Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh tác phẩm Chí Phèo Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao là một chủ đề rất hay để viết bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học nằm trong SBT Ngữ văn 11 Kết nối tri thức.
Thuyết minh Chí Phèo mang đến bài văn mẫu hay đạt điểm cao nhất của các bạn học sinh giỏi. Qua đó đem lại nhiều tư liệu học tập hữu ích, giúp học sinh củng cố kiến thức, trau rồi ngôn ngữ để biết cách làm bài văn thuyết minh về một tác phẩm văn học. Bên cạnh bài thuyết minh tác phẩm Chí Phèo các bạn xem thêm dàn ý thuyết minh về tác phẩm văn học.
Dàn ý thuyết minh tác phẩm Chí Phèo
I. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm “ Chí Phèo” và nhà văn Nam Cao.
II. Thân bài:
– Tóm tắt nội dung của tác phẩm: Truyện xoay quanh nhân vật Chí Phèo – đứa trẻ bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Lớn lên hắn đi ở hết nhà này nhà khác. Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vu oan và bắt bỏ tù. Hắn ở tù bảy tám năm rồi trở về với bộ dạng khác hẳn ngày xưa.
– Hoàn cảnh ra đời: Chí Phèo được nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1941. Tên đầu tiên là: Cái lò gạch cũ.
– Truyện xoay quanh 3 nhân vật chính: Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến. ( Nêu đặc điểm nhân vật và hoàn cảnh của mỗi nhân vật)
– Giá trị nội dung và nghệ thuật qua tác phẩm.
– Liên hệ thực tế và rút ra bài học cho bản thân.
III. Kết bài: Kết luận vấn đề và nêu cảm nhận của bản thân.
Thuyết minh tác phẩm Chí Phèo
Được đặt tên theo tên nhân vật chính của truyện ngắn cùng tên, “ Chí Phèo” đã không còn là cái tên xa lạ đối với bạn đọc yêu văn chương trên cả nước. Tác phẩm là một bản tuyên án những thế lực độc ác, xấu xa trong xã hội cũ đã đẩy số phận của một người nông dân hiền lành vào bước đường cùng.
Tác giả Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri ( 29/10/1915-30/11/1951) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam. Ông là một nhà văn hiện thực lớn của nền văn học nước nhà, góp một phần công lao không nhỏ đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Không chỉ vậy, ông được coi là một trong những nhà văn tiêu biểu và có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Các tác phẩm của ông mang tính hiện thực đời sống cao, qua đó còn là những giá trị nhân đạo sâu sắc khiến độc giả đồng cảm và thấu hiểu cùng các nhân vật qua từng dòng chữ. Những tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như: Sống mòn, Tư cách mõ, Một bữa no,… Thế nhưng, “ Chí Phèo” lại là cái tên gắn liền với sự nghiệp của ông hơn cả.
Truyện ngắn “ Chí Phèo” ban đầu có tên là “Cái lò gạch cũ”, sau này khi được in thành sách năm 1941 đã bị đổi tên thành “Đôi lứa xứng đôi”. Đến khi in lại trong tập “Luống cày” (do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, Hà Nội, 1946) thì lại được tác giả đổi lại tên thành “Chí Phèo’. Có thể nói, “Chí Phèo” là nốt son sáng trong sự nghiệp viết lách của Nam Cao, khi ông đã bắt đầu sáng tác từ những năm 1936 nhưng mãi đến khi “Chí Phèo” ra đời, tên tuổi của ông mới được đông đả độc giả đón nhận và ghi nhớ. Khác với các truyện ngắn cùng đề tài, Chí Phèo có phạm vi hiện thực được phản ánh trải ra cả bề rộng không gian (một làng quê) và cả bề dài thời gian. Cũng có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ, mô phỏng lại xã hội nông thôn Việt Nam lúc đương thời.
Giữa bối cảnh những năm 1940-1945, các tác phẩm lấy đề tài về nông thôn Việt Nam là vô kể. Thế nhưng hầu hết các câu truyện chỉ xoay quanh các quan hệ trong gia đình, hay là các phong tục, tập quán của các vùng địa phương. Ấy vậy mà “Chí Phèo” nổi lên như một hiện tượng bất ngờ. Giống như các tác phẩm “Tắt đèn”( Ngô Tất Tố) hay “Vợ nhặt”( Kim Lân),… thì “Chí Phèo” cũng là “bức tranh xã hội rộng lớn với những xung đột giai cấp quyết liệt”.
Câu truyện xoay quanh về cuộc đời của nhân vật chính – Chí. Là trẻ mồ côi được nhận nuôi, ban đầu Chí cũng như biết bao chàng trai khác: chân chất, thật thà, hiền lành. Ấy mà ông trời lại trêu đùa với Chí khi anh bị Bá Kiến gán tội ném vào ngục tù vì vợ ba của ông ưng mắt Chí. Sống trong chốn song sắt, Chí từ anh chàng hiền lành ngày nào giờ đây đã trở thành một “con quỷ sống” khiến cả làng Vũ Đại phải khiếp sợ. Trở về sau nhiều năm xa rời quê hương, giờ đây Chí đã trở thành một tay sai đắc lực cho Bá Kiến để ngày ngày kiếm tiền mua rượu uống. Lúc nào hắn cũng trong tình trạng say xỉn và hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đất, chửi ai đã sinh ra hắn để hắn phải sống kiếp đời khó khăn, khốn khổ tới mức này và hơn hết hắn chửi cả làng Vũ Đại. Tiếng chửi của hắn là phản ứng của bản thân với tất cả cuộc đời đầy bi kịch của hắn. Hắn bị cả làng hắt hủi, loại trừ khỏi xã hội. Kết quả, Chí Phèo đã bị hủy hoại hoàn toàn – cả về thể xác lẫn tâm hồn, dẫn hắn đến kết cục tồi tệ nhất của mình. Sau một đêm ở cùng với Thị Nở, Chí lần đầu tiên tỉnh rượu sau những ngày tháng sống với cơn say. Bát cháo hành của Thị đã đánh thức phần người tưởng như đã chết trong hắn. Giờ đây, hắn muốn có một gia đình nhỏ cho riêng mình, được xã hội công nhận và hơn hết: Hắn muốn trở thành người lương thiện. Hắn tìm tới Bá Kiến- người mà chính là hung thủ của đời hắn, đòi lấy lại sự lương thiện đã mất của mình. Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình, kết thúc một cuộc đời đau khổ. Thế nhưng, ở cuối câu truyện khi hình ảnh cái lò gạch cũ lại một lần nữa hiện lên, chúng ta như nhìn thấy được một vòng lặp vô tận sẽ lại bắt đầu.
Khác với những tác giả khác, Nam Cao không đi sâu vào câu truyện về sưu cao thuế nặng, nạn tham ô, hay nạn đói,… mà ông tiếp cận câu truyện ở một phương diện khác: người nông dân bị xã hội tàn phá về tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính, do đó, bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Giá trị con người rẻ mạt, không đáng giá một xu trong mắt bọn quan lại tham nhũng. Với nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế, sắc sảo, cùng với ngôn ngữ bình dị, đời thường, có lẽ tác giả Nam Cao đã thành công trong việc bóc tách từng lớp suy nghĩ của các nhân vật, khiến cho người đọc càng cảm nhận sâu sắc hơn nữa những khó khăn, những đau đớn tột cùng của người nông dân trong thời kỳ ấy.
Tác phẩm không chỉ mang giá trị hiện thực mà còn mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của Nam Cao đối với những người khốn khổ. Đó còn là tiếng kêu cứu thảm thiết của những con người bất hạnh đang đòi quyền được sống, được tự do, được “làm người lương thiện”. Sống cho đúng nghĩa là sống, chứ không phải sống như những bóng ma vật vờ không được ai nhắc tên. Truyện “Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn hay nhất viết về đề tài nông dân trong nền Văn học Việt Nam hiện đại, cũng là đỉnh cao của truyện ngắn Nam Cao.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 11: Thuyết minh tác phẩm Chí Phèo Viết văn bản thuyết minh về một tác phẩm văn học tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.