Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa 4 Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
TOP 9 bài Nghị luận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa SIÊU HAY, kèm theo 4 dàn ý chi tiết. Qua đó,giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ hơn về tác phẩm, nhanh chóng hoàn thiện bài văn của mình.
Qua truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, chúng ta cảm nhận được bức tranh thiên nhiên Sa Pa đẹp thơ mộng, cùng vẻ đẹp của những con người lao động đang ngày đêm cống hiến cho đất nước. Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết dưới đây để ngày càng học tốt môn Văn 9.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa
- Đôi nét về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
- Dàn ý nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa (4 mẫu)
- Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
- Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa (8 mẫu)
Đôi nét về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
1. Hoàn cảnh sáng tác
Lặng lẽ Sa Pa được viết năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả Nguyễn Thành Long, in trong tập “Giữa trong xanh”.
2. Ý nghĩa nhan đề
Tác giả đặt tên truyện là “Lặng lẽ Sa Pa” vì Sa Pa là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, nơi có không gian tĩnh mịch, yên ắng, thơ mộng – nơi nghỉ mát nổi tiếng, lý tưởng. Nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” đã thể hiện rõ chủ đề của truyện: ca ngợi vẻ đẹp và ý nghĩa những công việc thầm lặng của các nhà khoa học ở Sa Pa.
3. Bố cục (3 phần)
Phần 1 (từ đầu đến “Kìa, anh ta kia”): Anh thanh niên qua lời kể của bác lái xe.
Phần 2 (tiếp theo đến “không có vật gì như thế”): Cuộc gặp gỡ, trò chuyện giữa ông họa sĩ, cô kĩ sư và anh thanh niên.
Phần 3 (còn lại): Cuộc chia tay giữa ba người.
4. Tóm tắt
Truyện kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của anh thanh niên, ông họa sĩ, cô kĩ sư và bác lái xe tại trạm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, trong vòng chưa đầy nửa tiếng. Ông họa sĩ và cô kĩ sư lên thăm nơi ở và làm việc của anh thanh niên. Anh bộc bạch về công việc và cuộc sống của mình. Họa sĩ đã kịp ghi lại kí họa chân dung về anh. Anh đã làm cô kĩ sư và ông họa sĩ sống dậy những khát vọng cống hiến. Họ đã chia tay trong tình cảm lưu luyến, xúc động.
5. Giá trị nội dung
Truyện ngắn khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động thầm lặng cống hiến cho đời mà tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao. Qua đó ngợi ca vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng nhưng quan trọng vô cùng.
6. Giá trị nghệ thuật
Tác phẩm thành công trong việc xây dựng tình huống, miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn tạo tính khách quan, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và trữ tình.
Dàn ý nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
- Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.
- Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến đi Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả.
b. Nhân vật anh thanh niên
- Là người làm công tác khí tượng thủy văn, đó gió, đo mây.
- Anh tự sắp xếp cuộc sống, dù một mình ở trên đỉnh núi cao anh vẫn có bầy gà đẻ trứng, có trà ngon, có vườn hoa.
- Anh chàng này “thèm người”, sống một mình trên núi nên anh luôn muốn gặp con người dù chỉ một chút, anh muốn nhìn thấy họ, muốn nghe giọng nói của họ. Có khi anh còn để cây ngang đường để có thể gặp người nói chuyện vài câu.
- Anh luôn sống trong tinh thần lạc quan, một trái tim ấm áp, yêu đời. Anh đã vui sướng biết bao khi kể về câu chuyện khi kịp phát hiện ra các đám mây khô mà từ đó quân ta đã hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.
- Anh rất khiêm tốn, khi biết họa sĩ muốn vẽ mình, anh đã từ chối, anh kể ra rất nhiều người khác phải hi sinh như thế nào, chứ mình không là gì cả.
- Anh tâm sự với mọi người “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Qua chi tiết này, anh thanh niên hiện lên là một người không ngại khó khăn, thử thách vẫn dấn thân vào con đường biết rằng không mấy bình lặng.
c. Nhân vật bác họa sĩ và cô gái
- Là những con người lao động bình thường, đứng trước cuộc sống của anh thanh niên thì đem lòng cảm phục.
- Đại diện cho những người xây dựng đất nước tươi sáng, sống có lí tưởng, biết trân trọng những người anh hùng thầm lặng.
- Xúc động trước cuộc sống và cống hiến của anh thanh niên. Chính từ sự xúc động đó, cô gái đã đem lòng cảm mến anh thanh niên.
d. Khái quát nội dung, nghệ thuật
- Nội dung: khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường. Qua đó, khẳng định vẻ đẹp của con người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
- Nghệ thuật: xây dựng thành công tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị của câu chuyện.
Nghị luận về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa
Nguyễn Thành Long sinh năm 1925, mất năm 1991, ông là một nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Các tác phẩm của Nguyễn Thành Long đều rất lôi cuốn với cách kể chuyện hấp dẫn, đậm chất trữ tình. “Lặng lẽ Sa Pa” là một tác phẩm hay của ông, truyện ngắn được viết trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai vào năm 1970.
Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, thú vị của anh thanh niên với ông hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Khác với những truyện ngắn hiện đại giàu kịch tính với tình huống truyện chứa đựng những mâu thuẫn, kịch tính, tình huống truyện trong Lặng lẽ Sa Pa lại vô cùng đơn giản, nhẹ nhàng. Nhưng không vì thế mà câu chuyện trở nên kém sâu sắc, qua tình huống truyện tự nhiên cùng lối viết bình dị mà gần gũi, tác giả đã mang đến cho người đọc những cảm nhận thật đẹp về con người, về sự cống hiến bình lặng, âm thầm.
Trong tác phẩm, Nguyễn Thành Long đã xây dựng những nhân vật vô cùng gần gũi, họ say mê với công việc, yêu công việc và cuộc sống của chính họ. Đầu tiên phải kể đến là anh thanh niên- nhân vật chính của truyện. Nhân vật anh thanh niên hiện lên qua cái nhìn của những nhân vật khác với những nét đẹp đáng trân trọng về phẩm chất. Công việc của chàng trai hai bảy tuổi là làm công tác khí tượng, đo mưa, đo gió, dự báo những tình huống thời tiết có thể xảy ra để phục vụ chiến đấu và sản xuất. Một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm rất cao. Làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét, quanh năm gắn với cây cỏ và sương mù, anh tự thấy mình là kẻ “cô độc nhất thế gian” và “thèm người” đến lạ.
Tuy cô đơn và buồn nhưng khi làm việc, anh thanh niên luôn hết mình với nó, anh từng tâm sự với bác hoạ sĩ: “ta với công việc là đôi, công việc gắn liền với việc của bao nhiêu anh em, đồng chí đang làm dưới kia, công việc gian khổ thế đấy nhưng cứ cất nó đi cháu đến chết mất”. Điều này đã cho thấy anh thanh niên vô cùng trách nhiệm với công việc, là người dám làm, dám chiến đấu hết mình với công việc. Không chỉ vậy, đây còn là một nhân vật có nghị lực, vượt những gian khó, cô đơn, vượt lên trên những thiếu thốn về vật chất và tình cảm, vượt lên những cơn rét buốt của thời tiết, anh gắn bó với công việc đầy tận tuỵ. Suốt 4 năm ròng anh chưa một lần nghỉ phép, chưa để sai sót một con số nào khi báo cáo với cơ quan. Trách nhiệm, tận tuỵ, nghị lực với công việc, trong cuộc sống hàng ngày, anh thanh niên cũng rất đỗi thú vị. Anh là người ham đọc sách, cũng rất biết cách sắp xếp cuộc sống của mình sao cho khoa học. Anh thích trồng hoa, nuôi gà, biết chăm sóc, thu vén như một người phụ nữ trong gia đình, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, gọn gàng. Với chàng trai trẻ ấy, mỗi phút, mỗi giây anh còn được ở đây, còn sống và làm việc thì phải cống hiến và tận hưởng hết mình, không thể nào lãng phí. Bên cạnh đó, ta còn thấy được nét tính cách đáng quý của nhân vật anh thanh niên qua sự khiêm tốn, chân tình, cởi mở khi giao tiếp với những vị khách ghé thăm nhà. Đó là những tình cảm nồng hậu của con người Việt Nam mà thật đáng để trân quý.
Nhân vật ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ cũng là những nhân vật rất ấn tượng trong truyện. Qua cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ dành cho anh thanh niên, nhân vật được hiện lên rõ nét hơn. Một bác hoạ sĩ yêu cái đẹp, trân trọng cái đẹp của con người, của cuộc sống đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc khó phai. Hình ảnh cô kĩ sư trẻ trong cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng là một hình tượng đẹp, cô gái ấy là một bức chân dung sáng ngời về hành động dám thử thách, dám chinh phục ước mơ của mình. Cuộc nói chuyện với anh thanh niên đã giúp cô gái trẻ vững vàng, dũng cảm và tự tin hơn trên con đường mà cô đang chọn, cô đã nhận được bó hoa đẹp nhất trong ngày gặp gỡ “bó hoa của một hào hứng và hạnh phúc ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.
Không cần những ngôn từ hoa mĩ hay trau chuốt quá hoàn hảo, Nguyễn Thành Long đã xây dựng cốt truyện và chân dung nhân vật vô cùng tự nhiên, hợp lý bằng ngôn ngữ bình dị mà giàu sức gợi. Cách kể kết hợp tả, biểu cảm và bình luận càng làm cho áng văn thêm sâu sắc.
Qua văn bản, tác giả đã khắc hoạ thành công đẹp của những người lao động mới, họ thầm lặng cống hiến, thầm lặng hi sinh không quản nhọc nhằn, vất vả. Một tác phẩm được viết trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, nhưng ta không hề thấy cái sự ác liệt, hiểm nguy nơi chiến trường mà cảm nhận được sự bình yên của quê hương, nơi những con người cứ lặng lẽ sống, cống hiến thanh xuân, ước mơ của mình để phục vụ đất nước ơi những cuộc đời quên thân mình vì sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 1
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cùng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình” Nhắc tới vùng đất Sa Pa, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ ngay tới việc nghỉ ngơi, ngắm cảnh hay đơn giản và tới thăm cuộc sống của những người dân bản. Cũng như chúng ta là những người thanh niên nhưng thường hay nghĩ tới làm những công việc to lớn mà không hề biết được, có những con người vẫn còn trẻ nhưng đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để làm những công việc khó khăn, vất vả mà thường không ai làm. Đó chính là bởi lòng yêu nghề, say mê công việc mà anh đã chấp nhận hi sinh tất cả. Hình tượng ấy đã được cô đọng lại trong hình ảnh của người anh thanh niên trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
Câu chuyện kể về cuộc sống sinh hoạt và làm việc của anh thanh niên. Anh vừa là một cán bộ khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu. Cuộc sống của anh quanh năm chỉ có bốn bề cây cỏ cùng sương mù lạnh lẽo làm bạn. Công việc của anh hằng ngày chính là “ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”. Đó đều là những công việc đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, nhẫn nại và cũng vô cùng quan trọng đối với mỗi con người chúng ta. Làm việc một mình trong một không gian lớn, không những thế lại vô cùng gian khổ nhưng anh thanh niên vẫn luôn hoàn thành một cách nghiêm túc và cẩn thận nhất có thể. Anh kể lại đối với anh, khó khăn nhất là lúc anh phải ghi và báo về vào lúc một giờ sáng. “ Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đầy.
Nửa đêm gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ trực đợi mình ra là ào ào xơi tới”. Đối với những người thanh niên, đó là điều khó khăn nhất. Thế nhưng anh vẫn luôn yêu quý công việc của mình, luôn tự hào về nó và cũng muốn kể với tất cả mọi người về chúng “ Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao có thể một mình được. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất.” Đối với anh, anh không coi như đó là công việc bắt buộc mà anh đã coi công việc của anh là người bạn, người tri kỉ của mình. Đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống của anh. Anh là con người lặng lẽ nhưng những gì mà anh đóng góp cho đất nước tuy thầm lặng nhưng lại không hề nhỏ bé chút nào cả.
Tuy sống một mình, điều kiện lại thiếu thốn, thế nhưng anh luôn lạc quan và tìm những cách để sắp xếp cuộc sống của mình sao cho chúng trở nên ngăn nắp, ổn định và phong phú. Thế nhưng, dù tự sắp xếp cuộc sống của mình tốt như thế nào, nhưng trong khoảng thời gian dài mà không có người cùng nói chuyện, anh cảm thấy vô cùng thèm người. Thậm chí anh còn thèm người tới mức phải lấy cây gỗ chặn ở đường ô tô để được nghe thấy tiếng người và tự nhận mình là người “ cô độc nhất thế gian”. Tuy thế nhưng anh không hề thu mình lại mà luôn quan tâm, chu đáo khi có những người tới thăm nhà mình. Anh luôn sống với một thái độ khiêm tốn và nhã nhặn. Đối với những công việc của mình cùng những hi sinh cho công việc, anh không hề cảm thấy chúng to lớn mà với anh, đó chỉ là những đóng góp rất nhỏ bé. Thấy ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của mình, anh cảm thấy ngượng ngùng và lập tức vui vẻ giới thiệu những người khác anh biết mà anh cảm thấy còn xứng đáng được vẽ hơn chính bản thân mình. Đó là ông kĩ sư thụ hoa vườn su hào hay người thanh niên nghiên cứu bản đồ sét. Họ cũng đang thầm lặng đóng góp sức lực của mình hiến dâng cho đời mà không hề cần mọi người tung hô, biết tới. Dù còn trẻ nhưng anh đã hiểu được thế nào là sự hi sinh và niềm vinh quang thực sự.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy được một góc cạnh khác của cuộc sống, nơi những con người thanh niên như chúng ta vẫn đang cố gắng lao động và học tập, góp nhặt công sức của mình hiến dâng cho tổ quốc. Thế mới biết, cuộc sống của chúng ta có được như ngày hôm nay là nhờ biết bao nhiêu công sức của mọi người. Qua đây, chúng ta cần phải học tập, noi gương theo những con người như anh thanh niên trong câu chuyện để có thể góp công sức của mình xây dựng đất nước.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 2
“Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai của Nguyễn Thành Long. Đó là một câu chuyện nhẹ nhàng, tình cảm về cuộc sống của anh thanh niên làm nghề khí tượng thủy văn ở Sa Pa. Với ngòi bút tinh tế, trữ tình đầy cuốn hút, tác giả đã khéo léo dẫn dụ người đọc lạc vào xứ sở sương mù Sa Pa. Hình ảnh anh thanh niên có thể xem là hình ảnh nổi bật, neo giữ lại trong lòng người đọc nhiều tình cảm về những người đang lặng thầm cống hiến cho đất nước.
“Lặng lẽ Sa Pa” được kể với nhịp kể đều đều, không gấp gáp như chính mảnh đất nơi đây. Truyện kể về cuộc sống rất đỗi bình lặng, giản dị của anh thanh niên làm nghề đo gió, đo mưa, đo nhiệt độ, quanh năm làm bạn với mây trời hiu quạnh và cô độc. Nhưng cuộc sống này không hề khiến anh thấy nhàm chán mà ngược lại anh luôn sống hết mình, làm việc hết mình. Đây là điều mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc qua từng trang viết. Công việc của anh rất gian khổ nhưng ai hỏi anh cũng bảo không sao, anh quen rồi. Sự kiên trì, nhẫn nhịn để cống hiến là đức tính của một người thanh niên cần phải có. Và anh đã khiến người đọc khâm phục vì đức tính này.
Anh lặng lẽ kể cho ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ về cuộc sống hằng ngày của mình. Qua lời kể chúng ta thấy sự gian khổ, vất vả, nhọc nhằn “gian khổ nhất là phải ghi và báo lúc một giờ sáng, ở đây nhiều khi còn có tuyết nữa”, nhưng lại được kể với giọng điệu vui tươi và say mê. Anh sống và cống hiến hết mình cho đất nước, không ngại khó, ngại khổ. Có một điều chắc chắn người đọc sẽ ngạc nhiên và khâm phục khi anh thanh niên kể: “Công việc vất vả là vậy nhưng khi cất nó cháu buồn lắm”. Một sự chia sẻ chân thành và đầy ý nghĩa, cả cuộc đời anh gắn bó với công việc này, cả cuộc đời anh xem nó như lẽ sống, bởi vậy dù khó khăn nhưng xa thì sẽ nhớ và buồn biết bao.
Có lẽ không phải vô tình mà Nguyễn Thành Long không đặt tên cho nhân vật của mình, chắc chắn rằng đó là dụng ý nghệ thuật. Ông chỉ gọi là “anh thanh niên” gần gũi nhưng thân mật như vậy. Bởi cuộc đời, bởi công việc, bởi lý tưởng của anh luôn bình lặng đến như vậy. Ông đã tạo nên phong thái riêng cho nhân vật của mình. “Anh thanh niên” tạo cho mình một cuộc sống hòa nhập với thiên nhiên và nhờ có nó để sống và cống hiến: “Trước vườn anh trồng rất nhiều loại hoa đủ màu sắc, anh còn nuôi gà đẻ trứng ăn mãi không hết…”. Một cuộc sống bình dị, chân chất đến nhường nào. Cuộc sống ấy đã phần nào nói lên cuộc đời thầm lặng, không ganh đua với ai.
Dù sống một mình nhưng cuộc sống của anh không cô độc như người ta vẫn nghĩ, anh “thèm người”, bởi vậy nên anh rất hiếu khách, nói chuyện với họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ một cách say sưa. Đây là một đức tính không phải ai cũng có được. Anh mừng rỡ khôn xiết khi có người lên thăm, niềm vui ấy dù nhỏ nhưng với anh thật lớn lao và cao đẹp biết bao.
Qua ngòi bút của Nguyễn Thành Long, anh còn là một người rất tâm lý khi tặng hoa cho người con gái lần đầu tiên mà anh quen, trà cho họa sĩ già. Một con người như vậy sống giữa núi rừng bao la, hiểm trở thật khiến người khác ngưỡng mộ.
Với câu từ đẹp đẽ, nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng và tình cảm tha thiết, Nguyễn Thành Long đã vẽ nên một cuộc sống bình lặng nhưng đẹp tuyệt vời về anh thanh niên. Đó là người sống và cống hiến không ngừng cho đất nước. Hình ảnh nhân vật để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và bài học làm người cho thế hệ trẻ.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 3
“Lặng lẽ Sa Pa” được viết vào thời điểm khi đất nước bị chia cắt hai miền. Miền Bắc đã được tự do, độc lập nhưng Miền Nam vẫn bị bọn Mỹ Ngụy đánh chiếm, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, Miền Nam thì kháng chiến chống lại kẻ thù. Truyện đã khắc họa thế hệ thanh niên cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tình huống được Nguyễn Thành Long xây dựng nên đó là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và tình cờ của anh thanh niên làm việc một mình trên trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy. Nhân vật chính của tác phẩm là anh thanh niên nhưng anh không trực tiếp kể câu chuyện này mà thông qua cuộc hội thoại giữa các nhân vật. Nhân vật được hiện lên trong khoảnh khắc với một số nét đẹp về phẩm chất: suy nghĩ đẹp, hành động đẹp và phong cách sống đẹp nhưng chưa được xây dựng tính cách hoàn chỉnh và chưa có cá tính nổi bật.
Các nhân vật phụ có vai trò làm nổi bật lên nhân vật chính, các nhân vật thì thường không có tên và dường như điều đó là cả ẩn dụ của tác giả. Tác giả ý muốn nói đến những người vô danh đang ngày đêm thầm lặng, say mê cống hiến cho quê hương, đất nước.
Anh thanh niên hai mươi bảy tuổi làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600 mét. Quanh năm suốt tháng làm việc với sương mù và cây cỏ. Theo như lời giới thiệu của anh lái xe thì anh là người “cô độc nhất thế gian”. Anh thèm người đến mức từng chặt cây ngáng đường xe chạy chỉ để được trông và nghe tiếng người nói mà thôi. Công việc chính của anh là anh làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu. Công việc hằng ngày chỉ quanh quẩn với mấy chiếc máy ngoài vườn với nhiệm vụ đo lượng nắng, đo gió, đo mưa và tính giây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất và chiến đấu, công việc đòi hỏi tính phải chính xác, có tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy vậy, dù công việc có phần nhàm chán và tẻ nhạt lại còn cô đơn một mình nhưng anh chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và buồn. Anh luôn nghĩ rằng “ta với công việc là đôi, công việc gắn liền với việc của bao nhiêu anh em, đồng chí đang làm dưới kia, công việc gian khổ thế đấy nhưng cứ cất nó đi cháu đến chết mất”. Điều này cho thấy anh là con người sống và chiến đấu hết mình, không bao giờ cho mình được nghỉ ngơi, bởi công việc là niềm vui, là trách nhiệm, là nghĩa vụ, nếu mình chỉ cần sơ sẩy, không chú ý một lúc thôi là hậu quả hết sức khôn lường, ảnh hưởng tới cả một hệ thống, cả kế hoạch của ta.
Anh là người tràn trề nghị lực, vượt qua mọi cô đơn, gian khổ, gắn bó với công việc. Bốn năm nay anh chưa một lần nghỉ phép về nhà, chưa bỏ sót lấy một lần nào việc bỏ sót những con số để báo cáo về cơ quan cho anh em, đồng đội, đồng nghiệp phân tích và tính toán. Anh là người yêu sách và ham đọc sách, anh không cảm thấy cô đơn vì biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống của mình khoa học, trồng hoa, nuôi gà, trồng cây thuốc quý, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Anh không để mỗi phút, mỗi giây anh ở đây còn sống và cống hiến thì anh không thể bỏ sót và lãng phí được. Tính cách, phẩm chất đáng quý, sự cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm của mọi người, anh còn là người khiêm tốn, thành thực, là người ân cần, chu đáo, hiếu khách, anh cảm thấy vui sướng khi việc của mình làm không những góp phần cho sản xuất và còn đóng góp cho việc đấu tranh chống Mỹ thắng lợi. Anh thanh niên là tiêu biểu cho hàng ngàn thanh niên ngày đêm thầm lặng cống hiến cho đất nước.
Tác giả đã tài tình xây dựng tình huống truyện hợp lý, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, miêu tả và bình luận. Nguyễn Thành Long đã góp một tiếng nói ca ngợi cuộc sống và tái hiện một cách đầy đủ vẻ đẹp của con người qua nhân vật anh thanh niên. Khẳng định con người lao động có ý nghĩa thầm lặng, niềm hạnh phúc của con người trong lao động có ích.
Trong không khí đất nước đang náo nức và tưng bừng, phấn khởi để xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Là một thanh niên của thế hệ mới, chúng ta cần phải ra sức học tập và lao động hăng say để có thể đưa đất nước đi lên, sánh vai cùng với năm châu bốn biển trên thế giới. Với nhan đề vừa mâu thuẫn nhưng lại vô cùng hợp lý, “lặng lẽ” những con người nơi đây đang âm thầm và làm việc một cách khẩn trương, để kịp hoàn thành nhiệm vụ giao cho cấp trên, lao động một cách hăng say, đầy nhiệt huyết của một tuổi trẻ đang trong độ tuổi nhiệt huyết nhất, công việc thầm lặng của họ lại có ý nghĩa lớn lao, đáng được tôn vinh. Truyện ngắn là tiếng nói nhưng lại chỉ lặng lẽ, để mọi người hiểu và yêu mến những con người này thôi, tác giả hay anh thanh niên chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được đền đáp, công việc của mình lại có ý nghĩa to lớn như vậy.
Bên cạnh nhân vật chính thì còn có sự xuất hiện của các nhân vật khác, đó là bác lái xe, cô kỹ sư trẻ, bác họa sĩ. Truyện được kể theo ngôi kể thứ ba nhưng lại được nhìn theo điểm nhìn của ông họa sĩ. Hầu như người kể chuyện đã nhập vào điểm nhìn và tư tưởng của ông họa sĩ để quan sát và miêu tả cảnh thiên nhiên. Qua cảm xúc và suy nghĩ của ông họa sĩ thì nhân vật anh thanh niên được hiện lên rõ nét, đẹp hơn và có chiều sâu về tư tưởng. Cô kỹ sư cũng là một hình tượng đẹp, một bức chân dung sáng ngời về tuổi trẻ tài cao và dám chinh phục ước mơ của mình. Trong cuộc gặp gỡ với anh thanh niên, những điều anh kể, những gì cô nghe thấy, khiến cô gái cảm thấy “bàng hoàng” cô hiểu thêm về cuộc sống phải sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh thanh niên. Về thế giới của những người như anh. Đây là cái “bàng hoàng” lẽ ra cô nên biết từ lâu mà giờ cô mới biết, nó giúp cô đánh giá đúng hơn về mối quan hệ nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ. Với cô, anh thanh niên giống như là người đi trước, khiến cô cảm thấy vững vàng hơn, tự tin hơn trên hành trình mà cô đã chọn, bên cạnh sự bàng hoàng thì đó là sự hàm ơn, nó không phải chỉ vì bó hoa mà còn vì một “bó hoa nào khác, bó hoa của một hào hứng và hạnh phúc ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.
Đây là một trong những tác phẩm viết về đề tài người thanh niên trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng có thể nói rằng, tác giả không hề nhắc đến cái sự ác liệt nơi chiến trường mà thấy sự bình yên cùng những con người cứ lặng lẽ cống hiến sức khỏe, tuổi trẻ, ước mơ, thanh xuân của mình để phục vụ sự nghiệp của đất nước. Trong truyện có tới bốn nhân vật với những ngành nghề khác nhau, tuổi tác khác xa nhau, công việc và ước mơ chẳng giống ai và một điều đặc biệt đó là tác giả không đặt tên cho bất cứ một nhân vật nào trong truyện, không phải là nhà văn bí từ, mà ẩn sâu bên trong đó là cả dụng ý của tác giả, Nguyễn Thành Long ý muốn nói tới những người vô danh, họ cứ lặng lẽ cống hiến, tự nguyện hy sinh hạnh phúc của bản thân mình cho sự nghiệp chung của đất nước.
Với lời văn nhẹ nhàng, tác giả đã đưa tới những cảm xúc thật mới. Cốt truyện được xây dựng hết sức đơn giản, tình huống truyện hợp lý, cách đặt tên nhan đề đặc biệt, độc đáo bằng những danh từ chung vừa khẳng định được tính điển hình của nhân vật vừa nhấn mạnh được sự cống hiến âm thầm và lặng lẽ của họ. Cách kể chuyện tự nhiên kết hợp với tự sự, trữ tình và bình luận rất nhuần nhuyễn. Tất cả những yếu tố đó làm nên một tác phẩm đọc qua thì vô cùng đơn giản và không có gì đặc sắc nhưng càng đọc thì ta mới càng thấm cái hay cái đẹp của câu chuyện.
Truyện ngắn đã khắc họa thành công những con người lao động, cống hiến một cách thầm lặng, tiêu biểu là anh thanh niên mới hai mươi bảy tuổi làm việc ở trạm khí tượng trên đỉnh Hoàng Sơn. Qua truyện ngắn thể hiện được vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa to lớn của những con người đóng góp một cách thầm lặng trí tuệ và sức lao động của mình.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 4
Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” là thành quả của một chuyến đi thực tế tại Lào Cai của Nguyễn Thành Long. Đó là câu chuyện vô cùng nhẹ nhàng tinh tế của tác giả khi viết lên những người thầm lặng, lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến những nhiệt huyết của mình cho cuộc đời.
Bằng ngòi bút sâu sắc, trữ tình của mình tác giả đã đưa người đọc vào một bức tranh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp của thành phố Sa Pa. Câu chuyện xoay quanh nhân vật anh thanh niên. Anh là người lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến công sức của mình công việc cho tổ quốc mà không bao giờ đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, hay mong người khác ca ngợi mình. Công việc vất vả, mỗi ngày anh phải dậy từ rất sớm lúc một giờ sáng khi người ta còn đang say giấc nồng, thì anh đã phải tỉnh giấc đi bộ lên núi tới đài khí tượng. Mùa đông tuyết rơi phủ kín đường đi, trơn trượt rét buốt thấu xương. Anh phải lên đó để đo mưa, đo gió, vì anh làm nghề khí tượng thủy văn, cung cấp dự báo thời tiết cho con người.Công việc ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy nhưng anh không hề thấy nó nhàm chán, hay khổ cực. Nếu như phải rời xa nó anh lại cảm thấy buồn ở trong lòng. Anh thanh niên cũng là người ham học hỏi, ngoài giờ làm việc anh còn nghiên cứu thêm sách vở, những quyển sách mà anh vô cùng yêu mến phải nhờ bác tài xế lái xe từ dưới xuôi lên mua cho. Anh quý những quyển sách này hơn tính mạng mình.
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, còn có những nhân vật khác vô cùng đáng quý, như cô kỹ sư trẻ, hay bác họa sĩ già, bác lái xe. Những con người đó đều là những người đáng mến họ sống và cống hiến hết mình cho công việc, cho quê hương đất nước.
Như vậy, Nguyễn Thành Long là người vô cùng tinh tế khi vẽ lên anh niên có một tâm hồn cao thượng, luôn phấn đấu vì công việc, yêu mến công việc của mình từ trong đáy lòng. Ngoài ra, anh là người tình cảm tinh tế tặng hoa cho cô gái đầu tiên mình quen, tặng trà cho bác họa sĩ già, điều này cho thấy anh là người rất tình cảm yêu thương người khác.
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được viết với lối viết kể chuyện, nhẹ nhàng như dụ dỗ người đọc lạc vào xứ sở mù sương của Sa Pa. Tác giả đã vô cùng tuyệt vời khi phác họa chân dung của những con người tuyệt vời bằng ngòi bút chân thực, mộc mạc gần gũi, khiến cho người đọc càng thêm ngưỡng mộ những con người thầm lặng này. Họ đúng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay noi theo.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 5
Nguyễn Thành Long là một trong số những nhà văn có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi hiện đại nói riêng. Bằng lối viết nhẹ nhàng, giàu tình cảm cùng ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ và những hình tượng nhân vật độc đáo, những sáng tác của Nguyễn Thành Long về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc. Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”, sáng tác năm 1970 là một trong số những sáng tác tiêu biểu của ông.
Trước hết, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa đẹp, thơ mộng và tràn đầy sức sống. Bằng ngòi bút giàu chất thơ, tác giả Nguyễn Thành Long đã tái hiện lại khung cảnh Sa Pa thật tuyệt “Nắng bất ngờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe…”. Bằng thủ pháp liệt kê kết hợp với biện pháp nhân hóa, tác giả Nguyễn Thành Long như đã làm hiện lên trước mắt người đọc những nét đặc trưng, độc đáo rất riêng của mảnh đất Sa Pa. Tất cả cảnh vật như mang cái hồn điệu, dáng vẻ của Sa Pa và không gian rộng lớn ấy như bừng sáng, lung linh, rực rỡ.
Và để rồi, trên cái nền của thiên nhiên Sa Pa thơ mộng ấy, nhà văn đã khắc họa thành công chân dung các nhân vật với những vẻ đẹp đáng trân trọng. Trước hết đó chính là nhân vật anh thanh niên – nhân vật chính của truyện. Nhân vật anh thanh niên hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu tiên, ở anh thanh niên, ta thấy hiện lên một con người yêu nghề, luôn đam mê và hết mình vì công việc. Có lẽ vì yêu nghề nên anh thanh niên chấp nhận làm việc trong một điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt và đầy sự khắc nghiệt của thiên nhiên, khí hậu. Anh sống và làm việc “trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”. Ở cái độ cao ấy, lại sống một mình nên với anh, công việc cũng chính là bạn của mình, “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi” và có lẽ bởi vậy nên anh luôn tìm thấy niềm vui, tìm thấy ý nghĩa trong chính công việc ấy – “báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Với tình yêu và niềm đam mê với công việc, anh luôn hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc. Dẫu trong hoàn cảnh nào, anh vẫn báo kết quả công việc về nhà đúng giờ, mỗi đêm bốn lần.
Thêm vào đó, anh thanh niên còn là một người luôn tràn đầy tình yêu cuộc sống và sống lạc quan trong mọi hoàn cảnh. Sống một mình trên đỉnh núi cao, chắc hẳn nhiều người nghĩ anh sẽ sống cô đơn lắm, buồn lắm nhưng với anh lại hoàn toàn khác bởi lẽ anh luôn biết cách tự tạo ra niềm vui cho bản thân mình bằng những công việc rất giản dị, đời thường như trồng đủ các loài hoa với muôn vàn màu sắc quanh ngôi nhà của mình, nuôi gà, nuôi ong… Cùng với đó, anh còn chăm chỉ đọc sách để tìm niềm vui cho bản thân và làm tăng thêm vốn sống, vốn hiểu biết của mình. Đồng thời, anh còn là người biết sắp xếp căn phòng, cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, gọn gàng – “một căn nhà ba gian sạch sẽ khiến ông họa sĩ phải trầm trồ và bất ngờ”.
Không dừng lại ở đó, anh thanh niên còn là một người chân thành, cởi mở và giàu lòng hiếu khách. Trong anh thanh niên luôn hiện hữu một “nỗi thèm người”, muốn được trò chuyện cùng mọi người và vì vậy nên anh đã lấy khúc gỗ để chắn ngang đường để dừng những chuyến xe đi qua nơi đây. Khi gặp được người, anh vui mừng không xiết đến nỗi không thể làm chủ được cảm xúc của mình “anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến” hay “người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nói”. Thêm vào đó, anh rất cởi mở, hiếu khách và quan tâm đến tất cả mọi người, cho dù đó là những người mới chỉ lần đầu gặp gỡ. Khi có khách đến nhà, anh hồ hởi pha trà, rồi lúc họ ra về anh còn tặng họ hoa, trứng và hoa quả để ăn dọc đường. Anh còn tặng cho bác lái xe một củ tam thất để bồi bổ cho vợ bác vì anh tình cờ biết được việc vợ bác bị bệnh.
Cuối cùng, anh thanh niên là một con người khiêm tốn. Mọi người, ai cũng biết, công việc của anh góp phần phục vụ cho sản xuất và lao động, tạo nên những bước chuyển mình cho đất nước mình. Nhưng anh lại cho rằng đó là công việc rất nhỏ bé, đơn sơ và giản dị. Chính vì vậy mà khi ông họa sĩ muốn được vẽ anh thì anh từ chối, e ngại và muốn được giới thiệu người khác mà với anh họ xứng đáng hơn mình.
Như vậy, có thể thấy anh thanh niên hiện lên với nhiều vẻ đẹp cao quý, anh là hiện thân cho thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với anh thanh niên, trong tác phẩm còn có sự xuất hiện của các nhân vật khác như ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe… Mỗi người hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau trong tâm hồn, trong lối sống và góp phần làm bật nổi chủ đề của tác phẩm.
Đầu tiên không thể không nói đến đó chính là nhân vật ông họa sĩ. Mặc dù không phải là nhân vật chính của tác phẩm nhưng ông họa sĩ lại là nhân vật giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi ông mang điểm nhìn trần thuật của tác giả. Suốt cả câu chuyện, dường như, tác giả đã đặt mình vào vị trí của ông để quan sát và cảm nhận. Đồng thời, ở ông họa sĩ cũng hiện lên nhiều vẻ đẹp. Ông là một người họa sĩ chân chính, nghiêm túc, say mê và không ngần ngại khó khăn để đi tìm cái đẹp: “Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời…”. Đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc và gian nan. Thêm vào đó, khi gặp anh thanh niên, chứng kiến công việc và cuộc sống của anh, ông họa sĩ xúc động và bối rối còn trước vẻ đáng yêu của anh, ông lại thấy “nhọc quá” vì những điều người ta nghĩ về anh. Những cảm xúc, suy tư của ông họa sĩ về nhân vật anh thanh niên đã góp phần cho chân dung nhân vật anh thanh niên hiện lên sáng rõ.
Cùng với ông họa sĩ, nhân vật cô kĩ sư cũng là nhân vật để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Cô chính là hiện thân, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng những câu chuyện, những lời tâm sự của anh thanh niên đã khiến cô cảm thấy “bàng hoàng”, giúp cô hiểu hơn về anh, về những con người như anh và có lẽ đó chính là động lực, là niềm tin để cô có thể tự tin vững bước trên con đường cô đã lựa chọn.
Cuối cùng, đó chính là nhân vật bác lái xe. Nhân vật bác lái xe xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm và cũng là người tạo ra cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị giữa anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kĩ sư. Bác là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc, bác đã làm nghề lái xe ba mươi năm và có vốn hiểu biết phong phú về Sa Pa. Bác còn là một người niềm nở và cởi mở và có tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Sa Pa. Đồng thời, bác còn là cầu nối giữa anh thanh niên với miền xuôi, với cuộc đời – bác mua sách cho anh thanh niên, giới thiệu với anh những người bạn mới…
Tóm lại, với cách xây dựng tình huống truyện tự nhiên, hợp lý, lời văn mượt mà, giàu chất thơ, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động âm thầm, lặng lẽ trong công cuộc xây dựng xã hội mới.
Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa – Mẫu 6
Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Truyện sẽ được giới thiệu trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
Truyện xoay quanh một nhân vật chính là anh thanh niên. Anh vừa là một cán bộ khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Cuộc sống của anh quanh năm chỉ có bốn bề cây cỏ cùng sương mù lạnh lẽo làm bạn. Công việc của anh hằng ngày chính là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất”. Đó đều là những công việc đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ, nhẫn nại và cũng vô cùng quan trọng đối với mỗi con người chúng ta. Làm việc một mình trong một không gian lớn, không những thế lại vô cùng gian khổ nhưng anh thanh niên vẫn luôn hoàn thành một cách nghiêm túc và cẩn thận nhất có thể. Trong cuộc trò chuyện với bác họa sĩ, anh từng tâm sự: “ Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đầy. Nửa đêm gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ trực đợi mình ra là ào ào xơi tới”. Tuy khó khăn là thế nhưng anh vẫn luôn yêu quý công việc của mình, luôn tự hào về nó và cũng muốn kể với tất cả mọi người về chúng. Anh nói rằng: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao có thể một mình được. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất” Đối với anh, anh không coi như đó là công việc bắt buộc mà anh đã coi công việc của anh là người bạn, người tri kỉ của mình. Qua đó người đọc đã thấy được một tấm lòng say mê công việc. Công việc tuy lặng lẽ mà vô cùng ý nghĩa. Tuy sống một mình, điều kiện lại thiếu thốn, thế nhưng anh luôn lạc quan và tìm những cách để sắp xếp cuộc sống của mình sao cho chúng trở nên ngăn nắp, ổn định và phong phú. Thế nhưng, dù tự sắp xếp cuộc sống của mình tốt như thế nào, nhưng trong khoảng thời gian dài mà không có người cùng nói chuyện, anh cảm thấy vô cùng “thèm người”. Anh kể rằng từng có lần mình đã lấy cây gỗ chặn ở đường ô tô để được nghe thấy tiếng người và tự nhận mình là người “ cô độc nhất thế gian”. Tuy thế nhưng anh không hề thu mình lại mà luôn quan tâm, chu đáo khi có những người tới thăm nhà mình. Anh luôn sống với một thái độ khiêm tốn và nhã nhặn. Đối với những công việc của mình cùng những hi sinh cho công việc, anh không hề cảm thấy chúng to lớn mà với anh, đó chỉ là những đóng góp rất nhỏ bé. Thấy ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của mình, anh cảm thấy ngượng ngùng và lập tức vui vẻ giới thiệu những người khác anh biết mà anh cảm thấy còn xứng đáng được vẽ hơn chính bản thân mình. Đó là ông kĩ sư thụ hoa vườn su hào hay người thanh niên nghiên cứu bản đồ sét. Họ cũng đang thầm lặng đóng góp sức lực của mình hiến dâng cho đời mà không hề cần mọi người tung hô, biết tới. Không kiêu ngạo, anh thanh niên luôn là một chàng trai trẻ khiêm tốn, có trách nhiệm.
Ngoài nhân vật anh thanh niên, người đọc còn ấn tượng với ông họa sĩ. Ông là, một con người hết lòng vì nghệ thuật: đi thực tế trước khi về hưu, yêu mến anh thanh niên liền đem giấy bút ra phác họa anh ngay… Ông cảm thấy xúc động mạnh khi nhìn thấy người con trai tầm vóc bẻ nhỏ, khuôn mặt rạng rỡ. Ông họa sĩ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy hình ảnh anh thanh niên đang hái hoa rồi tặng cho cô kỹ sư. Sau cuộc trò chuyện với anh thanh niên, ông đã bày tỏ ý định muốn vẽ bức chân dung về anh. Đặc biệt, ông họa sĩ đã nhận ra rằng nghệ thuật, hội hoạ bất lực trong hành trình cuộc đời. Vẽ là công việc khó nhọc, gian nan. Đó còn là cô kỹ sư một người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết. Cô có tính cách dễ gần, hồn nhiên và lãng mạn: trông thấy anh thanh đang hái hoa, quên mất e lệ chạy đến bên anh, nhận lấy bó hoa mà anh đã cắt. Cô yêu mến bác họa sĩ và anh thanh niên: chăm chú lắng nghe câu chuyện của anh, cố tình để lại chiếc khăn tay làm tin nhưng bị anh vô tình ngây ngô trả lại… Sau cuộc gặp gỡ với anh thanh niên, nhận ra quyết định của mình là đúng đắn và càng thêm tin tưởng vào quyết định của bản thân. Đó còn là những con người lao động xuất hiện qua lời kể của anh thanh niên. Ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa: tỉ mỉ quan sát ong thụ phấn, tận tâm với công việc, tự tay thụ phấn cho cây su hào, nghiên cứu ra giống cây su hào chất lượng. Nhà nghiên cứu sét: cứ trời sét là chạy ra quan sát, liên tục trong mười một năm, không màng chuyện hạnh phúc cá nhân. Họ đều là những người góp phần làm nên vẻ đẹp của Sa Pa.
Như vậy, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã khắc họa thành công hình ảnh những người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình sống trên đỉnh núi cao. Từ đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của con người lao động, cũng như ý nghĩa của những công việc thầm lặng.
….
>> Tải file để tham khảo các mẫu còn lại!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận văn học về bài Lặng lẽ Sa Pa 4 Dàn ý & 9 bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.