Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư là tài liệu tham khảo hữu ích được Thcslytutrongst.edu.vn giới thiệu.
Bạn đọc hãy cùng theo dõi tài liệu chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây để có thêm ý tưởng cho bài viết văn của mình.
Cảm nhận bài thơ Tiếng thu – Mẫu 1
Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong sáng tác thơ ca. Và một trong những bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất đó là Tiếng thu của Lưu Trọng Lư.
Bài thơ gồm có ba khổ, được trình bày khá độc đáo. Chỉ riêng chữ cái đầu tiên của câu mở đầu mỗi khổ được viết hoa, còn các câu thơ khác viết thường. Câu thơ cuối cùng của khổ kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Từ đó, tôi hình dung ra mỗi khổ thơ giống như một câu hỏi. Tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc “Em không nghe” kết hợp sử dụng câu hỏi tu từ giúp bài thơ trở nên độc đáo. Nhân vật trữ tình trong bài thơ không xuất hiện trực tiếp mà gián tiếp qua lời hỏi với nhân vật “em”. Ở đây, “em” có thể là người thương, người mà nhân vật trữ tình hướng đến trong lời tâm sự từ đáy lòng.
“Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức?”
Câu hỏi đầu tiên đọc lên nghe thật da diết, khắc khoải. Thu đã về, nhưng “em không nghe” cũng như không cảm nhận được tình cảm của nhân vật trữ tình. Hình ảnh “trăng” được nhân hóa độc đáo, cũng biết “thổn thức” như hiện thân của tâm trạng và tình cảm của nhân vật trữ tình. Ngoài ra, hình ảnh “trăng mờ” còn gợi cho người đọc liên tưởng đến một đôi mắt ngấn lệ của người đang nhớ nhung người tình trong đau khổ.
“Em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
trong lòng người cô phụ?”
Dường nghe không nghe được âm thanh của mùa thu về mà “em” cũng không có những cảm xúc, tâm trạng trước mùa thu. Tính từ “rạo rực” miêu tả sự bồi hồi, của con người trước những khoảnh khắc hạnh phúc. Đặc biệt, hình ảnh “kẻ chinh phu” và “người cô phụ” gợi nhắc đến mối tình sâu đậm nhưng cũng đầy đau thương của sự chia ly. “Người cô phụ” mong ngóng tin tức của “kẻ chinh phu” ở chiến trường xa xôi, lo sợ sự chia li có thể ập đến. Phải chăng đó cũng là tâm trạng của chính nhân vật trữ tình lúc này.
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”
Câu hỏi cuối cùng gợi liên tưởng đến vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu. “Rừng” vốn là nơi để cây cối sinh sống. Vào mùa thu, lá cây chuyển vàng, rụng rơi. Hình ảnh “Lá thu kêu xào xạc” không chỉ tả thực mà còn gợi đến tâm trạng của nhân vật trữ tình, sự ngổn ngang khi phải chịu bất cứ tác động dù là nhỏ nhất, cũng khiến cho tâm hồn trở nên đau đớn. Còn hình ảnh “con nai vàng ngơ ngác” thể hiện sự ngây thơ, trong sáng. Tôi có thể liên tưởng cũng giống như tình yêu, tồn tại vĩnh cửu, giúp chiến thắng mọi khó khăn.
Tiếng thu gợi ra một bức tranh thu đẹp đấy nhưng cũng man mác buồn. Bài thơ mang đậm dấu ấn phong cách của Lưu Trọng Lư, là một bài thơ hay viết về mùa thu.
Cảm nhận bài thơ Tiếng thu – Mẫu 2
Mùa thu là đề tài có nhiều thi phẩm nổi tiếng. Viết về mùa thu, Lưu Trọng Lư không đi theo cái quen thuộc, ông lựa chọn cho mình một cách cảm nhận mới lạ. Điều đó thể hiện qua bài thơ Tiếng thu.
Ngay ở đoạn thơ đầu, nhân vật trữ tình xuất hiện cùng với những lời tâm sự chân thành, đầy da diết:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?”
Câu thơ là lời tự hỏi, cũng là lời trách móc đầy tình cảm của nhân vật trữ tình đối với người mình yêu. Mùa thu được coi là mùa của đôi lứa, nhưng có lẽ ở đây nhân vật trữ tình và “em” lại không ở bên nhau, mỗi người ở một nơi. Điều đó tạo ra khoảng cách trong tâm hồn, vì vậy mà chàng trai băn khoăn, trăn trở trách móc “Em không nghe mùa thu” hay hiểu rằng là không “nghe” được, cũng tức là không cảm nhận được tấm chân tình.
Vì “em” không nghe “mùa thu” nên em cũng không thể cảm nhận được vẻ đẹp của “trăng mờ”. Nhà thơ đã nhân hóa khiến cho trăng như có tâm hồn, biết “thổn thức”.
“Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ”
Nhà thơ đã điệp lại cấu trúc “Em không nghe” như diễn tả cái dạt dào trong cảm xúc. Cảm xúc “rạo rực” gợi tả qua gợi nhắc đến cặp hình tượng “kẻ chinh phu” và “người cô phụ”. Người chinh phu ở nơi chiến trường xa xôi chiến đấu, còn người chinh phụ thì mong ngóng, trông chờ tin tức từng ngày. Cảm xúc “rạo rực” ở đây chính là nỗi nhớ đến cháy bỏng cùng với nỗi thấp thỏm, khắc khoải không yên. Nhà thơ muốn mượn cặp hình tượng này để nhấn mạnh nỗi nhớ của mình dành cho cô gái vẫn khắc khoải từng giây.
“Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc”
Điệp khúc “em không nghe” được lặp lại lần thứ ba, gợi liên tưởng đến dòng tâm tư như dòng thác. “Em không nghe rừng thu” gợi mở ở đây chính là không gian rừng thu, nơi chứa đựng, sinh sôi của vạn vật hay ẩn dụ cho thế giới tâm hồn của chàng trai.
“Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô”
Hình ảnh con nai xuất hiện bỗng khiến bức tranh thu trở nên sinh động hơn. Con nai gợi ra vẻ trong sáng, ngây thơ cũng như tình yêu vậy. Dù có bao trở ngại, có những cách ngăn thì tình yêu vẫn mãnh liệt, tràn đầy.
Bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư gợi ra dòng cảm xúc đầy ấn tượng cho tôi không chỉ về thiên nhiên mà còn về tình cảm lứa đôi.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 12: Cảm nhận bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (2 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 12 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.