Bạn đang xem bài viết Từ học sinh “đội sổ” đến hành trình khoác áo blouse của chàng thạc sĩ – bác sĩ trẻ: “Mệt thì nghỉ rồi đi tiếp, chứ đừng bỏ cuộc” tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Anh Trần Quốc Cường là một trong những thạc sĩ – bác sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam nhưng đã có những thành tựu đáng kể trong ngành. Ít ai biết rằng, anh từng là một học sinh “đội sổ”, sợ máu và sợ… ma, nhưng vẫn nỗ lực theo học trường Y và làm đủ mọi công việc trái ngành để xoay sở học phí.
Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Quốc Cường để lắng nghe những câu chuyện xúc động của anh trong hành trình khoác chiếc áo blouse trắng.
Ths. Bác sĩ Trần Quốc Cường
– Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng – Phẫu Thuật Đầu Cổ và Phẫu Thuật Tạo Hình – Thẩm Mỹ tại Bệnh viện Đa Khoa Hạnh Phúc và Bệnh viện Thẩm Mỹ Ngọc Phú.
– Thạc sĩ – Bác sĩ trẻ tuổi nhất Việt Nam với số điểm bảo vệ luận văn cao nhất chuyên ngành.
– Đạt giải nhất cuộc thi báo cáo khoa học do trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức năm 2022.
– Hai lần làm báo cáo viên trong hai hội nghị Tai Mũi Họng lớn nhất nhì Việt Nam. Có nhiều bài báo khoa học được đăng trong tạp chí Y Học Việt Nam.
– Nhận được học bổng 100% chuyên ngành Phẫu Thuật Tạo Hình Mũi du học 100% tại Bệnh viện ASAN Medical Center (Seoul, Hàn Quốc)
Xin chào Ths. bác sĩ Trần Quốc Cường, anh có thể chia sẻ cơ duyên nào khiến anh chọn và gắn bó với nghề Y không?
Tôi không biết đây là sự lựa chọn hay là cái duyên, cái nghiệp. Xuyên suốt 12 năm đến trường, tôi chưa từng nghĩ rằng mình sẽ trở thành bác sĩ. Cho đến khi còn vài tháng trước kỳ thi Đại học, tôi đặt bút đăng ký ngành “Y Đa Khoa” chỉ vì xem được bộ phim kể về chàng Bác sĩ thiên tài, bỏ xứ ra đi để làm bác sĩ ở một nơi xa, và làm đủ nghề để kiếm tiền. Tôi ngưỡng mộ sự tài năng, đức hy sinh, cống hiến và tấm lòng nhân hậu của vị bác sĩ ấy. Nó như một phần con người của mình và là lý tưởng mà mình đang hướng đến, vậy nên tôi chọn nghề Y.
“12 năm đến trường chưa từng nghĩ đến việc trở thành bác sĩ” – Vì rào cản nào chăng?
Vì tôi… học dốt và sợ máu (Cười).
Thật vậy, hồi nhỏ tôi ham chơi lắm. Tôi tốt nghiệp tiểu học với xếp loại Trung bình và đó gần như là một sự xấu hổ của gia đình, dòng họ. Lên cấp 2, theo học một ngôi trường làng, tôi vẫn là thằng bé ham chơi hơn ham học, mặc cho bạn bè cười chê.
Nhưng có một lần, người thầy dạy Toán gọi tôi vào và nói “Cường, thật sự em thông minh lắm, chỉ vì em ham chơi quá mà thôi”. Tôi chưa từng nhận được một lời khen nào từ thầy cô và bè bạn nên câu nói ấy khiến tôi thức tỉnh. Tôi lại nhớ đến những lời động viên trước đây của mẹ, rằng “Dù ai nói con như thế nào, mẹ vẫn luôn tin tưởng rằng con sẽ thành công”.
Mẹ và thầy đã tiếp cho tôi nguồn động lực để thay đổi chính mình. Tôi bắt đầu lao vào học. Từ một học sinh “đội sổ”, tôi đạt Giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, và thi đậu vào lớp chuyên Toán trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang). Và từ đó, tôi nối tiếp các thành tích ở cấp 3: Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán, học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh và đậu vào trường Y.
Câu chuyện này rút ra rằng, để thay đổi một con người đôi khi chỉ cần chúng ta có lòng tin và cho họ một cơ hội. Tôi đã được “tạm ứng lòng tin” như vậy và nắm bắt cơ hội của mình. Chìa khóa của sự thành công đơn giản chỉ cần chúng ta đừng bao giờ giới hạn khả năng của bản thân.
Trên hành trình trở thành một bác sĩ, anh đã từng gặp những khó khăn thử thách nào khiến anh muốn… đổi nghề hay không?
Năm thứ 2 Đại học, tôi bắt đầu đi thực tập ở bệnh viện. Lúc đó tầm 11 giờ tối tại Khoa cấp cứu, tôi và ekip trực được phân công cấp cứu cho một bệnh nhân ngưng tim ngưng thở. Sau tất cả sự cố gắng đến kiệt sức của tôi cùng đồng đội, bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Lần đầu nhìn người bệnh nhắm mắt ra đi trước mặt mình, tôi thấy thất vọng và muốn bỏ học.
Nhưng rồi tôi tự nói với bản thân rằng chỉ cần cố gắng hết sức để không hối hận cho kết quả. Rồi tôi tiếp tục việc học và học, trau dồi thêm nhiều kiến thức để vững tay nghề mỗi ngày.
Anh từng chia sẻ rằng để có tiền đi học Y, anh phải làm việc đến kiệt sức. Đó cụ thể là những công việc nào, khoảng thời gian khó khăn đó anh đã đương đầu ra sao để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình?
Tôi tự lập rất sớm. Ngay từ lúc còn là sinh viên, tôi đã tập tành mua bán, kinh doanh online. Đến lúc ra trường, tôi dùng số tiền dành dụm để mở một cửa hàng thời trang y tế và may mắn công việc khá thuận lợi. Cuối năm đó, tôi cùng thành viên của xưởng thành lập công ty may, và có được những hợp đồng lớn hơn tại các bệnh viện, phòng khám.
Để trang trải tiền học, phí sinh hoạt và nâng cao chuyên môn, tôi không ngại nhận làm thêm dù lịch học rất dày đặc. Thời đi học Thạc sĩ, tôi kiếm tiền bằng cách cộng tác tại các phòng khám Tai Mũi Họng, bệnh viện Thẩm Mỹ, nhận làm đề tài nghiên cứu khoa học, nhận trực thêm…
Tôi từng tham gia chống dịch tại các phường, quận và bệnh viện dã chiến nên đã quá quen với áp lực công việc. Tuy có vất vả hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng tôi luôn cảm thấy khi mình còn trẻ, cứ va chạm với khó khăn và vượt qua thì thành công mới có ý nghĩa.
Nghề Y đã mang lại cho anh những gì và lấy đi của anh những gì?
Nếu mà nói ngành Y đã lấy đi của tôi những gì, có lẽ là thời gian bên gia đình. Từ ngày tôi đi học Y và đi làm, tôi rất ít khi về thăm ba mẹ. Tôi sẽ cố gắng nhiều hơn trong tương lai, sắp xếp được nhiều thời gian hơn để dành cho người thân và gia đình. Ngược lại, ngành Y mang đến cho tôi rất nhiều: mối quan hệ, cơ hội, sự trưởng thành, lòng thương người, sự kính trọng và sự cảm thông của người bệnh.
Câu chuyện của bệnh nhân nào khiến anh xúc động và nhớ mãi đến bây giờ?
Tôi nhớ có một lần trong đêm trực, có một bệnh nhân tại khoa Tai Mũi Họng bị suy hô hấp. Lúc đó, trên khoa của tôi không có đầy đủ thuốc và cơ sở vật chất để cấp cứu bệnh này. Trong lúc nguy kịch, tôi đã ẵm người bệnh chạy đến khoa Cấp Cứu và giúp cô ấy vượt qua cửa tử.
Trước khi xuất viện, cô bệnh nhân ấy có lời mời tôi đi ăn và hỏi tôi “Làm sao bác có thể ẵm một người nặng hơn 60kg và chạy lên 2 tầng lầu hay vậy?”. Tôi không biết nữa. Thời điểm ấy tôi cũng chỉ nặng tầm 60kg. Thật ra chỉ đến khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, chúng ta mới biết được khả năng của con người là vô hạn.
Anh có nghĩ rằng áp lực công việc, quỹ thời gian dành cho bản thân và gia đình là điều khiến nhiều bạn sinh viên không còn muốn chọn ngành Y? Anh có điều gì muốn nhắn nhủ với các bạn không?
Các bạn theo học ngành Y thường sẽ có lịch học, lịch trực và áp lực công việc nhiều hơn, quỹ thời gian dành cho bản thân và gia đình lại hạn hẹp hơn so với nhiều ngành nghề khác, nhất là các bạn nữ. Có thể, trong đầu các bạn thỉnh thoảng lóe lên ý nghĩa “Hay là mình từ bỏ”. Nhưng hãy tin tôi đi. Đến lúc bạn tự tay cứu sống một bệnh nhân đầu tiên và nhận được lời cảm ơn, bạn sẽ thấy yêu cái nghề này vô cùng.
Dù có vất cả, đôi lúc bạn còn bị tổn thương vì những cống hiến, hy sinh không được thấu hiểu. Nhưng hãy nhớ rằng: “Không có áp lực, không có kim cương”. Mệt thì nghỉ, rồi đi tiếp, chứ đừng bỏ cuộc!
Định hướng tiếp theo của anh là gì?
Sau chuyến du học tại Hàn Quốc, tôi dự định sẽ xin thêm nhiều học bổng ở các nước khác. Tôi mong muốn được tiếp tục trau dồi, học hỏi những tiến bộ của Y học ở các nước phát triển để về phục vụ cho người dân Việt Nam.
Cảm ơn Ths. Bác sĩ Trần Quốc Cường về những chia sẻ này. Chúc anh luôn thành công trên con đường y khoa của mình.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Từ học sinh “đội sổ” đến hành trình khoác áo blouse của chàng thạc sĩ – bác sĩ trẻ: “Mệt thì nghỉ rồi đi tiếp, chứ đừng bỏ cuộc” tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.
Nguồn: https://cafebiz.vn/tu-hoc-sinh-doi-so-den-hanh-trinh-khoac-ao-blouse-cua-chang-thac-si-bac-si-tre-met-thi-nghi-roi-di-tiep-chu-dung-bo-cuoc-176230605151404156.chn