Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn (10 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Hôm nay, Thcslytutrongst.edu.vn sẽ cung cấp tài liệu Bài văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn.
Tài liệu được chúng tôi giới thiệu sẽ bao gồm 10 mẫu nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn. Các bạn học sinh lớp 7 có thể tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải ngay sau đây.
Mẫu tham khảo số 1
Ông cha ta đã gửi gắm bài học ý nghĩa qua câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu tục ngữ đã mượn hình ảnh có trong thực tế, từ những khối sắt to lớn và thô sơ, họ đã rèn rũa sẽ trở thành một chiếc kim nhỏ bé nhưng sắc nhọn. Từ đó, lời khuyên nhủ con người nếu có lòng kiên trì, nghị lực vượt qua những khó khăn nhất định sẽ đạt được thành công. Lời khuyên nhủ trên là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta có thể bắt gặp nhiều tấm gương trên thế giới như vợ chồng nhà bác học người Pháp: Pi-e Quy-ri và Ma-ri Quy-ri, họ đã kỳ công trong bốn năm trời lọc đi lọc lại tám lần bã quặng để tìm được một phần mười gam chất phóng xạ Radium. Hoặc như ca sĩ Ô-pê-ra nổi tiếng En-ri-cô Ca-xu-rô từng bị thầy giáo chê là thiếu chất giọng và không thể nào hát được. Nhưng không vì vậy mà ông từ bỏ đam mê của mình, chỉ có sự kiên trì tập luyện, nỗ lực không ngừng mới đem đến thành quả cho En-ri-cô Ca-xu-rô. Và cũng có rất nhiều con người nhỏ bé ngoài kia, họ vẫn luôn kiên trì với mục tiêu, ước mơ của bản thân để có được thành công, trở thành những con người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, vẫn có một số người không có lòng kiên trì, nghị lực. Họ ngại đối mặt với khó khăn trong cuộc sống, luôn lo lắng và sợ hãi thất bại. Khi gặp phải thử thách, họ sợ hãi không dám bước tiếp, quyết định từ bỏ. Những con người như vậy sẽ mãi sống trong thất bại. Còn với mỗi học sinh cần phải cố gắng học tập, không ngại đương đầu với thử thách, kiên trì với ước mơ của bản thân. Tóm lại, câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim” đã để lại một bài học ý nghĩa.
Mẫu tham khảo số 2
Những hành trình sẽ giúp con người tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm, bởi vậy mà ông cha ta đã có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là lời răn dạy giàu giá trị. Câu tục ngữ bao gồm hai vế câu “đi một ngày đàng” và “học một sàng khôn”. Ở vế câu đầu tiên, “đi” là hành động, sử dụng đôi chân để di chuyển từ nơi này sang nơi khác; “đàng” có nghĩa là con đường, được tạo ra để thuận tiện cho việc di chuyển. Hiểu sâu xa hơn thì “đi một ngày đàng” có nghĩa là đi ra bên ngoài học hỏi, khám phá. Đến vế thứ hai, “học” có nghĩa là học hỏi, thu nhận kiến thức rèn luyện kĩ năng; “sàng” là dụng cụ làm gạo của người nông dân xưa có hình tròn, đan bằng tre. “Học một sàng khôn” có nghĩa là học hỏi thêm được nhiều kiến thức. Như vậy, câu tục ngữ trên muốn nói rằng những chuyến đi sẽ giúp con người học hỏi thêm được nhiều kiến thức, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Đồng thời, thế hệ đi trước cũng muốn động viên, khích lệ tinh thần học hỏi, khám phá của mỗi người để mở mang kiến thức, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích. Bên cạnh đó vẫn có những người sống thụ động, hèn nhát. Họ không dám tiến bước về phía trước, thoát khỏi vùng an toàn của mình để chinh phục mục tiêu của bản thân. Có thể khẳng định rằng câu tục ngữ “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” đã đem đến một lời khuyên quý giá cho con người.
Mẫu tham khảo số 3
Môi trường là tất cả những điều kiện vật chất bao quanh sự sống của con người bao gồm đất, nước, không khí… Đó là nơi để con người có thể sinh sống và phát triển. Đó cũng là nơi cung cấp những điều kiện vật chất cho cuộc sống con người như không khí để thở, nước để uống, cây xanh cung cấp oxy. Môi trường có trong lành ngăn cản sự phát triển của các vi sinh vật có hại (không khí sạch ngăn cản vi khuẩn, virus, nước sạch ngăn cản của bọ gậy, muỗi…). Khi môi trường bị ô nhiễm con người sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Bởi vậy, chúng ta cần bảo vệ môi trường, để bảo vệ chính cuộc sống của mình. Những việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ đem lại kết quả tích cực như: không xả rác bừa bãi, bảo vệ rừng, trồng nhiều cây xanh, hạn chế sử dụng bao bì ni-lông… Hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường!
Mẫu tham khảo số 4
Bài ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” là một lời răn dạy sâu sắc. Việc sử dụng hình ảnh “bầu” và “bí” đã gợi cho người đọc liên tưởng đến con người dù không cùng một mẹ sinh ra, nhưng vẫn chung sống trong một đất nước, có cùng một nguồn cội. Bởi vậy mà mỗi người cần có tình yêu thương, sự chia sẻ với những người xung quanh. Trong quá khứ, con người Việt Nam luôn sống chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Chắc hẳn chúng ta không thể quên được hình ảnh về một nạn đói khủng khiếp năm 1945 với hậu quả là hơn hai triệu người dân bị chết đối. Nhưng chính trong khó khăn, tinh thần tương thân tương thái mới sáng ngời. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Hũ gạo cứu đói” đã được hưởng ứng nhiệt tình đã thể hiện tấm lòng biết san sẻ của nhân dân. Ngày hôm nay, chúng ta vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp đó. Đồng bào miền Trung đã phải hứng chịu liên tiếp những đợt lũ khiến cho của cái, mùa màng mất trắng. Nhưng với tinh thần không ai bị bỏ lại, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời, nhiều chiến sĩ bộ đội đã phải hy sinh tính mạng trên đường đi giải cứu cho người dân, sự đóng góp của các mạnh thường quân… Tất cả đã thể hiện một tinh thần yêu thương, đùm bọc quý giá của người dân Việt Nam. Còn với học sinh thì có những hành động như giúp đỡ bạn bè trong học tập; quyên góp ủng hộ sách vở cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Bài ca dao “Bầu ơi thương lấy bí cùng” thực sự có giá trị đến muôn đời.
Mẫu tham khảo số 5
Tục ngữ là những câu nói chứa đựng bài học quý giá của ông cha ta. Trong số đó là câu “Đói cho sạch, rách cho thơm” – một lời khuyên quý giá về cách sống.
Câu tục ngữ gồm hai vế, đối xứng nhau “đói cho sạch” – “rách cho thơm”. “Đói” và “rách” là tượng trưng cho hoàn cảnh sống khó khăn, thiếu thốn, cùng cực của con người, một đời sống vất vả, không được ấm no, hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, câu tục ngữ đã khuyên nhủ mỗi người cần phải giữ cho mình được “sạch” và “thơm”, không chỉ nói đến hình thức bên ngoài mà còn là tâm hồn bên trong. Cần biết giữ cho mình lòng tự trọng, không để tâm hồn bị vẩn đục, có những suy nghĩ xấu xa để khắc phục hoàn cảnh sống, luôn sống ngay thẳng, trong sạch.
Trong cuộc sống, con người sẽ có lúc gặp khó khăn. Những thiên tai, dịch bệnh… là những hiểm họa khó lường. Khi đứng trước những gấp khúc cuộc đời, dân gian có lời khuyên chí lí: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo đói mà sống trong sạch, khó khăn thiếu thốn mà giữ được phẩm cách, danh dự. Đó là điều không đơn giản, không phải ai cũng làm được. Nhưng đó là điều cần thiết để khiến bản thân ngày càng tốt đẹp hơn.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết tu dưỡng đạo đức, giữ cho tâm hồn trong sáng. Con người có biết lao động cần cù, sống giản dị, tiết kiệm thì mới có thể biến câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” thành hiện thực. Đối với một học sinh, việc giữ gìn phẩm chất trong sạch được thể hiện ở những hành động nhỏ hàng ngày. Ví dụ như không gian lận trong thi cử, cố gắng học tập dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, sống giản dị không đua đòi…
Tóm lại, đây câu tục ngữ ấy đã trở thành bài học luân lý. Và cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
Mẫu tham khảo số 6
Câu “Học thầy không tày học bạn” đã đem đến cho mỗi người một bài học giá trị. Dụng ý của câu tục ngữ muốn nhắc nhở về cách học, phương pháp học tập. Hiểu rất đơn giản là việc học thầy không bằng việc học bạn, ở đây từ “tày” đồng nghĩa với từ “bằng”. Thầy cô chỉ dạy ở trên lớp học. Còn phần lớn thời gian, chúng ta học tập và vui chơi cùng bạn bè. Vì vậy, chúng ta có thể trao đổi về bài học, hay học tập được cách ứng xử của bạn để hoàn thiện bản thân. Liên hệ mở rộng, câu tục ngữ nói đến việc học kiến thức trong nhà trường không bằng với việc chúng ta học hỏi những kiến thức bên ngoài, những kĩ năng trong cuộc sống. Dù vậy, câu tục ngữ không có mục đích để hạ thấp vai trò của người thầy, mà muốn nhắc nhở con người cần chú trọng đến cách học tập. Học từ thầy cô, bạn bè đều có những ưu nhược điểm riêng. Và mỗi người hãy nên biết tự lựa chọn cách học cho bản thân thật đúng đắn. Lựa chọn cách học thầy, học bạn sao cho tích cực, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho bản thân phát triển. Như vậy, câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn” có giá trị nhất định trong hành trang của mỗi con người trong cuộc sống này.
Mẫu tham khảo số 7
Hiểu được giá trị của tình yêu thương trong cuộc sống, ông cha ta đã gửi gắm lời khuyên qua câu “Thương người như thể thương thân”. Câu tục ngữ tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bài học sâu sắc. “Thương người” có nghĩa là tình cảm quý mến, sự chia sẻ hay giúp đỡ với những người xung quanh. Còn “thương thân” có nghĩa là tự yêu thương, chăm sóc và trân trọng chính mình. Cách so sánh “thương người như thể thương thân” nhằm nhắn nhủ mỗi người rằng hãy yêu thương, trân trọng người khác như yêu thương và trân trọng bản thân. Chúng ta sinh ra không có ai là hoàn hảo. Mỗi người sống trong một hoàn cảnh riêng. Có người sung sướng, đủ đầy. Cũng sẽ có người khổ cực, thiếu thốn. Sự chia sẻ, yêu thương sẽ giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đồng thời, người biết đồng cảm, yêu thương sẽ nhận lại sự trân trọng từ những người xung quanh. Bên cạnh đó, vẫn có người sống ích kỉ, vô cảm. Họ chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, coi thường những người nghèo khổ. Đó là lối sống đáng lên án và phê phán và chúng ta cần phải tránh xa. Tóm lại, câu tục ngữ “Thương người như thể thương thân” là một lời răn dạy quý giá của ông cha ta để lại.
Mẫu tham khảo số 8
Trong cuộc sống, thứ tình cảm cao quý nhất chính là tình mẫu tử. Tình mẫu tử là tình cảm mẹ con ruột thịt, là tình thân bền chặt. Người mẹ suốt chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, đợi chờ đứa con cất lên tiếng khóc chào đời. Mẹ dành trọn cuộc đời để cưu mang, dạy dỗ và nuôi nấng con nên người. Dù phải chịu bao sự vất vả, gian lao, nhọc nhằn cũng không làm mẹ mệt mỏi khi nghĩ về những đứa con yêu. Người mẹ dành trọn sự hy sinh thầm lặng cho con. Những nếp nhăn hằn sâu trên trán, những đôi tay chai sần… là bao nhiêu vất vả mà mẹ đã trải qua vì những người con. Tình mẫu tử ấy còn là tình cảm của những người con dành cho mẹ mình, đó là sự kính trọng, quan tâm, lo lắng khi mẹ ốm đau bệnh tật. Đó là sự yêu thương, chăm sóc mẹ khi về già, là sự nỗ lực phấn đấu từng ngày mang lại thành quả để mẹ có thể mỉm cười, an lòng, mãn nguyện. Mỗi chúng ta hãy ý thức được tầm quan trọng của thứ tình cảm thiêng liêng – tình mẫu tử trong cuộc sống. Hãy biết trân trọng và bảo vệ nó như những điều đáng quý nhất trong cuộc đời.
Mẫu tham khảo số 9
Học tập mang lại cho con người nhiều kiến thức bổ ích, bởi vậy mà V.Lê-nin đã khẳng định rằng: “Học, học nữa, học mãi”. Về khái niệm “học” có thể hiểu đơn giản là sự tiếp thu kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức của bản thân. Câu nói sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, từ “học” được nhắc lại tới ba lần kết hợp với các từ “nữa, mãi” nhằm mở rộng về “thời gian” cho động từ “học” đã chứa đựng ý nghĩa to lớn. Với “học nữa” có nghĩa là tiếp tục học, còn “học mãi” học tập không ngừng, kéo dài đến hết đời. Đây là một lời răn dạy đúng đắn, bởi việc học rất cần thiết đối với con người. Kiến thức giống như một đại dương vô tận, còn hiểu biết của chúng ta chỉ như một giọt nước. Dù là những nhà bác am hiểu sâu rộng, vẫn luôn nỗ lực học tập, tìm hiểu. Chúng ta cần hiểu được học tập là một quá trình, không phải chỉ là một giai đoạn. Thành công chỉ đến với những người luôn cố gắng.
Mẫu tham khảo số 10
Có ai đó đã từng nói rằng: “Lời nói dối không có chân, nhưng tai tiếng thì có cánh”. Quả thật, lời nói dối đã gây ra những tác hại vô cùng to lớn đến con người.
Đầu tiên, cần phải hiểu được rằng nói dối là nói sai sự thật. Con người nói đối thường nhằm mục đích che đậy một điều gì đó để bảo vệ lợi ích cá nhân. Những lời nói dối đa phần đều xuất phát từ mục đích không tốt đẹp. Nó sẽ gây ảnh hướng đến những người xung quanh, cũng như chính bản thân người nói dối.
Chắc chắn, trong cuộc sống, mỗi người đều từng một lần nói dối. Nhưng nếu nhiều lần tái phạm sẽ tạo thành một thói quen không tốt. Lời nói dối một đôi lần có thể trở nên vô hại, song nhiều lần như thế sẽ trở thành một căn bệnh gây nguy hiểm khó lường.
Không có lời nói dối nào mà không bị phát hiện. Một lời nói dối đôi khi sẽ khiến chúng ta vĩnh viễn đánh mất niềm tin nơi người khác. Có đôi khi, những lời nói dối còn gây hại cho người khác.
Chính vì vậy, chúng ta luyện tập cho mình được những thói quen tốt. Cần cố gắng khắc phục điểm yếu của mình, biết đối mặt và tôn trọng sự thật để rút ra những bài học quý giá.
Nói dối có hại cho bản thân – đó là một lời khuyên quý giá cho tất cả mọi người. Hãy sống thật với mình, với người và với đời. Đừng để con rắn gian dối len lỏi vào tâm hồn chúng ta, chúng ngày ngày sẽ gặm nhấm nhân cách con người, đẩy chúng ta tách biệt riêng với đồng loại.
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 7: Nghị luận về một vấn đề trong đời sống ngắn gọn (10 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 7 tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.