Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu (Dàn ý + 2 Mẫu) Thơ duyên của Xuân Diệu tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Phân tích Thơ duyên của Xuân Diệu mang đến dàn ý và 2 bài văn mẫu siêu hay được đánh giá cao nhất. Thông qua 2 bài văn mẫu này các bạn lớp 10 có thêm nhiều gợi ý tham khảo, củng cố kỹ năng viết văn ngày một hay hơn.
Phân tích Thơ duyên người đọc sẽ cảm nhận được sự tinh tế của thi sĩ trong việc tái hiện sự trôi chảy của thời gian và hồn thu, tình thu cũng được khắc họa rõ nét. Thơ duyên là khúc hát say mê, nhạy cảm với cuộc đời. Vậy dưới đây là dàn ý và 2 bài văn mẫu phân tích Thơ duyên hay nhất, mời các bạn cùng đón đọc nhé. Ngoài ra các bạn xem thêm bài cảm nhận Thơ duyên, mở bài Thơ duyên, kết bài Thơ duyên.
Dàn ý phân tích Thơ duyên
I. Mở bài
– Hồn thơ Xuân Diệu không bao giờ khép kín mà luôn luôn rộng mở đối với thiên nhiên và con người.
– Niềm khao khát được hòa hợp, giao cảm với cuộc đời thể hiện rõ nét qua một bài thơ thật hồn nhiên của nhà thơ: Thơ duyên (ghi lại bài thơ).
– Chuyển mạch.
II. Thân bài
A. Sự giao hòa tuyệt diệu trong thiên nhiên
– Duyên chỉ sự ràng buộc quấn quýt. Đây là cuộc gặp gỡ tình cờ không hẹn trước. “Thơ duyên” là thơ để làm duyên, để bắc nhịp cầu cảm thông.
– Cũng có thể hình tượng thơ cho thấy nhưng xúc cảm tinh tế của nhà thơ trước sự hòa hợp tuyệt diệu giữa con người và thiên nhiên, giữa “anh” và “em” trong không khí của thơ và mộng, trong âm hưởng của nhạc (tiếng huyền) và trong tình yêu mến (nỗi thương yêu).
1. Chiều mộng vừa hiện thực vừa lãng mạn. Một buổi chiều mùa thu với không gian êm đềm, cảnh vật như đang giao hòa trên nhánh duyên.
– Hình ảnh gợi cảm, thơ mộng:
- Đôi chim hót ríu rít, chuyền trên những cành me.
- Nền trời trong xanh màu ngọc bích đổ ánh sáng qua muôn lá.
– Dường như khắp nơi, thiên nhiên đều dạo lên khúc nhạc chào đón mùa thu:
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
2. Cảnh vật trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng:
– Con đường nho nhỏ với những làn gió xiêu xiêu nhẹ, những cành hoang lả lá dưới ánh nắng chiều…
– Những đám mây biếc bay gấp gấp, làm cho cánh cò trên ruộng cũng phân vân.
“Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều (Lạc hà dữ cô lộ tề phi: Thu Thủy cộng trường thiên nhất sắc, dịch là: Ráng chiều và cánh cò đơn chiếc lặng bay: Nước mùa thu cùng trời mùa thu một sắc) đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới” (Hoài Thanh). Vì Vương Bột quan sát, còn Xuân Diệu vừa quan sát vừa cảm nhận nên có sự cách biệt ấy.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống đầu.
Như nêu bật cảm giác rợn ngợp của cánh chim trước bầu trời cao.rộng, và cảm giác dịu lạnh của một loài hoa dưới những giọt sương chiều rơi nhẹ.
3. Thiên nhiên trong buổi chiều hôm qua bài thơ thật êm đềm, thơ mộng. Tất cả dường như có duyên với nhau, giao hòa trong một sự vận động vốn có. Nét đặc sắc nhất của những câu thơ ở đây là “cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” (Hoài Thanh).
Hơn nữa, thiên nhiên như đang chuẩn bị cho những cảm xúc trìu mến để con người đón nhận những tình cảm thương yêu.
B. Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Nhân vật trữ tình ở đây là ta, là anh, một chàng thanh niên mới lần đầu rung động con tim nên cảm thấy tràn ngập tình cảm thương yêu.
Anh đi dưới đất trời – như giữa bài thơ dịu trên con đường nho nhỏ thoảng làn gió xiêu xiêu trong âm vang của khúc nhạc thu êm ái, lòng chợt rung động bởi một tình cảm mới lạ, cứ nhịp bước theo em. Tâm hồn anh hòa điệu với em như một cặp vân, dù ta chẳng quen biết nhau, không có băng nhân mai mối:
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Nhân vật trữ tình đang lắng nghe lòng mình hòa điệu với vạn vật, cùng lúc khao khát giao cảm với cuộc đời, khao khát yêu thương và được thương yêu.
3. Tình cảm yêu thương trong bài thơ gây ấn tượng sâu đậm, như một niềm hạnh phúc chính đáng mà con người được hưởng, và thơ mộng như trong truyện thần tiên:
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
III. Kết bài
Khái quát cảm nghĩ của em về bài thơ
Thơ duyên cho thấy bao nét đẹp của một chiều thu quê hương qua những chi tiết được quan sát, chủ yếu là được cảm nhận thật tinh tế. Đây là một trong số rất ít bài thơ trong sáng, hồn nhiên của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Phân tích Thơ duyên hay nhất
Xuân Diệu đã viết về mùa xuân với tất cả sự say đắm, nồng nàn:
… “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…
… Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”…
Thi sĩ cũng đã đến với mùa thu trong bâng khuâng, man mác. Viết về mùa thu, Xuân Diệu có một lối nói riêng đầy thi vị, tứ thơ mới mẻ, cảm nhận tinh tế nhẹ nhàng cái hồn thu của đất trời, quê hương xứ sở. “Thơ duyên” là một bài thơ thu độc đáo nhận diện cảnh thu, tình thu qua tâm hồn thơ mộng của một chàng trai đa tình và tài hoa lãng mạn.
“Thơ duyên” – một thi đề rất thơ. Cái “duyên” được thi sĩ nói đến là sự tương giao nhiệm mầu của vũ trụ, thiên nhiên và con người, trước hết là những chàng trai, cô gái “hồn xanh như ngọc bích”.
Một buổi chiều thu tuyệt đẹp – “chiều mộng” – êm ái, nhẹ nhàng như ru, tạo vật như đang “hóa thơ trên nhánh duyên”. Nhành cây mềm mại đung đưa duyên dáng theo làn gió thu nhẹ giữa sương khói tà dương. “Con gió xinh thì thào trong lá biếc” (“Vội vàng”), cả một trời thu “nơi nơi động tiếng huyền”. Tiếng nhạc, tiếng đàn du dương, dịu ngọt như ru hồn người vào cõi mộng. Tiếng gió hoà điệu với tiếng chim ríu rít. Trên ngọn me “cặp chim” vừa chuyền cành vừa hót, biết bao âu yếm và yêu thương. Cây me cũng như cây sấu là hình ảnh thân thuộc của đường phố cổ Hà Nội. Ta như được sống lại phố cũ yêu thương của đất Tràng An hơn nửa thế kỉ trước. Đã từng biết “khúc nhạc thơm”; “khúc nhạc hường”, giờ đây ta lại được thưởng thức “tiếng huyền” của buổi “chiều mộng”:
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đồ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”.
Cảnh thu có gió reo, chim hót. Còn có trời thu xanh trong, đẹp như ngọc; tất cả màu xanh ấy của trời thu như “đổ” xuống, như tràn qua muôn lá, cỏ cây ánh ngời lên sắc ngọc với trời thu, sắc ngọc ấy ai có thể quên? Sau này, thi sĩ Hàn Mặc Tử cũng viết trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ”: “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”… Màu ngọc của lá cũng là sắc thu làm nên cái hồn thu.
Khổ một nói đến gió, cây và cặp chim chuyền – cảnh vật hòa hợp tương giao, gắn bó; cái “duyên” ấy được cảm nhận qua tâm hồn một thi sĩ hào hoa, đa tình . Khổ hai nói về con đường và trái tim “rung động nỗi thương yêu”. “Nhỏ nhỏ”… “ xiêu xiêu”… “lả lả” – bây nhiêu nét vẽ tinh tế hiện lên trên một gam màu vàng nhạt của ngày thu tàn “nắng trở chiều”. Hồn thu của bức tranh quê gợi một nỗi buồn đẹp. “Buổi ấy”, trái tim “ta” xao xuyến, “rung động” một tình thu. Thi sĩ đi giữa đất trời, lắng nghe tiếng đập nhẹ của con tim, tâm hồn rộng mở giao hòa đi vạn vật, với con người, một thiếu nữ đang nhẹ bước trên đường:
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.
“Em” và “anh” cùng dạo bước trên đường. “Em” bước đi “điềm nhiên”, trông tự nhiên, hồn nhiên, duyên dáng. Anh cũng đang say sưa ngắm cảnh đất trời, bước chân “lững đững” – thong thả, ung dung. Cuộc ngẫu gặp của đôi lứa thanh tân, tưởng “vô tâm” mà hình như đã có cái “duyên” trời sắp sẵn. Chẳng hò hẹn gì mà nhiều bâng khuâng!
“Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần”.
Cặp câu song hành bình đối nhiều ý vị “Anh với em” đẹp như một cặp vần trong “bài thơ dịu”. Cặp vần ấy ngân lên “rung động nỗi thương yêu”. Một so sánh độc đáo nói lên cái “duyên” lứa đôi:
“Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần”.
Cảnh vốn đẹp, giờ thêm người đẹp, sự giao hòa, giao cảm càng muôn phần tăng lên, sắc thu trong sáng, tình thu thanh khiết mơ màng. Bức tranh thu được dệt thêu bằng cái duyên của sự sống và một tình yêu rạo rực, xôn xao. Đúng như nhà văn Hoài Thanh đã nhận xét: “Xuân Diệu say đắm cảnh trời… khi vui, khi buồn đều nồng nàn, da diết…”
Khổ bốn nói về cảnh thu trên một không gian rộng và lạnh. Một áng mây chiều và một cánh cò thân thuộc của đồng quê. Không phải là mây xám. Cũng không phải “Mây trắng nghìn năm bay chơi vơi” (“Lầu Hoàng Hạc” – Thôi Hiệu). Mà là mây biếc, mây tuyệt đẹp. Hai chữ “về đâu” đầy gợi cảm. Hỏi mây hay hỏi nàng thiếu nữ? Cảnh vừa thực vừa mộng, nhiều man mác, bâng khuâng. Câu thơ “Con cò trên ruộng cánh phân vân” là một sáng tạo rất độc đáo của Xuân Diệu. Hình tượng thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong vị Đường thi và thơ mới. “Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới” (Hoài Thanh). Hình ảnh “cánh phân vân” đặc tả dáng cò đang lững lờ đôi cánh, không biết nên bay cao hay bay thấp, bay gần hay bay xa, bay lên hay đậu xuống…
Chiều thu tàn, bầu trời như trải rộng thêm ra. Cảm nhận ấy được diễn tả qua hai câu thơ tuyệt bút:
“Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần”.
Lấy cái hữu hạn, cô đơn, bé nhỏ (cánh chim) để diễn tả cái vô hạn, mênh mông (bầu trời) là một nét vẽ tài hoa. “Chim nghe…” – sự chuyển đổi cảm giác đầy thi vị. Cánh chim nhỏ nhoi, bay miết, in dáng trên nền trời chiều bao la. Hoàng hôn buông xuống, sương thu chớm lạnh. Hoa khép cánh dần…
Thời gian nhẹ nhàng trôi “bước thu êm”. Tâm hồn thi nhân dào dạt tình thương mến. Chan hòa cùng đất trời, tạo vật. Mọi tâm hồn sẽ tự tìm đến với nhau và “thắm lại” (Xuân Hương), cần chi băng nhân? Nhà thơ khe khẽ reo lên: “Lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Phải chăng ý câu thơ này: “Anh đã phải lòng em” như có người đã hiểu?
“Thơ duyên” đã tồn tại hơn nửa thế kỉ mà vẫn “duyên” vẫn đẹp. Bởi lẽ cảnh thu tuyệt đẹp, thơ mộng. Tình thu trong sáng, bâng khuâng. Từ chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đến “Thơ duyên”, hơn bao giờ hết, ta cảm nhận sâu sắc rằng, “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới”. Chim đã có đôi, có cặp rồi, cho nên “Lòng anh thôi đã cưới lòng em” vậy. Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy. “Thơ duyên” là một bài thơ tình của Xuân Diệu. Trong tuyển tập “100 bài thơ tình”, “Thơ duyên” mang vẻ đẹp một “hoa khôi” sáng giá.
Phân tích bài Thơ duyên
Mỗi khi nhắc đến Xuân Diệu người ta sẽ nhớ ngay tới một thi sĩ với khả năng quan sát tinh tế, tình cảm say mê nồng cháy. Trong các bài thơ của ông, người đọc luôn thấy tình yêu cuộc sống, sự trân quý mọi khoảnh khắc của cuộc đời, của vạn vật và “Thơ duyên” là một trong những bài thơ như vậy. Ở bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được sự tinh tế của thi sĩ trong việc tái hiện sự trôi chảy của thời gian và hồn thu, tình thu cũng được khắc họa rõ nét qua ngòi bút tài hoa này.
“Thơ duyên” là khúc hát say mê, nhạy cảm với cuộc đời. Chữ “duyên” có thể hiểu là sự giao cảm, hòa nhịp với thiên nhiên đất trời, con người. Vốn là một con người dễ rung động trước cái đẹp, lại là người đa sầu đa cảm nên nhà thơ lại càng trân trọng sự chuyển động của thời gian và cụ thể ở bài thơ này là sự chuyển giao giữa hạ sang thu. Không chỉ đến bài thơ này thi sĩ mới viết về mùa thu mà trong tập “Thơ thơ” độc giả cũng đã bắt gặp “nàng thơ” với sự “ngẩn ngơ”, u sầu trong “Đây mùa thu tới”. Còn “Thơ duyên” bắt đầu với những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng.
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.”
Nhìn tổng thể cảnh vật mùa thu qua khổ một có thể thấy đây là một bức tranh sinh động và nên thơ. Với không gian là buổi “chiều mộng” – lãng mạn, êm ái hòa vào đó “thơ trên nhánh duyên” gợi nên khung cảnh trữ tình. Vạn vật dường như cũng vui mừng, hò reo khi thu về khi có “cặp chim chuyền” đang ríu rít trên “cây me”. Động từ “ríu rít” lột tả được phấn khởi, vui vẻ khi chúng liên tiếp “chuyện trò” với nhau. Hình ảnh cây me cũng gợi nhớ lại Hà Nội xưa cũ, một phần của quê hương xứ sở. Cùng lúc đó cả “bầu trời”, “lá” đều chuyển sang màu ngọc. Sắc màu này đã từng được nhà thơ Hàn Mạc Tử nhắc đến qua “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” (Đây thôn Vĩ Dạ). Màu sắc gợi lên cảm giác trong xanh cùng với động từ “đổ” tạo cảm giác dứt khoát, lan tràn. Bây giờ không gian không chỉ nhuốm màu xanh mà còn tươi vui, rộn rã với “động tiếng huyền”. Cụm từ “thu đến” như một tiếng reo vui mừng, phấn khích cho mơ ước bấy lâu giờ đã thành hiện thực.
Nếu như đối với khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên bức tranh thiên nhiên thì khổ kế tiếp nhà thơ đã tinh ý khi lồng vào đó chút tình cảm riêng tư.
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,
Lả lả cành hoang nắng trở chiều.
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.”
Từ tầm nhìn trên cao tác giả “kéo” không gian của mình xuống gần hơn. Thi sĩ liên tiếp sử dụng từ láy hoàn toàn như “nho nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả” gợi sự đáng yêu trên nền nắng chiều. Động từ “trở” đầy sức gợi, mang đến cảm giác chuyển mình. Nếu từ “chiều” ở khổ một còn mang nét huyền huyền ảo ảo thì với khổ thơ này nó mang nét mạnh mẽ, “đậm nắng” hơn. Trong cái sắc hương của trời đất khi sang thu, thi sĩ nhớ lại lần rung động đầu tiên của mình. Thêm một động từ nữa cũng kích thích trí tò mò của độc giả không kém là “nghe”. “Nghe” ở nghĩa tường minh tức là sử dụng thính giác để lắng nghe âm thanh của cuộc sống, nhưng ở nhân vật “ta” hành động “nghe” lại chỉ ra được tâm ý, sự thầm thương, phải lòng “cố nhân”. Đó là cách dùng từ vô cùng đặc sắc của tác giả.
“Em bước điềm nhiên chẳng vướng chân
Anh đi lững đững chẳng theo gần.”
Hình ảnh của sự “rung động” ấy được tái hiện rõ hơn. Nhân vật “em” và “anh” cùng dạo bước trên con đường nhỏ. “Em” thì hồn nhiên, ngây thơ bước đi không hề bận tâm gì. Còn “anh” thì “lững đững” – trạng thái thoải mái, thong dong. Hai con người xa lạ bỗng gặp nhau trên con đường nhỏ, tưởng xa hóa lại gần. Quả là cái duyên tiền định!
“Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,
Anh với em như một cặp vần.”
“Vô tâm” phải chăng là sự lãnh cảm, rời xa hay chính là cái xa lạ nhưng có sự giao lưu, kết nối. Với thủ pháp so sánh nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ra quan niệm của mình về chữ “duyên”. Đối với ông thiên nhiên hòa hợp với thiên nhiên, con người say đắm trước cảnh vật vẫn là chưa đủ mà còn một “cặp bài trùng khác” là sự giao duyên giữa con người với nhau. Chẳng thế mà dù em vô tư bước đi không để ý gì về người đằng sau, còn anh thong dong ngắm nhìn trời đất cũng không đoái hoài gì người phía trước nhưng giữa họ lại có sự kết nối như “cặp vần” – gắn bó khăng khít, không thể tách rời. Một nhân sinh quan thật mới mẻ!
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,
Con cò trên ruộng cánh phân vân.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”
Khổ bốn mang đến cho độc giả cảnh thu trên không gian rộng lớn. Hoạt động của thiên nhiên cũng dần dồn dập, nhanh chóng hơn. Từ láy “gấp gấp” tạo cảm giác hối hả, thúc giục. Tuy nhiên cụm từ “về đâu” lại đặt ra câu hỏi cho nơi đến của mây. Cùng với mây, con cò dường như cũng “phân vân”, đắn đo không biết nên bay lên cao hay xuống thấp, bay gần hay bay xa. Chiều thu tàn bắt đầu có chút gì đó bâng khuâng, bầu trời trải rộng ra và dường như cánh chim cũng đã thích nghi với điều này để rồi “giang thêm cánh”. Thi sĩ gán cho chim với động từ “nghe” như để sinh vật này hiểu được bầu trời, cảm nhận được thiên nhiên rồi từ đó điều chỉnh để thích nghi. Cách nhà thơ sử dụng cái hữu hạn (cánh chim) để diễn tả cái vô hạn (bầu trời) là một thủ pháp hay và ý vị. Người đọc dễ dàng hình dung được một cánh chim không mỏi, bay miệt mài trên nền xanh của bầu trời. Và càng chìm dần vào chiều thu, sương càng rơi xuống nhiều. “Hoa lạnh” vì có thể do “đẫm sương” hoặc do cơn gió nào đó. Chiều mùa thu bắt đầu lạnh làm cho người đọc cũng mang chút gì xao xuyến, bâng khuâng.
Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình lại hồi tưởng về mối tình đầu của mình, về những rung động đầu đời lồng ghép vào trong hình ảnh thiên nhiên. Hình ảnh nhân hóa “bước thu êm” như sự chuyển động nhẹ nhàng, dịu dàng của nàng thu. Từ “êm” gợi cảm giác dễ chịu, thoải mái. Trên nền thu dịu dàng , e ấp “anh” lại nói về sự rung động của mình khi gặp em – “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Động từ “cưới” như một sự chắc nịch rằng anh đã phải lòng em và tấm lòng của anh chỉ hướng tới em. Động từ này còn nói lên sự gắn bó, xem “em” như là “mảnh ghép” còn lại của đời mình.
Bài thơ “Thơ duyên” không chỉ xuất sắc về nội dung mà ở khía cạnh hình thức bài thơ cũng đã làm rất “tròn vai” của mình. Bên cạnh việc sử dụng các từ láy, phép nhân hóa, các từ ngữ đặc sắc một nét khá đặc biệt trong bài thơ là cách ngắt câu. Thường thường ở thơ bảy chữ mà có bốn câu thì chỉ chấm kết thúc ở dòng cuối cùng ở mỗi khổ nhưng với “Thơ duyên” thì khác, dòng một với dòng ba là có dấu chấm phẩy khi kết thúc dòng. Còn dòng hai với dòng bốn là dấu chấm. Tức là hai dòng sẽ tạo thành một câu. Đây là một nét lạ và sáng tạo của Xuân Diệu.
Bằng ngòi bút giàu nhiệt huyết, tình yêu sôi nổi của một con người luôn trân quý, nắm bắt thời gian nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên với nhiều hình ảnh, nhiều sắc thái đặc trưng của mùa thu. Cùng với đó tác giả đã viết nên sự rung động đầu đời của mình – sự giao cảm, kết nối giữa những con người tưởng chừng xa lạ nhưng lại là cái duyên đã được sắp đặt sẵn. Tình duyên nảy nở trong tình thu!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 10: Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu (Dàn ý + 2 Mẫu) Thơ duyên của Xuân Diệu tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.