’Mông ở Kỳ Sơn và Quỳ Châu thuộc tỉnh Nghệ An.
Lợn mẹo có thân mình khá lớn, phát triển cân đối. Lông lợn mẹo thường có màu đen hoặc xám, da dày, lông dài và cứng. Đầu to, mặt hơi gãy, trán dô và thường có khoáy ở giữa trán, mõm hơi dài, tai lớn vừa phải và hơi hướng về phía trước.
Vai rộng, lưng dài rộng, thẳng hoặc hơi cong vòng lên. Phần hông rộng và phẳng, mông rộng và độ cao của mông thường cao hơn phần vai. Bụng lợn to, dài nhưng không bị chảy xệ xuống. Chân lợn cao, thẳng, vòng ống thô, đi đứng thường dồn trọng lực trên hai ngón trước.
Chúng có khả năng sinh sản khi được 4 – 5 tháng. Số con đẻ ra chỉ khoảng 4 – 6 con/lứa.
Lợn Táp Ná
Có nguồn gốc ở huyện Thông Nôn, tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, giống lợn Táp Ná còn được nuôi tại một số huyện lân cận trong tỉnh như Bảo Lạc, Hoà An, Bảo Lâm và một số tỉnh tiếp giáp.
Lợn Táp Ná có màu sắc rất đặc trưng: lông và da đều đen, ngoài ra còn có thêm 6 điểm trắng: một điểm nằm ở giữa trán, 4 điểm ở cẳng chân và 1 điểm chóp đuôi.
Đặc biệt bụng của lợn Táp Ná có màu đen tuyền và không có dải yên ngựa màu trắng bắt qua vai như giống lợn Móng Cái. Mặt khá thẳng, đầu to vừa phải, tai hơi rủ xuống, bụng to nhưng không bị võng và chảy xệ, chân to, cao và rắn chắc.
Lợn Táp Ná có khả năng sinh sản khá thấp, nếu được nuôi ở môi trường tốt thì có thể đạt 2 lứa/năm. Số lợn con mỗi lứa đạt khoảng 7 – 8 con.
Lợn rừng
Lợn rừng hay heo rừng xuất hiện hầu hết ở khắp các tỉnh miền núi và trung du ở Việt Nam.
Lợn rừng thường có màu lông không đồng nhất trên cơ thể, nó được phân chia theo từng vùng khác nhau trên thân mình và thay đổi theo tháng tuổi, điểm đặc biệt là màu lông của lợn rừng ở giai đoạn nhỏ khác hoàn toàn với giai đoạn trưởng thành.
Giai đoạn nhỏ: Toàn thân chúng có nhiều màu vàng thâm, đen, bạc, hung như màu lá rụng.
Giai đoạn trưởng thành: Có lông hai bên má màu bạc, vùng bụng màu trắng đục, còn lại toàn thân màu nâu hung hoặc đen hung. Lông dựng đứng, chỉa ra và cứng.
Lợn rừng có thân mình săn chắc, thấp, 4 chân ngắn và tương đối mỏng, bụng gọn. Đầu của chúng dài, dáng mõm dài, thon, gọn. Có tai nhỏ, mỏng, dựng đứng và hướng về phía trước, có phần răng nanh phát triển.
Thcslytutrongst.edu.vn mong rằng với những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu hơn về các loài lợn đặc trưng tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin hữu ích với bạn.
Thcslytutrongst.edu.vn
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Tổng hợp thông tin về các loài heo đặc trưng tại Việt Nam tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.