Bạn đang xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về mục đích học tập của học sinh (4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Học tập giúp ta tích lũy kiến thức, mở mang tầm hiểu biết về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Với 4 bài Nghị luận về mục đích học tập của học sinh sẽ giúp các em hiểu rõ tầm quan trọng của việc học, để không ngừng phấn đấu.
Là học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta phải xác định rõ mục đích học tập, để vững tin hơn trong tương lai. Chi tiết mời các em cùng theo dõi 4 bài văn nghị luận mục đích của học tập trong bài viết dưới đây để củng cố kiến thức môn Ngữ văn 9, ôn thi vào lớp 10 hiệu quả.
Nghị luận xã hội về mục đích học tập của học sinh – Mẫu 1
Giáo dục đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển trong mỗi một quốc gia. Và học tập là một vấn đề luôn được nhiều người quan tâm và nhắc đến. Tuy nhiên, để học tập một cách có hiệu quả, thì điều quan trọng nhất ở đây là mỗi người cần đề ra cho bản thân một mục đích học tập.
Học ở đây là quá trình tiếp nhận kiến thức do người khác truyền lại và tự mình làm giàu vốn kiến thức cho mình. Mục đích học tập chính là việc tạo ra một mục tiêu phấn đấu và nỗ lực. Học tập trau dồi trí thức và mục đích học tập định hướng những kiến thức cần thiết cho mỗi người. Ví dụ như, một người bác sĩ cần trau dồi các kĩ năng chuyên môn về sinh học, hóa học, một nhà thiên văn học lại cần có sự am hiểu sâu rộng về khoa học, kĩ thuật …
Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh học tập không có mục đích. Lí do khiến cho các bạn đến trường hàng ngày là vì ba mẹ ép buộc. Chính bởi vậy nên các bạn bị căng thẳng, dẫn đến chán nản và mệt mỏi, từ đó có những suy nghĩ tiêu cực nhằm mục tiêu có được kết quả học tập cao trong khi kiến thức trống rỗng. Các bạn học tủ, học vẹt, chép phao, quay bài … trong các kì thi, bài kiểm tra.
Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, ta phải xác định rõ ta học vì ai, vì cái gì. Mục đích học tập tạo động cơ thúc đẩy bản thân liên tục trau dồi kiến thức, từ đó gặt hái thành tích cao trong các kì thi mà không cần phải dùng những mánh khóe, gian lận trong thi cử. Mục đích học tập tạo định hướng tương lai rõ ràng, giúp chúng ta thành công hơn khi bước vào đời.
Học sinh là những thế hệ trẻ, là chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi người trong chúng ta cùng nhau cố gắng học tập, tương lai xây dựng đất nước sẽ ngày một lớn mạnh, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới.
Nghị luận xã hội về mục đích học tập của học sinh – Mẫu 2
Học hành có tầm quan trọng rất lớn đối với cuộc đời mỗi con người. Người xưa đã nhắc nhở con cháu rằng: Nếu còn nhỏ mà không chịu học hành thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích. Trong thực tế ngày nay có rất nhiều người thành đạt trên con đường học tập xong cũng không có ít những người thất bại bởi do mục đích học tập khác nhau.
Nói đến học tập là nói đến trí thức, năng lực suy nghĩ mà con người muốn tiếp thu tri thức được lưu truyền từ đời này qua đời khác, chính vì vậy việc học là vô cùng cần thiết với mọi người.
Vậy học như thế nào là học có mục đích? Là học để phục vụ mọi công việc đạt kết quả cao, nói một cách đơn thuần làm việc theo kinh nghiệm sản xuất thì công việc tiến triển chậm chất lượng không tốt chỉ phù hợp với công việc đơn giản, phù hợp với thời kỳ khoa học kỹ thuật chưa phát triển. Ngày nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển cần phải có tri thức thực sự, có nghĩa là có mục đích học tập chính đáng thì ta mới có thể đạt kết quả cao trong học tập, công việc và giúp ích cho đất nước. Mục đích học tập chân chính không chỉ tích lũy trí thức mà còn làm quá trình rèn luyện tư chất đạo đức của mỗi người.
Trong cuộc sống đã có rất nhiều tấm gương có mục đích học tập chân chính. Chúng ta không thể quên được thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – thầy không được tạo vật ưu ái tặng cho đôi bàn tay nhưng thầy không hề nản lòng trước những khó khăn của cuộc sống, thầy vẫn học bằng đôi bàn chân, vẫn tích lũy tri thức để rồi trở thành một thầy giáo giỏi giúp ích cho đất nước.
Vậy bản thân chúng ta cần học tập như thế nào để có mục đích sống? chúng ta cần phải học đều ở tất cả các môn, có ý thức tinh thần vươn lên trong học tập, tự bản thân vượt qua các kỳ thi để tiến tới phổ thông trung học, cao đẳng, đại học… tìm được một công việc tốt, làm việc có hiệu quả để trở thành một người thành đạt trong cuộc sống.
Trái với người có mục đích học tập chân chính là những người chây ì trong việc học tập, lợi dụng học tập để phục vụ cho lợi ích cá nhân: thăng quan tiến chức, những người như vậy sẽ chẳng làm được gì có ích, làm hại quốc gia, chúng ta cần loại bỏ những hạn chế đẩy mạnh ưu điểm để có kết quả tốt trong học tập tốt nhất.
Tóm lại để trở thành người thành công trong cuộc sống, trở thành người có tài, có đức chúng ta hãy xây dựng cho mình mục đích học tập chân chính. Như lời khuyên của Lê Nin: “Học, học nữa, học mãi”, để đáp ứng nhu cầu bản thân cũng như của đất nước trong giai đoạn ngày nay.
Nghị luận xã hội về mục đích học tập của học sinh – Mẫu 3
Nếu có người hỏi bạn rằng “Mục đích học tập của bạn là gì?” thì bạn sẽ trả lời như thế nào? Thực ra mục đích học tập của mỗi người tuy không giống nhau ở cái đích đến nhưng giống nhau ở quá trình. Mỗi người trong quá trình học tập và rèn luyện của mình đều có một mục đích chung và chia nhỏ thành nhiều mục đích riêng. Vậy mục đích học tập là gì?
Lê nin từng nói “Học, học nữa, học mãi” có ý nghĩa quan trọng đối với việc học, ông muốn nhấn mạnh đến sự học, rằng học không bao giờ là đủ, là thừa, học đến suốt cuộc đời chúng ta vẫn thấy có quá nhiều điều mà bản thân mình không biết.
Mục đích học tập chính là kết quả cuối cùng của quá trình học tập, khi bạn học thì bạn mong muốn nhận lại được gì từ việc học này. Đó chính là mục đích học tập
Học để biết cũng chính là một mục đích và là mục đích đầu tiên của mỗi người khi tiếp xúc với việc học. Những kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế cơ bản, khái quát nhất là những điều mà mỗi người có thể nắm được sau khi học. Khi biết được kiến thức thì bạn sẽ tự tin khi mọi người hỏi về vấn đề đó.
Học để làm là mục đích sau khi đã biết được kiến thức. Học để làm người, làm việc, làm giàu cho gia đình và xã hội đều là những mục đích của quá trình học tập. Bạn sẽ nhận ra rằng mình có thể làm được gì, theo đuổi được gì từ khi thu nhận được những kiến thức trên ghế nhà trường và trong cuộc sống này.
Học để chung sống, để hòa đồng, để bắt nhịp được với cuộc sống đang xoay vần chuyển nhịp từng ngày. Bạn sẽ nhận ra nếu như không chịu khó học tập, tìm hiểu thì bạn sẽ trở thành người luôn đi phía sau, tụt hậu, bị lãng quên. Như vậy mục đích này sẽ khiến cho bạn có thêm động lực để học, để rèn luyện từng ngày.
Mục đích của học tập rất rộng, nếu bạn không biết được mục đích của sự học là gì thì bạn sẽ không thể tìm ra được phương pháp học tập đúng đắn và phù hợp nhất. Khi nhận ra đâu là mục đích chính thì bạn sẽ không phải loay hoay và tìm ra được định hướng cho tương lai.
Việc xác định mục đích học tập vô cùng quan trọng, nó giúp cho bạn không những có định hướng mà còn rút ngắn thời gian đi tìm câu trả lời học để làm gì. Thông thường những người biết xác định mục đích học tập là những người sẽ thành công sớm hơn.
Việc bạn học đại học, chọn một ngành học phù hợp với khả năng và với đam mê của mình chính là việc bạn đã biết xác định được mục đích sau này bạn sẽ làm được gì.
Bên cạnh đó, có không ích người không biết mình học làm gì, bởi họ đang “học cho người khác”, vì gia đình, vì khuôn khổ mà học theo ý người khác để rồi đánh mất đi nhiều điều quan trọng nhất.
Bởi vậy mục đích học tập rất quan trọng, bạn cần phải tìm cho mình một con đường riêng của việc học để theo đuổi giấc mơ của mình.
Nghị luận xã hội về mục đích học tập của học sinh – Mẫu 4
Trong thời đại khoa học tiên tiến như hiện nay, giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng. Học tập là vấn đề được toàn xã hội quan tâm. Vậy học hỏi để làm gì? Trả lời cho câu hỏi này UNESCO đã đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
Mục đích học tập mà UNESCO đề ra không chỉ phù hợp với thời đại mà còn là mục đích rất nhân văn. Mục đích học tập phải đáp ứng 2 yêu cầu: tiếp thu kiến thức và yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách. Trước hết:” học để biết”. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh là học chữ cái, con sô rồi cách viết, cách đọc. Chính từ nền tảng cơ bản nhất ấy đã dần hình thành nên 1 hệ thống kiến thức toàn diện ở mức phổ thông. Học ở đây là quá trình tiếp nhận kiến thức do người khác truyền lại và tự mình làm giàu vốn kiến thức cho mình. Qua việc học, chúng ta biết được những quy luật vận động của tự nhiên, những quy tắc chuẩn mực của xã hội, cách sống và hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Thu nhận kiến thức có thể nói là mục đích học tập cơ bản nhất. Học tập trau dồi trí thức cho con người và làm cho trí tuệ con người sáng rạng ra.
Tuy nhiên, ông cha ta quan niệm: “Trăm hay không băng tay quen”. Nếu như chỉ chăm học lí thuyết mà không chịu thực hành thì khi làm việc không tránh khỏi những khó khăn, thậm chí là thất bại. Một ví dụ dễ thấy rằng: trong cuộc sống của chúng ta, không ít người hiểu rộng biết nhiều nhưng khả năng thực hành lại rất kém. Ngược lại, tại sao những người nông dân “chân lấm tay bùn” suốt ngày “bắn mặt cho đất, bán lưng cho trời” không được học hành, đào tạo qua trường lớp nào mà tay nghề lại tài giỏi,xuất sắc như vậy? Đó là khả năng quan sát, đúc rút kinh nghiệm trong lao động của họ. Những người hay nói mà không hay làm là những người vô dụng. Đó là những con người chỉ biết trang trí bản thân chứ không biết rèn luyện bản thân.
Như vậy “học” thôi chưa đủ mà còn phải “đi đôi với hành” nữa. Tất nhiên, chúng ta không nên nghiêng phiến diện 1 phía: “học” quan trọng hơn hay “hành” quan trọng hơn mà cần biết điều hòa kết hợp giữa 2 yếu tố trên. Trong xã hội ngày nay, tri thức là tiền đề quan trọng. Để hoàn thành được công việc có kĩ thuật cao cần phải nắm vững lí thuyết để vận dụng cho phù hợp. Công nghệ hiện đại khác nhiều với việc cày cấy, luân phiên mùa vụ của nông dân trên đồng ruộng. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ tạo ra năng suất công việc cao hơn. Qua đây, ta thấy được tác động 2 chiều giữa “học” và “hành”, “biết” và “làm”, chúng bổ sung, tương tác với nhau, là 2 mặt của 1 quá trình.
Bên cạnh việc đề cao giữa thu nhận kiến thức và thực hành, UNESCO đã chỉ ra:” học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Đây chính là mục đích học tập rất nhân văn. Học tập giúp ta hiểu hơn về thế giới xung quanh, làm cho những trạng thái tâm hồn ta trở nên linh hoạt hơn, đa dạng phong phú hơn. Ta đã biết mỉm cười trước niềm vui của người khác, biết đau trước những nỗi đau của con người, biết giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông và tìm được chính mình. Tri thức tự nó đã là sức mạnh giúp cho con người rộng lượng hơn, vị tha hơn và tự tin hơn trong cuộc sống.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã tác động đến suy nghĩ con người. 1 bộ phận học sinh, sinh viên thời nay đã không xác định đúng đắn mục đích học tập của mình. Họ miệt mài trong học tập như cái máy, coi việc học như nghĩa vụ, trách nhiệm không thể chối bỏ, đối với cha mẹ, thầy cô. Họ học cho bằng cấp, cho sự nghiệp công danh mà họ trở nên thực dụng trong việc học và quên đi lợi ích của việc học, thiết nghĩ: nếu như cả xã hội này coi học tập chỉ là nghĩa vụ bắt buộc và chỉ dừng lại ở mức độ biết thì mỗi cá nhân sẽ không phát huy được tài năng, cá tính sáng tạo của bản thân và vô tình kìm hãm sự phát triển xã hội. Vì vậy việc xác định mục đích học tập là rất quan trọng.
Mục đích học tập mà UNESCO đề xướng rất đúng đắn, nhân văn. Qua đó ta định hướng học tập dễ dàng hơn, việc học trở nên hiệu quả và hữu ích hơn. Tri thức như 1 cái thang dài vô tận, bước qua 1 bậc thang ta có thêm hành trang để tự tin bước lên bậc kế tiếp. Học vấn làm đẹp con người!
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Văn mẫu lớp 9: Nghị luận về mục đích học tập của học sinh (4 mẫu) Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất tại Thcslytutrongst.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.