Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 12: So sánh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Văn mẫu lớp 12: So sánh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc mang đến gợi ý cách viết và bài văn mẫu chi tiết đầy đủ nhất. Qua đó giúp các bạn học sinh có thêm nhiều gợi ý tham khảo, trau dồi kiến thức để viết cách viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ hay.
So sánh thiên nhiên trong Tây Tiến và Việt Bắc để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt trong hai tác phẩm thơ này. Từ đó chúng ta hiểu được cách thể hiện bức tranh thiên nhiên của hai tác giả văn học. Bên cạnh đó các bạn xem thêm so sánh hình ảnh đoàn quân trong Tây Tiến và Việt Bắc.
Đề bài
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
Và:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh
Tây Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù.”
(Việt Bắc- Tố Hữu)
Dàn ý so sánh thiên nhiên trong Tây Tiến và Việt Bắc
I. Mở bài: Mở vấn đề
II. Thân bài
1. Tác giả tác phẩm
– Quang Dũng là nhà thơ của xứ Đoài mây trắng. Thơ ông là tiếng nói của một hồn thơ hào hoa lãng mạng, nhất là những vần thơ viết về lính. Các sáng tác tiêu biểu của Quang Dũng bao gồm: Mây đầu Ô, Mùa hoa gạo, Đôi mắt người Sơn Tây… Bài thơ Tây Tiến ra đời năm 1948, trích trong tập “Mây đầu Ô” là một trong những bài thơ hay nhất của thơ ca kháng chiến chống Pháp.
– Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản, lá cờ đầu của thi ca cách mạng Việt Nam. Ông là người viết sử bằng thơ vì mỗi giai đoạn lịch sử đi qua, Tố Hữu đều lại một tập thơ giá trị: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa… Bài thơ Việt Bắc ra đời vào tháng 10-1954 khi trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội.
2. Cảm nhận hai đoạn thơ
2.1. Đoạn thơ trong bài thơ Tây Tiến là hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội, thơ mộng trữ tình.
– Thiên nhiên hùng vĩ dữ dội ở con đường hành quân nhiều gian khổ. Nhiều từ láy được huy động để diễn tả sự hiểm nguy: Khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút. Phép nhân hóa “sung ngửi trời” diễn tả tinh tế độ cao. Phép tương phản đối lập diễn tả cảnh đèo cao, dốc thẳm, rừng dày “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống”.
– Thiên nhiên trữ tình, thơ mộng “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ được dệt nên bởi những thanh bằng gợi cảm giác êm ả, tươi mới. Hình ảnh thơ gợi vẻ đẹp nên thơ.
– Nghệ thuật: thể thơ thất ngôn cân đối hài hòa giữa các thanh bằng trắc; phép nhân hóa, tương phản, cách sử dụng từ láy tượng hình…
2.2. Đoạn thơ trong bài Việt Bắc.
– Thiên nhiên gắn bó hài hòa với con người cùng chung mất mát đau thương, cùng chung lưng đấu cật chống kẻ thù chung “Nhớ khi giặc đến giặc lùng/Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây”.
– Con người và thiên nhiên tạo thành một thế trận trùng điệp dồn kẻ thù vào “lũy sắt dày”, vào “mênh mông bốn mặt sương mù”.
– Thiên nhiên là hậu phương vững chắc và cũng là người bạn chiến đấu của con người.
– Nghệ thuật: Thể thơ lục bát truyền thống, phép tu từ nhân hóa, hình ảnh thơ ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình.
3. So sánh
3.1 Giống nhau: đều là những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng trong thời kỳ chống Pháp. Đều được viết bằng bút pháp lãng mạn cách mạng.
3.2 Khác nhau:
+ Thiên nhiên trong Tây Tiến thiên về diễn tả sự khắc nghiệt, dữ dội. Là gian khổ thiếu thốn mà người lính phải vượt qua. Thiên nhiên trong Việt Bắc thiên về miêu tả sự gần gũi và đồng lòng với con người.
+ Thiên nhiên trong Tây Tiến mang hai vẻ đẹp hài hòa: hùng vĩ và lãng mạn. Thể thơ thất ngôn cũng góp phần làm cho bức tranh thơ thể hiện được những nét trên. Trong Việt Bắc, thiên nhiên có chiều hướng gắn với hiện thực cuộc kháng chiến khi ta dựa thế rừng núi để đáp trả lại kẻ thù. Thể thơ lục bát biến hóa linh hoạt mang lại một thiên nhiên hùng vĩ nhưng cũng thật gần gũi.
III. Kết bài
Kêt thúc vấn đề, tổng kết lại vấn đề nghị luận.
So sánh thiên nhiên trong Tây Tiến và Việt Bắc
Quang Dũng và Tố Hữu đều là những nhà thơ viết về cách mạng xuất sắc và tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ. Chất thơ của Quang Dũng khi viết về người lính chiến thì luôn mang một vẻ hào hoa, lãng mạn cũng không kém phần hào hùng, bi tráng như một bản anh hùng ca. Còn Tố Hữu, cách viết của ông luôn thay đổi cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, với Việt Bắc giọng thơ của ông mang màu sắc ấm áp, thấm đẫm ân tình thủy chung. Trong hai bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc đều có những dòng thơ rất hay viết về phong cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, vừa có chút tương đồng, lại cũng mang những màu sắc rất riêng biệt, tiêu biểu là ở hai khổ thơ trên.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Đoạn thơ trên được trích từ phần kế đầu của tác phẩm Tây Tiến, trong một chuyến hành quân qua Phù Lưu Chanh năm 1948. Trước cảnh núi rừng hùng vĩ ấy, Quang Dũng đã có những nỗi nhớ da diết hướng về miền rừng núi Tây Bắc thân thương, ở nơi ấy có sông Mã cuồn cuộn, có Sài Khao mờ hơi sương, có Mường Lát hoa ngập lối. Nay đã hành quân đi xa, trước sự hiểm trở khôn cùng của rừng núi, trước nỗi mệt mỏi cả chặng đường dài nỗi nhớ càng thêm đậm sâu, ý thức về khung cảnh thiên nhiên nơi Phù Lưu Chanh lại càng thêm rõ ràng.
Chỉ với 4 câu thơ ngắn ngủi nhưng nỗi hiểm trở của núi rừng đã được bộc lộ một cách tinh tế. “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, nghệ thuật lặp cấu trúc “Dốc…dốc…” kết hợp với hệ thống từ láy “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, khiến độc giả dễ dàng mường tượng ra những đặc điểm địa hình đặc biệt, đó là quãng đường gập ghềnh, lên xuống liên tục, có những quãng dốc đứng, khiến người lính chiến hành quân xa phải chịu nhiều vất vả, đôi lúc chỉ một phút lơ là, hay ngủ gật họ có thể bỏ mạng vì rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Hơn thế nữa, đây lại là nơi “heo hút”, với những chòm mây, chòm sương trắng lượn lờ thưa thớt, lạnh lẽo, lại hết sức im ắng khiến lòng người dễ sinh cảm giác cô đơn, nhớ thương.
Hình ảnh “súng ngửi trời” là một hình ảnh rất độc đáo, là sự sáng tạo không giới hạn của Quang Dũng trong việc miêu tả độ cao, nơi đây có chỗ sâu thăm thẳm, nhưng có chỗ lại cao chót vót, tưởng như mũi khẩu súng trên vai người lính chiến có thể chạm đến cả trời xanh kia. Điều ấy thể hiện tâm hồn vui tươi, đầy hồn nhiên của người lính chiến, dẫu trước mặt là sự nguy hiểm vạn phần nhưng họ vẫn có thể tếu táo, khiến khó khăn dường như được vơi bớt. Sự hiểm trở của địa hình còn thể hiện ở “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, dễ dàng khiến ta liên tưởng đến những con dốc dựng đứng hết lên rồi lại xuống, liên tiếp nhau không có điểm dừng, khiến người lính phải đổ biết bao giọt mồ hôi, chân mỏi, tay run, hàm răng nghiến chặt đi cho hết chặng đường hành quân.
Sự hiểm trở của chốn rừng sâu nước độc càng nhấn mạnh thêm nỗi gian lao, vất vả của bộ đội ta trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, thế nhưng với tinh tinh thần thép, lòng yêu nước kiên cường, quân đội ta vẫn vượt qua tất cả, viết lên một bản trường ca bất tận. Tuy có nhiều gập ghềnh, địa hình ghê gớm, dữ dội đến đâu thì quang cảnh núi rừng của miền Tây Bắc vẫn hiện ra những nét đẹp hiền hòa và thơ mộng, trong đôi mắt trong trẻo kiên cường, nhuốm mệt mỏi của Quang Dũng, ông vẫn thấy xa xa là sự sống của con người “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”, thật yên bình, thật dịu dàng dưới màn mưa trắng xóa, đó là thứ mà người lính chiến vẫn hướng về, vẫn ngày đêm bảo vệ.
Trong tác phẩm Việt Bắc có rất nhiều đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên Tây Bắc, cảnh nào cũng đẹp, cũng đầy màu sắc và thẫm đẫm ân tình thủy chung và khổ thơ sau là khổ thể hiện sự gắn bó sâu sắc của núi rừng Tây Bắc với bộ đội ta trong những ngày kháng chiến gian khổ, là nỗi nhớ của người về miền xuôi với người còn ở lại thật sâu nặng.
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”
Dường như ở khổ thơ này Tố Hữu không thiên về miêu tả mà là tự sự, cảnh thiên nhiên hiện ra thông qua những trận đối chiến với quân thù. Dòng hồi hồi tưởng đưa Tố Hữu nhớ về những ngày giặc tiến hành càn quét, lùng sục, thì “Rừng cây núi đá” vẫn thường im ắng cũng trở thành đồng chí cùng hiệp lực “đánh tây”. “Núi giăng thành lũy sắt dày” trở thành thứ khiến quân địch phải khiếp sợ, e dè, trở thành lớp giáp sắt vây khốn quân thù, bởi chỉ có quân dân ta mới hiểu rõ rừng núi của ta, còn lũ cướp nước thì phải chịu bó tay, phải mất hết phương hướng trong muôn trùng núi cao. Núi đã vây khốn quân thù, thì rừng cũng lại vừa che chở cho bộ đội, rừng cũng tiếp tục vây quân thù thêm nữa. Màu áo xanh của quân ta hòa lẫn với màu lá xanh thẳm của những tán cây rừng rậm rạp, trở thành lớp ngụy trang xuất sắc nhất, khiến quân thù phải khiếp sợ khi thấy những cây chuối di động, thấy những lùm cây xanh cứ dần tiến về phía mình, thấy bè lũ của mình từng tên bị những “cái cây” thần kỳ hạ gục.
Đó phải là nỗi kinh hoàng đến mức nào. Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân ta, núi rừng luôn đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng vang dội trong lịch sử, khiến quân thù phải dè chừng. Thiên nhiên Tây Bắc chính là người bạn tốt nhất của quân dân ta, che cho bộ đội ta vượt qua những chuyến tầm soát ác liệt của giặc vừa là lớp ngụy trang hoàn hảo nhất. Đồng thời lòng yêu nước, lòng dũng cảm của quân dân ta chính là yếu tố quyết định sự thắng, những kiên cường, gắn bó, bám núi rừng đã trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong lòng người ra đi. Tố Hữu đã nhắc lại với một giọng thơ đầy tự hào, yêu thương và ấm áp nghĩa tình.
Điểm chung của hai đoạn thơ là đều nói về núi rừng Tây Bắc, nói về nỗi nhớ của người ra đi mà lòng vẫn vương vấn cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, đó là tấm lòng trân trọng, gắn bó trong suốt những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ. Cả hai bức tranh thiên nhiên đều bộc lộ được những nét hung hiểm, dữ dội của thiên nhiên nơi đây, một cách tinh tế. Tuy nhiên trong Tây Tiến, phong cảnh thiên nhiên Tây Bắc được tả một cách rất chân thực, nhiều những từ ngữ phóng đại, lối liên tưởng độc đáo thú vị, bằng một hồn thơ rất lãng mạn, hào hoa của Quang Dũng, khiến phong cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính như mang chất nhạc trong một bản trường ca anh hùng. Còn với Việt Bắc, Tố Hữu lại nghiêng về cảm xúc nhớ nhung, niềm tự hào, giọng thơ nồng nàn, ấm áp nghĩa tình, thiên nhiên hiện ra dữ dội chỉ đối với kẻ thù, còn với quân dân ta thì nó lại trở nên thân thuộc, yêu thương, bảo bọc cho quân đội ta trong kháng chiến.
Những điểm khác biệt trong phong cách sáng tác đã đánh dấu hai hồn thơ rất riêng biệt của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam. Nhưng chung quy lại, thì cả Quang Dũng và Tố Hữu đều có chung một lòng yêu nước nồng nàn, một nỗi nhớ nhưng sâu sắc về núi rừng Tây Bắc thiêng liêng, chỉ là cách biểu đạt có khác nhau mà thôi.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 12: So sánh thiên nhiên trong bài thơ Tây Tiến và Việt Bắc Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.