Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 7: Kể lại một truyện ngụ ngôn (8 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Truyện ngụ ngôn là một thể loại văn học dân gian, gửi gắm nhiều thông điệp đến bạn đọc. Trong chương trình học tập môn Ngữ văn của cấp trung học cơ sở, học sinh sẽ được tìm hiểu về một số truyện ngụ ngôn. Hôm nay, Thcslytutrongst.edu.vn sẽ giới thiệu Bài văn mẫu lớp 7: Kể lại một truyện ngụ ngôn.
Nội dung của tài liệu bao gồm 8 bài văn mẫu lớp 7. Các bạn học sinh có thể tham khảo nội dung chi tiết của tài liệu để có thêm ý tưởng cho bài tập làm văn của mình.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 1
Một hôm, nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói mới ngồi tán gẫu. Các thầy đều phàn nàn chưa biết hình thù con voi ra sao. Bỗng nhiên, người ta nói có voi đi qua. Năm thầy liền chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem.
Mỗi ông thầy sờ một bộ phận khác nhau. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Xong, họ bàn luận.
Thầy sờ vòi nói:
– Con voi sun sun như con đỉa.
Thầy sờ ngà lại phản bác:
– Không, nó chần chẫn như cái đòn càn.
Đến thầy sờ tai nói:
– Tôi thấy nó bè bè như cái quạt thóc chứ!
Thầy sờ chân thì cãi:
– Đâu, rõ ràng nó sừng sững như cái cột đình.
Thầy sờ kết luận:
– Các thầy đều sai hết cả. Nó tun tủn như cái chổi sể cùn.
Năm ông thầy đều cho rằng mình đúng, không chịu nhường nhau, thành ra đánh nhau đến toác đầu chảy máu.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 2
Gà Rừng và Chồn là đôi bạn thân. Nhưng Chồn vẫn ngầm coi thường bạn. Một hôm, Chồn hỏi bạn:
– Này Gà Rừng, cậu có bao nhiêu trí khôn?
– Mình chỉ có một thôi.
– Ít thế thôi. Mình có tới cả trăm trí khôn kìa!
Buổi sáng nọ, đôi bạn đang dạo chơi trong rừng. Bỗng thấy một người thợ sẵn, chúng cuống quýt nấp vào một cái hang. Nhưng người thợ săn đã thấy được dấu chân của chúng. Ông mừng rỡ reo lên: “Có mà trốn đằng trời!”. Thế rồi, ông thọc gậy vào hang. Gà Rừng thấy nguy cấp, liền bảo với Chồn rằng:
– Cậu có đến trăm trí khôn, hãy nghĩ kế đi!
Chồn buồn bã đáp:
– Lúc này, trong đầu mình chẳng có một trí khôn nào cả.
Suy nghĩ một lúc, Gà Rừng mới bảo Chồn:
– Mình sẽ làm như thế, còn cậu cứ thế nhé!
Mọi chuyện xảy ra như Gà Rừng đoán. Khi người thợ săn lôi Gà Rừng ra, thấy cứng đờ, tưởng đã chết. Ông ta quẳng nó xuống, rồi thọc vào hang để bắt Chồn. Thình lình, Gà Rừng vùng chạy. Người thợ săn liền đuổi theo. Chờ có vậy, Chồn ở trong hang mới chạy trốn.
Ngày hôm sau, cả hai gặp lại. Chồn bảo với Gà Rừng:
– Một trí khôn của cậu còn hơn cả trăm trí khôn của mình.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 3
Xưa có một người thợ mộc bỏ ra ba trăm quan tiền mua gỗ về để đẽo cày. Cửa hàng của anh ta nằm ngay bên đường. Ai đi qua cũng đều ghé vào xem.
Có người nói: “Phải đẽo cày cho to, cho cao thì mới dễ cày”. Anh ta cho là phải liền đẽo cày vừa to, vừa cao. Người khác lại nói rằng: “Phải đẽo cày nhỏ, thấp hơn thì mới dễ cày”. Anh ta thấy có lí, lại làm theo. Một hôm, có người đến nói ở trên núi người ta phá hoang bao nhiêu ruộng đồng bằng voi cả. Nếu đẽo cày gấp đôi, gấp ba cho voi cày thì sẽ bán được nhiều, thu nhiều lãi. Nghe nói vậy, người thợ mộc cũng đẽo cày to gấp năm, bảy lần thứ cày thường bán ra.
Qua nhiều ngày, chẳng có ai đến mua, cũng chẳng có ai nói voi đi cày thành ruộng cả. Thành ra gỗ đều hỏng hết. Bao nhiêu vốn liếng đi đời nhà ma. Người thợ mộc bây giờ mới biết là dại, nhưng đã quá muộn.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 4
Một ngày nọ, nhân buổi ế hàng, năm ông thầy bói ngồi nói chuyện với nhau. Các thầy đều phàn nàn không biết hình thù con voi ra sao. Chợt nghe người ta nói có voi đi qua, năm thầy chung nhau tiền biếu người quản voi, xin cho voi dừng lại để cùng xem.
Mỗi thầy sờ một bộ phận khác nhau. Thầy thì sờ voi, thầy thì sờ ngà, thầy thì sờ tai, thầy thì sờ chân, thầy thì sờ đuôi. Rồi họ ngồi bán tán rất sôi nổi.
Đầu tiên, thầy sờ vòi hào hứng nói:
– Tưởng con voi thế nào, hoá ra nó sun sun như con đỉa.
Đến thầy sờ ngà nói:
– Nó chần chẫn như cái đòn càn.
Còn thầy sờ tai lại bảo:
– Không! Nó bè bè như cái quạt thóc.
Thầy sờ chân thì cãi:
– Ai bảo! Nó sừng sững như cái cột đình.
Cuối cùng, thầy sờ đuôi nói:
– Các thầy đều không đúng cả. Nó tun tủn như cái chổi sể cùn.
Thầy nào cũng cho rằng mình đúng, không ai nhường ai, nên đánh nhau đến toác đầu chảy máu. Truyện Thầy bói xem voi đã phê phán cái nhìn phiến diện, chủ quan của năm ông thầy bói. Từ đó ông cha ta muốn khuyên con người khi muốn hiểu biết sự vật sự việc phải xem xét chúng một cách toàn diện.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 5
Một con ếch sống trong cái giếng sâu. Xung quanh nó chỉ có vài anh nhái, chị cua và cậu ốc.
Hằng ngày, khi ếch cất tiếng kêu của mình lên là lại tạo ra âm thanh vang vọng khắp giếng. Những người bạn xung quanh nghe tiếng kêu mà cảm thấy vô cùng hoảng sợ. Nó tự cho mình là chúa tể. Mỗi khi ngước nhìn lên cao, ếch lại thấy bầu trời chỉ bé bằng chiếc vung.
Một năm nọ, trời mưa tầm tã suốt mấy ngày liền. Nước mưa chảy xuống giếng, dần dần dâng cao lên đến tận miệng giếng. Ếch theo đó mà thoát ra khỏi cái giếng. Cảnh vật bên ngoài thật khác lạ. Ếch vẫn quen thói cũ, cứ bước đi huênh hoang trên đường. Nhìn lên bầu trời, nó cảm thấy ngạc nhiên vô cùng. Ở dưới miệng giếng, bầu trời chỉ bé bằng một chiếc vung. Nhưng lúc này, bầu trời rộng lớn biết bao nhiêu. Vì quá mải ngắm nhìn bầu trời mà ếch không nhìn thấy một bác trâu đi ngang qua. Bác trâu nói:
– Kìa, cậu ếch kia. Tránh đường cho ta đi!
Ếch nghe xong, liếc nhìn bác trâu, chẳng có chút sợ hãi mà cứ nghênh ngang bước tiếp. Thế rồi, nó bị bác giẫm chết lúc nào không hay.
Truyện “Ếch ngồi đáy giếng” đã gửi gắm bài học rằng chúng ta không nên chủ quan, kiêu ngạo và coi thường những người xung quanh. Mỗi người cần phải biết nhìn xa trông rộng dù hoàn cảnh và môi trường sống có giới hạn.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 6
Từ xưa, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai và lão Miệng vẫn sống hòa thuận với nhau. Một ngày nọ, cô Mắt than thở với cậu Chân, cậu Tay rằng:
– Bác Tai, hai anh và tôi đều làm việc vất vả, chỉ có lão Miệng chỉ ăn không ngồi rồi. Tôi tính, chúng ta không làm việc nữa, xem lão Miệng có sống được không.
Cậu Chân, cậu Tay thấy phải, liền nói:
– Đúng đấy! Vậy chúng ta hãy đến nói cho lão Miệng rằng lão hãy tự lo lấy thân.
Thế rồi, Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay cùng kéo đến lão Miệng. Ngang qua nhà bác Tai, họ thấy bác ngồi im lặng như nghe ngóng điều gì. Cả ba cùng chạy vào và nói:
– Bác Tai ơi, chúng cháu đang định đến nhà lão Miệng. Lão cần phải biết từ nay chúng cháu sẽ không làm cho lão ăn nữa. Lâu nay, chúng cháu và bác đã vất vả rồi. Bác có đi cùng không ạ?
Bác Tai tán thành ngay:
– Phải, phải… Bác sẽ đi cùng các cháu!
Thế rồi, họ cùng đi đến nhà lão Miệng. Đến nơi, họ chẳng thèm chào hỏi, mà nói thẳng với lão:
– Chúng tôi đến đây không phải để chào hỏi, mà để thông báo với ông rằng: Kể từ nay, chúng tôi sẽ không làm việc nuôi ông nữa. Chúng tôi đã vất vả quá nhiều rồi.
Nghe vậy, lão Miệng ngạc nhiên lắm. Lão lựa lời nói cho họ bớt giận, và bàn bạc lại:
– Xưa này, chúng ta vẫn sống hòa thuận, vui vẻ. Sao nay mọi người lại có suy nghĩ như vậy? Nếu có điều gì không hài lòng, mọi người hãy nói ra để chúng ta cùng bàn bạc.
Nhưng cả bốn đều lắc đầu, cùng nói:
– Không cần bàn bạc gì cả. Chúng tôi đã quyết định như vậy rồi. Kể từ này, ông hãy tự lo lấy thân.
Thế rồi, họ kéo nhau ra về. Từ đó, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay không làm gì nữa. Ngày này qua ngày khác, họ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, rã rời. Cậu Chân, cậu Tay không muốn chạy nhảy như trước, cô Mắt thì ngày cũng như đêm lúc nào cũng lờ đờ, hai mí mặt nặng trĩu. Bác Tai lúc nào cũng thấy ù ù. Đến ngày thứ bảy, họ không thể chịu được nữa, đành họp nhau lại để bàn. Bác Tai cố nói với cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay:
– Các cháu, chúng ta đã sai lầm rồi. Chúng ta nếu không làm cho lão Miệng có cái ăn thì chúng ta sẽ bị tê liệt cả. Lão Miệng không làm đi làm, nhưng lão có công việc là nhai. Trước kia sống với nhau thân thiết như thế, nay tự dưng chúng ta gây nên chuyện. Lão Miệng phải ăn thì chúng ta mới khỏe được.
Cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay nghe lấy làm phải, liền cố gượng dậy đi theo bác Tai đến nhà lão Miệng. Đến nơi, họ thấy lão Miệng cũng nhợt nhạt cả hai môi, hai hàm khô như rang, không buồn nhếch mép. Bác Tai, cô Mắt vực lão Miệng dậy. Còn cậu Chân, cậu Tay vội vã đi tìm thức ăn. Lão Miệng ăn xong, dần dần tỉnh lại. Còn những người khác cũng thấy khỏe mạnh hơn. Từ đó, lão Miệng, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay lại sống thân thiết như trước, không còn tị nạnh nhau.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 7
Trong cái giếng nọ, có một con ếch sống đã lâu. Xung quanh nó chỉ có vài con nhái, cua, ốc… bé nhỏ. Hằng ngày, ếch đều cất tiếng kêu khiến các con vật khác sợ hãi. Thấy vậy, ếch thích thú lắm. Nó thương nhìn lên miệng giếng, tưởng rằng bầu trời chỉ bé nhỏ bằng cái vung. Còn nó thì oai phong như một vị chúa tể. Một năm nọ, trời mưa to suốt ngày này qua ngày khác. Chẳng mấy, nước trong giếng dâng cao đến tận miệng. Ếch theo dòng nước ra ngoài. Cảnh vật bên ngoài đều lạ lẫm, khác hẳn với trong giếng. Ếch quen thói cũ, đi lại nghênh ngang mà không thèm để ý xung quanh. Bỗng nhiên, một bác trâu đi ngang qua, nhưng không thấy ếch. Thế rồi, nó bị bác giẫm chết lúc nào không hay.
Kể lại một truyện ngụ ngôn – Mẫu 8
Chuyện kể rằng có một người thợ mộc đã dốc hết vốn liếng trong nhà ra mua gỗ để làm nghề đẽo cày. Cửa hàng của anh ta ở ngay bên vệ đường, thỉnh thoảng lại có người vào xem.
Một hôm, có ông cụ đến nói:
– Anh phải đẽo cày cho cao, cho to mới dễ cày.
Nghe vậy, anh ta cho là phải, liền đẽo cày vừa cao, vừa to. Mấy hôm sau, một bác nông dân đến xem rồi bảo:
– Đẽo cày thế này sao cày được, phải đẽo cày thấp hơn và nhỏ hơn.
Cho là có lí, anh ta lại đẽo cày thấp hơn, nhỏ hơn. Nhưng hàng bày đầy ra mà chẳng có ai đến mua. Thế rồi, lại có người đến bảo với anh ta:
– Trên núi, người ta đang phá hoang, cày toàn bằng voi cả. Anh phải đẽo cày to gấp đôi, gấp ba lần để cho voi cày mới dễ bán, lãi sẽ được nhiều.
Nghe đến được nhiều lãi, anh thợ mộc liền dồn toàn bộ số gỗ còn lại, đẽo cày với kích thước lớn cho voi cày. Vậy mà, chẳng một người nào đến mua.
Bao nhiêu gỗ của anh ta đều hỏng hết. Toàn bộ vốn liếng đi đời nhà ma. Khi đó, anh ta hiểu cả tin người là dại thì đã quá muộn.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 7: Kể lại một truyện ngụ ngôn (8 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.